Nguồn tin: Báo Quảng Bình, 26/10/2020
Ngày cập nhật:
27/10/2020
Do mưa lớn kéo dài liên tiếp nhiều ngày qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã phải gánh chịu đợt lũ lịch sử “lũ chồng lũ” trên diện rộng, gây thiệt hại lớn về tài sản, con người. Thực hiện chỉ đạo của Sở Nông nghiệp-PTNT, cùng với hoạt động cứu trợ, hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại sau lũ lụt, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã có công văn hướng dẫn bà con nông dân các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật sau mưa lũ.
Theo thông tin ban đầu của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh nắm từ các địa phương (ngày 22-10-2020), trong đợt lũ lụt vừa qua, đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề. Lũ lụt đã cuốn trôi và làm chết 30.434 con trâu, bò; 102.504 con lợn; 2,1 triệu con gia cầm của người dân.
Sau lũ lụt, nhiều loại chất thải rắn còn tồn ứ trong môi trường, cộng với khí hậu ẩm ướt là điều kiện thuận lợi để các loại dịch bệnh phát sinh, ảnh hưởng đến đàn vật nuôi. Trong đó, loại dịch bệnh dễ xuất hiện nhất là bệnh Niu-cát-xơn ở gà (người dân hay gọi là bệnh gà rù hay cú rụ); bệnh này do vi rút gây ra nên không có thuốc để điều trị, gà mắc bệnh sẽ chết trong vòng từ 7-10 ngày. Bên cạnh đó, sau mưa lũ cũng dễ phát sinh các bệnh, như: tụ huyết trùng và cúm gia cầm; bệnh tả ở vịt; lở mồm long móng (LMLM) ở trâu, bò; dịch tả, phó thương hàn và LMLM ở lợn.
Sau mưa lũ, bệnh cúm gia cầm, tả dễ phát sinh trên gia súc, gia cầm.
Ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, để hạn chế mầm bệnh phát sinh lây lan, Chi cục đã có công văn hướng dẫn cụ thể một số biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi sau mưa lũ.
Cụ thể, đối với đàn gia súc, gia cầm (GSGC), người chăn nuôi cần tổ chức thu gom toàn bộ bùn đất, phân, chất thải, rác thải, quét dọn, lau chùi… tại khu vực chuồng nuôi và khu vực tiếp giáp xung quanh; rắc vôi, đóng vào bao hoặc đào hố ủ phân; thu gom, xử lý GSGC chết theo hướng dẫn của cơ quan thú y địa phương. Sau đó, các hộ chăn nuôi phải tiến hành tổ chức vệ sinh, tiêu độc khử trùng (VSTĐKT) môi trường đại trà với tinh thần nước rút tới đâu thì VSTĐKT tới đó nhằm tiêu diệt, hạn chế mầm bệnh tồn tại và phát triển. Cần phun tiêu độc khử trùng toàn bộ chuồng nuôi và khu vực xung quanh liên tục 1 lần/2 ngày trong vòng 1 tuần đầu tiên bằng các loại hóa chất thuộc danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam, như: Benkocid, Han-Iodine, Vinadin, Virkon...
Bên cạnh đó, người chăn nuôi vẫn phải tiếp tục rà soát, tổ chức tiêm phòng bổ sung đầy đủ các loại vắc xin; tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng, tăng khẩu phần ăn để nhanh chóng phục hồi sức khỏe cho đàn vật nuôi; thường xuyên giám sát, theo dõi tình hình dịch bệnh GSGC, đặc biệt là các vùng có nguy cơ cao, ổ dịch cũ để kịp thời xử lý.
Đối với thủy sản nuôi, người dân cần thu gom, xử lý thủy sản bị chết theo hướng dẫn của cơ quan thú y địa phương; kiểm tra, xử lý các yếu tố môi trường tại ao, đầm, nơi đặt lồng bè hoặc di chuyển lồng bè đến nơi thích hợp. Các hộ nuôi cũng cần bổ sung vitamin hoặc chế phẩm sinh học, theo dõi sức khỏe của thủy sản nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời; sử dụng thuốc, hóa chất tiêu độc khử trùng để xử lý môi trường ao nuôi, hệ thống cấp nước sau mưa lũ.
Ông Tám cho biết, để hỗ trợ bà con trong công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, trước mùa mưa lũ, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã cấp, phát cho các địa phương 100.000 liều vắc xin LMLM, 50.000 liều vắc xin tụ huyết trùng trâu, bò; 100.000 liều vắc xin dịch tả lợn; 20.000 liều vắc xin tai xanh lợn; 2 triệu liều vắc xin cúm gia cầm; 20.000 lít hóa chất Benkocid; 20.000 hóa chất Iodine. Hiện tại, Trung ương đã hỗ trợ cho tỉnh 10.000 lít hóa chất Benkocid, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đang khẩn trương triển khai phương án để hỗ trợ cho người dân.
Cùng với công tác phòng, chống dịch bệnh sau mưa lũ, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cũng đang phối hợp với các địa phương trên địa bàn triển khai phương án để khôi phục, tái đàn vật nuôi, giúp bà con nông dân khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống…
Lê Mai
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.