• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nuôi le le- mô hình mới của nông dân xã Biên Giới

Nguồn tin: Báo Tây Ninh, 05/10/2020
Ngày cập nhật: 6/10/2020

Đến nhà ông Phạm Ngọc Trước (sinh năm 1955, hội viên Nông dân ấp Bến Cầu, xã Biên Giới, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh), chúng tôi gặp khách hàng đang chọn mua le le với giá 500.000 đồng/con về làm giống. Ông Trước nói: “So với các loài khác, le le nuôi mau lớn, ít tốn công chăm sóc, chi phí thấp, giá bán cao. Le le thương phẩm hút hàng vì là món ăn bổ dưỡng, được ưa chuộng. Tôi cố gắng phát triển đàn le le với cách chăm sóc riêng”.

Le le được nuôi ở trang trại của ông Trước.

Ngoài công việc chính là phục vụ đờn ca tài tử, ông Trước còn đam mê trồng trọt, chăn nuôi. Sau thời gian nghiên cứu các mô hình chăn nuôi mới, năm 2017, ông quyết định đặt mua 25 con le le về nuôi thử với giá 420.000 đồng/con. Ban đầu, việc nuôi le le gặp khó khăn do chưa có kinh nghiệm chăm sóc, nên suốt 2 năm chúng không đẻ trứng. Ông Trước đi học hỏi kinh nghiệm khắp nơi, xuống miền Tây nghiên cứu kỹ thuật nuôi. Qua nhiều lần thất bại, ông tìm ra nguyên nhân khiến le le không sinh sản.

Le le là loài có đặc tính hoang dã cao, môi trường nuôi không phù hợp thì không đẻ trứng. Để giảm bớt tính hoang dã của chúng, ông Trước đặt mua 20 quả trứng le le với giá 50.000 đồng/trứng. Cách làm mới của ông là dùng gà mái để ấp trứng, khéo léo tiếp cận và chăm sóc, làm giảm đặc tính hoang dã của le le. Trứng le le được gà mái ấp khoảng 26 ngày thì nở; 6 - 10 ngày sau, le le con được nuôi riêng.

Ông Trước tâm sự: “Dù là loài sống dưới nước, le le lại đẻ nơi khô ráo, chỗ nuôi phải bảo đảm vệ sinh. Thức ăn không quá cầu kỳ nhưng chỉ sử dụng trong ngày như cám, bèo, lục bình. Nếu hiểu và bảo đảm đầy đủ các yêu cầu, việc nuôi le le vô cùng dễ dàng”.

Dành nhiều thời gian để tìm hiểu về đặc tính của le le, ông Trước đã bước đầu thành công trong việc cho loài này sinh sản. Người nuôi cần đào ao, xung quanh trồng nhiều cây xanh, cỏ dại như sậy, lục bình, tạo môi trường cho le le sinh sống và đẻ trứng. Trong môi trường bán hoang dã, le le sống khoẻ mạnh, ít bệnh nên không cần dùng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi.

Hiện nay, gia đình ông Trước nuôi 100 con le le khoảng 2 tháng tuổi, 50 con bố mẹ để lấy trứng. Trong một năm, le le đẻ khoảng 2 - 3 lần, mỗi lần từ 8 - 10 trứng. Le le đã thuần giống cho ăn uống đầy đủ, đẻ nhiều hơn so với giống hoang dã. Sau khi nuôi le le từ 1,5 - 2 tháng, người nuôi có thể bán làm giống; nuôi khoảng 4 tháng thì bán lấy thịt với giá trên 500.000 đồng/con, tuỳ thời điểm.

Dù mô hình nhỏ nhưng nhiều người đã hỏi thăm, tìm đến tận nơi để mua con giống. Ông Trước dự định sẽ mở rộng quy mô nuôi, đáp ứng nhu cầu mua le le lấy thịt, trứng hoặc làm giống của người dân trong và ngoài tỉnh.

PHƯƠNG THẢO - HÀ QUANG

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang