• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Cẩn trọng với việc tăng, tái đàn heo

Nguồn tin: Báo Khánh Hòa, 05/10/2020
Ngày cập nhật: 7/10/2020

Khi dịch bệnh được khống chế, hoạt động nuôi heo nhộn nhịp trở lại. Hiện nay, tổng đàn heo đã cao hơn nhiều so với thời điểm trước khi dịch tả heo châu Phi (ASF) xảy ra. Cơ quan chức năng đang khuyến cáo người chăn nuôi cẩn trọng để đề phòng dịch bệnh.

Chủ yếu tăng đàn ở trang trại

Theo lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Khánh Hòa, hiện nay, tổng đàn heo toàn tỉnh có khoảng 306.000 con, tăng khoảng 68% so với tháng 12-2018. Đây là mức tăng rất cao, chứng tỏ hoạt động chăn nuôi heo đã sôi động trở lại. Tuy nhiên, việc tăng đàn chủ yếu diễn ra ở các trang trại, công ty, trại gia công, nơi chưa bị nhiễm ASF. Ở các trang trại này, nhất là trại gia công cho các công ty chăn nuôi như CP, CJ..., do chủ động được các khâu từ con giống, thức ăn, quy trình nuôi, thị trường… nên khi thị trường khan hiếm heo giống, hệ thống chăn nuôi này vẫn hoạt động ổn định. Khi giá heo thịt tăng cao, hệ thống này tổ chức tăng đàn để đáp ứng nhu cầu thị trường. Được biết, toàn tỉnh có 220 trang trại tư nhân, doanh nghiệp và trang trại gia công cho các công ty chăn nuôi; tổng đàn khu vực này khoảng 250.000 con, chiếm 80% tổng đàn heo toàn tỉnh.

Đàn heo của một hộ chăn nuôi ở huyện Cam Lâm.

Trong khi đó, ở khu vực chăn nuôi nông hộ, đến thời điểm này chưa có nhiều hộ mạnh dạn tái đàn do không đủ nguồn lực đầu tư chăn nuôi khép kín, đảm bảo an toàn để phòng dịch bệnh. Chính vì thế, dù giá heo đang cao, các hộ này cũng không có nhiều heo để bán.

Người chăn nuôi cần cẩn trọng

Khi dịch bệnh trên đàn heo, đặc biệt là ASF cơ bản được khống chế, các hộ nuôi nhỏ lẻ bắt đầu tái đàn thì ASF lại xảy ra, gây khá nhiều khó khăn cho công tác kiểm soát dịch bệnh. Cuối tháng 8-2020, ASF được phát hiện ở 1 hộ nuôi ở xã Khánh Bình, huyện Khánh Vĩnh, chấm dứt thời gian 7 tháng liên tục toàn tỉnh không ghi nhận trường hợp nào. Đến giữa tháng 9, đàn heo của 1 hộ nuôi ở xã Phước Đồng, TP. Nha Trang cũng cho kết quả dương tính với ASF. Điểm chung của 2 trường hợp này đều là chăn nuôi quy mô nông hộ, nguồn giống chưa đảm bảo, chuồng trại, quy trình nuôi chưa thực sự an toàn. Hộ nuôi ở Phước Đồng sau khi phát hiện heo bệnh, chết do ASF đã “bán chạy” số heo còn lại ra thị trường, vi phạm các quy định về phòng, chống dịch và làm tăng nguy cơ bùng phát ASF.

Mới đây, trong buổi làm việc tại Khánh Hòa về công tác tái đàn, tăng đàn heo, ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đánh giá, so với các tỉnh Nam Trung Bộ, tốc độ tái đàn, tăng đàn heo ở Khánh Hòa rất nhanh. Ông Trọng đề nghị các cơ quan chuyên môn ở Khánh Hòa tiếp tục hướng dẫn người dân tái đàn, tăng đàn nhưng không ồ ạt, nhất là trong tình hình hiện nay, khi heo giống khan hiếm, giá giống tăng cao, một số nguồn giống chưa thực sự đảm bảo… Việc tái đàn cần gắn với tái cơ cấu lại chăn nuôi heo bao gồm cả việc quy hoạch, quy mô và chính sách hỗ trợ đi kèm.

Liên quan vấn đề này, theo lãnh đạo UBND huyện Cam Lâm (địa phương có hoạt động chăn nuôi heo phát triển mạnh, tổng đàn chiếm khoảng 60% của tỉnh), huyện đã xây dựng quy hoạch vùng nuôi và thực hiện các giải pháp khuyến khích các hộ chăn nuôi nâng cấp, mở rộng quy mô, đưa vào quy hoạch. Tuy nhiên, hiện nay, cơ sở hạ tầng cho vùng được quy hoạch chăn nuôi heo chưa đáp ứng được nhu cầu. Điện, đường giao thông, nước… phục vụ cho vùng chăn nuôi heo quy mô trang trại còn thiếu và cần sự đầu tư đồng bộ.

Ông Lê Thắng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh khuyến cáo các hộ nuôi heo, hiện nay, giá thịt heo đang cao, nhu cầu tái đàn là không nhỏ; tuy nhiên, hoạt động tái đàn, tăng đàn chỉ nên thực hiện ở những hộ nuôi đáp ứng tối thiểu các yêu cầu về an toàn chăn nuôi, an toàn sinh học. Với các hộ nuôi chưa đảm bảo những yêu cầu này, cần chuyển đổi, nâng cấp chuồng trại, thực hiện triệt để biện pháp tiêu độc khử trùng, tiêu diệt sạch mầm bệnh mới tổ chức tái đàn.

Hồng Đăng

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang