• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Lạng Sơn: Tăng cường quản lý các cơ sở gây nuôi động vật rừng, động vật hoang dã

Nguồn tin: Báo Lạng Sơn, 30/09/2020
Ngày cập nhật: 3/10/2020

Động vật rừng, động vật hoang dã quý hiếm được nhiều cơ sở gây nuôi. Hiện nay, toàn tỉnh có 63 cơ sở gây nuôi động vật rừng quý hiếm thuộc 13 loài với tổng số gần 12.400 cá thể các loại. Trong đó, có 33 cơ sở gây nuôi động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm như: khỉ đuôi dài, rùa câm, rắn ráo trâu, rắn hổ mang, cầy vòi hương, cầy vòi mốc… tập trung ở các huyện: Hữu Lũng, Tràng Định, Văn Quan, thành phố Lạng Sơn; 30 cơ sở gây nuôi động vật rừng thông thường gồm: lợn rừng, hươu sao, don, dúi mốc, rắn ráo thường, rắn sọc dưa, được nuôi nhiều ở các huyện: Bình Gia, Bắc Sơn, Hữu Lũng, Chi Lăng; 1 cơ sở nuôi nhốt gấu Ngựa…

Ông Triệu Văn Cọt, thôn Xóm Mới A, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng cho biết: Năm 2011, tôi bắt đầu nuôi rắn. Trước khi nuôi tôi đã tuân thủ các quy định của nhà nước như mua con giống có nguồn gốc rõ ràng, làm thủ tục xin cấp giấy phép nuôi; ký cam kết bảo vệ môi trường… Hiện nay, gia đình tôi đang nuôi gần 5.000 con rắn các loại như: rắn ráo thường, rắn ráo trâu, rắn hổ mang… Để đảm bảo chăn nuôi an toàn, hiệu quả, tôi đã xây dựng chuồng trại kiên cố, tuân thủ quy trình vệ sinh chuồng trại (dọn 1 lần/tháng), phòng bệnh cho rắn (cho uống thuốc) và phun tiêu độc khử trùng 3 ngày 1 lần.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Chi Lăng kiểm tra cơ sở nuôi rắn ở xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng

Không chỉ gia đình ông Cọt mà tất cả các cơ sở gây nuôi động vật rừng, động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh hiện nay đều chấp hành tốt các quy định của pháp luật trong việc gây nuôi, phát triển đàn.

Hằng năm, Chi cục Kiểm lâm tỉnh chỉ đạo hạt kiểm lâm các huyện, thành phố thực hiện tốt công tác quản lý gây nuôi động vật rừng, động vật hoang dã; tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện trình tự, thủ tục đăng ký mã số cơ sở nuôi theo quy định. Theo đó, từ tháng 4/2019 đến nay, chi cục đã cấp mã số cho 17 cơ sở nuôi động vật rừng nguy cấp, quý hiếm. Việc cấp mã số được đảm bảo theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật. Các chủ cơ sở chấp hành nghiêm quy định về nguồn gốc, điều kiện chuồng trại và chăn nuôi an toàn…

Để công tác quản lý các cơ sở gây nuôi có hiệu quả, Chi cục Kiểm lâm chỉ đạo hạt kiểm lâm các huyện, thành phố cấp phát sổ theo dõi nhập xuất động vật rừng, động vật hoang dã đến từng tổ chức, cá nhân, hộ gia đình. Hiện nay, 100% các cơ sở nuôi trên địa bàn tỉnh đều có sổ theo dõi. Việc ghi chép sổ theo dõi thường xuyên được lực lượng kiểm lâm kiểm tra, hướng dẫn và xử lý kịp thời đối với các cơ sở không chấp hành.

Bên cạnh đó, hằng năm, chi cục xây dựng kế hoạch kiểm tra các cơ sở theo từng quý hoặc tiến hành kiểm tra đột xuất với các cơ sở có dấu hiệu vi phạm nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý và khắc phục kịp thời các hậu quả. Nội dung kiểm tra gồm: điều kiện chuồng trại, tình trạng an toàn cho người dân, vật nuôi; công tác vệ sinh môi trường; ngăn ngừa dịch bệnh; kiểm tra việc ghi chép sổ xuất nhập động vật hoang dã… Từ năm 2019 đến nay, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tổ chức được 213 cuộc kiểm tra.

Ngoài kiểm tra, đơn vị cũng kết hợp lồng ghép tuyên truyền, phổ biến các quy định mới, những điểm mới của Nghị định số 06 ngày 22/1/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp đến các cơ sở gây nuôi.

Nhờ triển khai nhiều giải pháp trong công tác quản lý nên từ đầu năm 2019 đến nay, tình hình nuôi nhốt động vật rừng, động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh được kiểm soát chặt chẽ. Các tổ chức, cá nhân chăn nuôi đã tự giác lập hồ sơ đăng ký nuôi nhốt và cấp mã số theo quy định, chấp hành tốt các quy định về nuôi nhốt, không có cơ sở vi phạm.

Ông Nguyễn Hữu Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Thời gian tới, chi cục tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân thực hiện tốt các quy định về nuôi nhốt động vật rừng, động vật hoang dã; tổ chức cho các cơ sở nuôi (theo mục đích thương mại) ký cam kết về việc không mua, bán, sử dụng, tiêu thụ, trưng bày, quảng cáo mẫu động vật hoang dã không đảm bảo nguồn gốc hợp pháp…

NGUYỄN PHƯƠNG

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang