Nguồn tin: Báo Quảng Bình, 01/11/2020
Ngày cập nhật:
2/11/2020
Với người dân vùng “rốn lũ” Tân Hóa (Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình), đàn trâu bò luôn là nguồn tài sản quý giá của họ. Thế nên mỗi năm, khi mùa mưa lũ về, mối lo lớn nhất của chính quyền địa phương và người dân nơi đây không chỉ là tính mạng con người mà còn phải làm sao để bảo vệ đàn trâu bò được an toàn. Năm nay, 2 trận lũ lớn liên tiếp , người dân Tân Hóa phải 2 lần dắt đàn trâu bò “chạy” lũ và khi cơn lũ rút đi, họ lại phải “căng mình” cứu “đầu cơ nghiệp” của mình khi chúng phải đối mặt với nhiều nguy cơ…
Chúng tôi trở lại xã Tân Hóa khi cơn lũ đã rút hẳn. Những cánh đồng cỏ trải dài, xanh mướt ngày nào đã đổi thành một màu vàng úa, dính đầy bùn đất. Trong 2 trận lũ liên tiếp vừa qua, Tân Hóa là địa phương bị ngập sâu từ 2 đến 4m và bị ngâm từ 4 đến 7 ngày. Sau lũ, hầu như những cánh đồng cỏ tự nhiên và cỏ trồng của người dân ở các vùng thấp đều đã bị ngập úng, héo úa, bốc mùi, trâu bò không ăn được.
Trong cơn mưa nặng hạt, chị Đinh Thị Diễn ở thôn 2 Yên Thọ đang tất bật gánh cỏ về cho 2 con trâu của gia đình . Chị Diễn cho biết, từ sáng sớm chị và nhiều người khác trong thôn đã cùng nhau đi bộ lên các lèn cao để bứt các loại lá, cây cỏ về làm thức ăn cho trâu bò. Tuy nhiên, do trời mưa và cây cỏ khan hiếm nên chị đi hơn nửa ngày mới bứt được 2 bì nhỏ, chỉ đủ cho 2 con trâu ăn trong một ngày. Ngày mai, chị lại phải tiếp tục đi xa hơn để kiếm thức ăn cho 2 con trâu của gia đình.
Cánh đồng cỏ ở Tân Hóa đã bị ngập bùn sau lũ, không thể là thức ăn cho đàn trâu bò.
“Khi nước lũ vừa rút, vợ chồng tôi chạy ngay lên lèn đá đưa trâu về. Nhìn 2 con trâu gầy sọp vì mưa lũ dài ngày, không ai chăm mà thương vô cùng. Chúng là tài sản lớn nhất của gia đình nên vợ chồng tôi còn chưa kịp dọn dẹp nhà cửa đã phải phân công nhau lên lèn bứt cỏ, nấu cháo cho trâu ăn. Hy vọng chúng nó mau phục hồi sức khỏe để sinh nghé và có sức kéo cày trong vụ ngô sắp tới”, chị Diễn chia sẻ.
Xã Tân Hóa nằm giữa thung lũng bốn bề núi đá, được coi là "rốn lũ" của huyện miền núi Minh Hóa. Vậy nên, hầu như năm nào cũng vậy, người dân Tân Hóa phải hứng chịu những trận lũ lụt, ngập úng…Và hàng năm, sau những trận mưa lũ, những cánh đồng cỏ tự nhiên trên địa bàn xã Tân Hóa đều bị vùi lấp, vàng úa bởi bùn đất. Nguồn thức ăn khan hiếm cùng với cái rét thấu xương toát ra từ những dãy núi đá vôi là nguyên nhân chính khiến năm nào cũng vậy, sau những trận mưa lũ, đàn trâu bò của xã Tân Hóa cũng bị hao hụt vì chết đói, chết rét.
Chắc hẳn, người dân Tân Hóa sẽ không thể nào quên được cơn “đại hồng thủy” năm 2010. Năm đó, nước lũ dâng cao bất ngờ đã khiến cho người dân Tân Hóa không kịp trở tay, khiến nước lũ cuốn trôi hơn 600 con trâu bò của xã. Chưa hết, sau lũ, nguồn thức ăn khan hiếm, trời rét hại đã khiến 200 con trâu bò còn lại của xã bị chết. Đàn trâu bò của xã Tân Hóa xem như bị xóa sổ, phải gây dựng lại từ đầu.
Ông Trương Thanh Duẫn, Chủ tịch UBND xã Tân Hóa cho biết, sau bao năm gây dựng, hiện nay, đàn trâu bò của xã dao động trên trên dưới 2.500 con. Đã quen cảnh “sống chung với lũ”, khi nào cũng vậy, trước khi có mưa lớn, nước lũ chưa kịp dâng cao, xã đã chủ động thông báo cho bà con đưa trâu bò lên cao để tránh lũ, nên kể từ năm 2010 đến nay, đàn trâu bò của xã rất ít bị hao hụt sau mỗi cơn lũ. Tuy nhiên, năm nay, 2 trận lũ lớn xảy ra liên tiếp nhau, nước lũ dâng cao và kéo dài nhiều ngày, nên tính đến thời này đã có gần 80 con trâu bò của người dân Tân Hóa bị chết.
Theo ông Duẫn, sau 2 trận mưa lũ, hiện môi trường ở Tân Hóa đang bị ô nhiễm nặng nề, cùng với nguồn thức ăn khan hiếm, đây là thời điểm đàn trâu bò dễ bị dịch bệnh phát sinh và lây lan. Ông Duẫn lo ngại, trong thời gian tới, số trâu bò bị chết sẽ còn tăng cao. Chính vì vậy, những ngày qua, cùng với việc tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ, ổn định cuộc sống, ưu tiên hàng đầu của chính quyền và người dân xã Tân Hóa là tích cực chăm sóc, phục hồi sức khỏe, cứu đàn trâu bò trước nguy cơ chết đói, chết rét và dịch bệnh.
Người dân chạy xe máy lên các vùng cao hơn để bứt cỏ về cho trâu bò ăn.
“Sau lũ, nguồn thức ăn cho trâu bò đang là vấn đề rất nan giải. Hiện UBND xã Tân đang vận động bà con tích cực vào rừng bứt cỏ, lá cây, chuối; cùng với nguồn cỏ mà bà con trồng ở khu vực lèn cao, chỗ nước lũ không ngập tới để cho trâu bò ăn. Đồng thời, cần sử dụng bột ngô, gạo để nấu cháo bổ sung chất dinh dưỡng, tăng sức đề kháng cho đàn trâu bò, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng trâu bò chết đói, chết rét sau mưa lũ”, ông Duẫn chia sẻ.
Bà Cao Thị Hằng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Minh Hóa cho biết, rút kinh nghiệm từ những năm trước, ngay sau khi lũ rút, phòng đã phối hợp Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện cử cán bộ về các địa phương, đặc biệt là 2 xã Tân Hóa và Minh Hóa để đôn đốc, hướng dẫn bà con tích cực tìm nguồn thức ăn có dinh dưỡng cao cho đàn trâu bò nhằm tăng sức đề kháng cho vật nuôi, đồng thời; vệ sinh chuồng trại, phòng trừ dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh về đường ruột do trâu bò ăn phải thức ăn ngấm bùn…
Những ngày sau mưa lũ, về lại “rốn lũ” Tân Hóa, chứng kiến nhiều căn nhà lấm lem bùn đất chưa kịp dọn dẹp bởi bà con tập trung chăm sóc đàn trâu bò thấy thương vô cùng. Nhìn đàn trâu bò dẫu vẫn còn đang gầy yếu do phải tránh lũ dài ngày, nhưng được người dân tận tình chăm sóc, lại thấy yên tâm và ấm áp. Mong cho những ngày mưa lũ sớm qua đi, để cuộc sống của người dân Tân Hóa trở lại bình thường, bình yên, tươi đẹp như thường ngày.
Phan Phương
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.