Nguồn tin: Báo Thái Nguyên, 21/10/2020
Ngày cập nhật:
22/10/2020
Anh Nguyễn Đức Tài, xóm Phúc Tiến, xã Phú Tiến (Định Hóa) hiện nuôi 20 tổ ong vò vẽ trong vườn nhà.
Vài năm gần đây, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã nuôi ong vò vẽ (hay còn gọi là ong bò vẽ) trong vườn, đồi của gia đình để bán nhộng, cho thu nhập khá. Tuy nhiên, việc nuôi ong này ảnh hưởng đến đàn ong mật hiện có tại địa phương và tiềm ẩn nguy hiểm đối với con người.
Nhận thấy nhiều người có nhu cầu mua nhộng ong vò vẽ về ăn, năm 2018, anh Nguyễn Đức Tài, xóm Phúc Tiến, xã Phú Tiến (Định Hóa) đã bắt đầu nuôi loại ong này trong vườn nhà. Để có giống ong, dịp tháng 4, 5, khi thời tiết đang chuyển mùa Hạ, anh Tài bỏ vài ngày đi khắp các vườn, rừng để tìm tổ ong vò vẽ mới làm, sau đó bắt về và buộc trên cành cây hoặc dưới mái hiên chuồng trại chăn nuôi trong vườn nhà để ong tự sinh trưởng, phát triển.
Nuôi ong vò vẽ trước anh Tài 2 năm, anh Hoàng Mạnh Hùng, xóm 10, xã Cù Vân (Đại Từ) có nhiều kinh nghiệm về loại ong này. Ngoài nuôi ong vò vẽ, anh Hùng còn nuôi ong đất (cùng họ với ong vò vẽ nhưng to và nọc có độc tính cao hơn rất nhiều). Theo anh Tài và anh Hùng, hiện nhộng ong vò vẽ được bán với giá 300.000 đồng/kg, nhộng ong đất là 550.000 đồng/kg. Mỗi một vụ nuôi từ tháng 5 đến tháng 11, với 30 tổ ong vò vẽ, người nuôi thường thu về từ 100-150 triệu đồng. Ong đất cho thu nhập cao hơn, một tổ có thể cho từ 30-40kg nhộng một mùa, bán được 16 triệu đến 22 triệu đồng.
Hoạt động nuôi ong vò vẽ trên địa bàn tỉnh đều tự phát, bước đầu đã mang lại thu nhập cho người nuôi nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy hiểm và bất lợi. Ong vò vẽ là loài côn trùng, hung hãn, khắc tinh với ong mật. Khi có tổ gần khu vực nuôi ong mật, ong vò vẽ thường xuyên tìm bắt khiến ong mật suy giảm đàn hoặc bỏ tổ. Ông Đào Đức Văn, ở xóm Nhất Tâm, xã Phúc Lương (Đại Từ) chia sẻ: Gia đình tôi nuôi hơn 40 thùng ong mật, vào mùa Hè, tôi thường xuyên phải canh, đập ong vò vẽ tới trước cửa tổ bắt ong mật. Vì vậy, tôi không đồng ý nếu những gia đình gần nhà tôi nuôi ong vò vẽ.
Không chỉ có vậy, nọc độc của ong vò vẽ gồm các chất histamin và nhiều loại độc tố. Các chất độc này gây sốc phản vệ nhanh, đau buốt, sưng, tổn thương gan, thận, tiêu cơ và tan máu. Người lớn nếu bị ong vò vẽ đốt trên 20 nốt hoặc ong đất đốt trên 10 nốt có thể tử vong nếu không được cứu chữa tích cực, đúng cách và triệt để. Trên địa bàn tỉnh ta đã có một trường hợp bị ong vò vẽ đốt dẫn đến tử vong vào năm 2009, thời gian gần đây chưa ghi nhận trường hợp nào. Còn tại tỉnh Nghệ An, ngày 5-10 vừa qua đã ghi nhận trường hợp anh Lê Đình Hảo (23 tuổi), thôn Yên Hòa, xã Thanh Hòa, huyện Thanh Chương tử vong do ong vò vẽ nuôi trong vườn nhà đốt. Anh Nguyễn Đức Tài, xóm Phúc Tiến, xã Phú Tiến (Định Hóa) cho biết: Tôi có lần bị ong vò vẽ đốt 1 nốt vào chân, sưng tấy đến mức không đi lại được, phải nghỉ làm mất mấy ngày.
Với sự nguy hiểm, bất lợi từ việc nuôi ong vò vẽ, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng nên quan tâm đến vấn đề này, khuyến cáo người dân không nên nuôi. Bên cạnh đó, người dân cũng nên hạn chế ăn nhộng ong vò vẽ vì loại nhộng này chứa chất không tốt cho sức khỏe, có thể gây dị ứng, thậm chí là sốc phản vệ.
Công Minh
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.