• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nuôi lợn Táp Ná cho hiệu quả kinh tế cao

Nguồn tin: Báo Ninh Bình, 21/09/2020
Ngày cập nhật: 22/9/2020

Lợn Táp Ná - tên gọi một giống lợn địa phương ở tỉnh Cao Bằng và một số tỉnh lân cận thuộc vùng núi phía Bắc. Đây là giống lợn phàm ăn, ăn khỏe, kể cả thức ăn nghèo dinh dưỡng. Nhưng chất lượng thịt lợn Táp Ná rất thơm ngon, đã trở thành thịt lợn đặc sản, với giá bán đắt. Đó cũng là lý do từ hơn 3 năm qua, dự án "Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi lợn Táp Ná tại huyện Nho Quan" tỉnh Ninh Bình được thực hiện.

Hộ anh Quách Văn Hoàng, bản Thường Sung, xã Kỳ Phú (Nho Quan) -hộ tham gia mô hình nuôi lợn Táp Ná thương phẩm.

Sự bùng nổ về du lịch trên địa bàn trong những năm gần đây kéo theo nhu cầu lớn về nguồn cung nguyên liệu thực phẩm sạch truyền thống và thân thiện với môi trường. Một số xã vùng cao, như: Cúc Phương, Kỳ Phú và Phú Long (Nho Quan) đã sưu tầm và phát triển nhiều giống lợn nội có giá trị kinh tế cao, như: Lợn Mường Khương, lợn Bản, lợn Móng Cái, lợn Hạ Lang và lợn Táp Ná. Tuy nhiên, quy mô trang trại chăn nuôi còn nhỏ lẻ, manh mún, vốn đầu tư hạn hẹp, trang thiết bị, chuồng trại, thức ăn, con giống chưa đồng bộ dẫn đến năng suất còn thấp, xử lý môi trường còn hạn chế, phòng trừ dịch bệnh khó khăn, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế. Để khắc phục tình trạng trên, cần định hướng cho chăn nuôi lợn nói chung và chăn nuôi các giống lợn nội nói riêng theo hướng chăn nuôi gia trại, trang trại tập trung.

Bác sỹ thú y Hoàng Xuân Thủy, Thư ký dự án cho hay: Xuất phát từ đề tài nghiên cứu khoa học "Khai thác và phát triển sản xuất giống lợn Hạ Lang và lợn Táp Ná" giai đoạn 2011-2015, đã được Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá, nghiệm thu năm 2016. Các quy trình kỹ thuật, công nghệ này đã được Bộ môn Vật nuôi quý hiếm và Đa dạng sinh học (Viện Chăn nuôi) nghiên cứu, phát triển. Công nghệ phù hợp với các vùng sinh thái, được nghiên cứu trong thời gian dài và được đúc kết tổng hợp lại thành các quy trình kỹ thuật nuôi tiên tiến và phù hợp. Giống lợn Táp Ná và các quy trình kỹ thuật, công nghệ, tiến bộ khoa học, áp dụng phù hợp với xu thế cũng như định hướng phát triển chăn nuôi lợn ở nhiều địa phương. Đây là giống lợn cần được nuôi, nhân rộng để giữ được nguồn gen tốt của giống lợn bản địa, đồng thời khai thác và phát triển kinh tế cho các vùng trung du và vùng núi phía Bắc Việt Nam. Trong đó, sẽ tạo ra sản phẩm lợn Táp Ná có chất lượng tốt, nâng cao hiệu quả kinh tế của mô hình.

Bắt đầu từ tháng 5/2017, Viện Chăn nuôi phối hợp với Công ty TNHH ứng dụng và phát triển công nghệ Trang Ninh (đơn vị thực hiện dự án) triển khai các đợt tiếp nhận và chuyển giao kỹ thuật công nghệ. Các kỹ thuật viên được tập huấn nâng cao năng lực chỉ đạo, giám sát, được trang bị những kiến thức mới, kỹ thuật mới, công nghệ mới. Đội ngũ cán bộ này có đủ trình độ chuyên môn để tập huấn, chỉ đạo, hướng dẫn nông dân - những hộ tham gia chăn nuôi. Qua 3 năm, dự án đã tiến hành chọn lọc và nhân thuần giống lợn Táp Ná; chăm sóc và nuôi dưỡng lợn Táp Ná sinh sản. Theo đó, xây dựng một mô hình trang trại chăn nuôi lợn Táp Ná sinh sản (quy mô 60 con: 55 nái, 5 đực). Qua 6 lứa sinh sản, sau khi loại thải, chọn lọc (đàn giống bố - mẹ), cho kết quả con sơ sinh đạt tiêu chuẩn làm giống là 1.662 con. Đây là địa điểm triển khai xây dựng mô hình chăn nuôi lợn giống bố mẹ, sản xuất lợn thương phẩm và là cơ sở cung cấp con giống sau này nhân rộng ra mô hình. Song song với chọn lọc và nhân giống thuần lợn Táp Ná, thực hiện quy trình chăm sóc và nuôi dưỡng lợn Táp Ná thương phẩm. Theo đó, xây dựng một mô hình trang trại chăn nuôi lợn thương phẩm, quy mô 500 con/năm (trong 3 năm) và hai mô hình gia trại chăn nuôi lợn thương phẩm dưới tán vườn tạp quy mô 150 con/năm. Trong đó đã triển khai thực hiện ở 10 hộ chăn nuôi, quy mô 15 con/hộ/năm. Đồng thời, thực hiện quy trình vệ sinh thú y, phòng bệnh trong chăn nuôi lợn Táp Ná sinh sản và thương phẩm.

Nhờ có điều kiện đất đai vườn tạp, có truyền thống và kinh nghiệm chăn nuôi lợn, hộ anh Quách Văn Hoàng ở bản Thường Sung, xã Kỳ Phú tham gia xây dựng mô hình chăn nuôi lợn Táp Ná thương phẩm. Cùng với cấp con giống, hỗ trợ thức ăn..., gia đình anh được dự các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi lợn Táp Ná. Với phương thức nuôi bán hoang dã, hai năm nay, anh Hoàng nhận thấy nuôi lợn Táp Ná thương phẩm rất thuận lợi. Giống lợn Táp Ná rất dễ nuôi, phàm ăn, ăn khỏe và ăn bất cứ loại thức ăn nào, kể cả loại thức ăn nghèo chất dinh dưỡng, hầu như không bị bệnh. Con giống thả ban đầu là 10 kg, sau 6 tháng, trọng lượng xuất chuồng đạt 55 kg/con. Với giá bán 120 nghìn đồng/kg, hiện thịt lợn Táp Ná luôn được thị trường ưu chuộng vì chất lượng thơm ngon, rất phù hợp cho việc làm cỗ mẹt, làm cỗ phục vụ khách du lịch.

Từ nhu cầu cấp thiết cho sự phát triển chăn nuôi các giống lợn nội nói chung, trong đó có lợn Táp Ná nói riêng theo quy mô gia trại và trang trại tập trung ở các xã vùng cao ở huyện Nho Quan, Dự án "Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi lợn Táp Ná tại huyện Nho Quan" được nghiệm thu, đánh giá các mặt: ý nghĩa thực tiễn, ý nghĩa khoa học và phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Ninh Bình trong giai đoạn hiện nay.

Bài, ảnh: Nguyễn Minh

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang