• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Ninh Bình: Yên Đồng đối mặt với nguy cơ dịch cúm gia cầm lây lan ra diện rộng

Nguồn tin: Báo Ninh Bình, 02/11/2020
Ngày cập nhật: 3/11/2020

Yên Đồng - địa phương có đàn gia cầm lớn nhất huyện Yên Mô (tỉnh Ninh Bình). Cuối tháng 4, trên địa bàn xã đã xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm chủng vi-rút cúm H5N6 và thời điểm này, dịch bệnh lại quay trở lại, gần 3 nghìn con gia cầm đã phải tiêu hủy.

Mặc dù trên địa bàn đang có dịch cúm gia cầm H5N6 nhưng nhiều hộ chăn nuôi ở Yên Đồng vẫn thả vịt chạy đồng.

Chúng tôi đến gia đình anh Vũ Văn Chiến, thôn Khê Trung, là hộ chăn nuôi đầu tiên tại xã Yên Đồng phát hiện có gia cầm ốm chết do cúm H5N6 trong đợt này. Khu chuồng trại được bố trí nằm ngay sát nhà ở, bên ngoài quây lưới sắt, bên trong là chuồng lợp mái tôn, tất cả đã được phủ trắng bởi vôi bột.

Anh Chiến cho biết, thông thường mỗi lứa anh nuôi từ 800-1.000 con gà nhưng đợt vừa qua anh mạnh dạn tăng đàn lên 1.400 con. Đồng thời thực hiện quy trình tiêm phòng đầy đủ, gà phát triển bình thường nhưng được khoảng 2 tháng thì tự nhiên thấy chúng chảy nước mắt, nước dãi, đứng tụm với nhau, lông xù, uể oải, biếng ăn rồi lăn ra chết.

Ngay sau đó anh đã báo với thú y xã. Kết quả xét nghiệm đàn gà nhà anh chết do mắc cúm H5N6. Gà mắc bệnh, bỏ trống chuồng, hiện anh đang gặp rất nhiều khó khăn do ngoài chăn nuôi anh không có công việc gì khác.

Còn với gia đình ông Vũ Văn Cõn cùng thôn, tuy dịch bệnh chưa tìm đến nhưng ông cũng đang rất lo lắng: "Đợt dịch đầu năm, nhà tôi cũng đã bị tiêu hủy 3.300 con gà. Rút kinh nghiệm lần này tôi chọn mua gà giống ở công ty có uy tín, đồng thời thực hiện tiêm phòng đầy đủ vắc xin phòng bệnh Newcastle, Gumboro, bệnh hen và 2 mũi phòng cúm gia cầm.

Ngoài ra, 2 lần/1 tuần tôi phun thuốc khử trùng tiêu độc cho khu chăn nuôi. Tuy nhiên, dịch bệnh này nguy hiểm lắm, không nói trước được. 5.000 con gà của gia đình tôi chỉ còn nửa tháng nữa là có thể xuất bán nếu dịch bệnh quay lại thì coi như mất nghiệp".

Yên Đồng là một trong những xã có quy mô chăn nuôi lớn nhất huyện, trong đó gia cầm là đối tượng nuôi phổ biến nhất. Năm 2019, toàn xã có tới 305 gia trại chăn nuôi gia cầm. Còn theo thống kê mới nhất, hiện số lượng gia cầm trên địa bàn có khoảng 196 nghìn con, trong đó gà là 137 nghìn con vịt 30 nghìn con, ngan 25 nghìn con, còn lại là ngỗng, bồ câu.

Ông Lê Chí Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Đồng cho biết: Mặc dù mỗi hộ nuôi hàng nghìn con gia cầm trở lên nhưng phương thức nuôi phần lớn vẫn là phân tán, không theo quy trình, chuồng trại, kỹ thuật nuôi chưa tốt… dẫn đến khó kiểm soát tình trạng dịch bệnh.

Cuối tháng 4, đầu tháng 5, trên địa bàn đã xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm chủng virus cúm H5N6 tại thôn Giải Cờ, Khê Trung với hơn 1 vạn con gia cầm đã bị tiêu hủy. Chính quyền xã và ngành chuyên môn đã rất vất vả để khống chế, dập dịch.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, do thời tiết chuyển mùa, cộng thêm với nguồn virus tồn lưu trong môi trường, dịch bệnh đã quay trở lại. Từ ngày 23/9 đến ngày 6/10, trên địa bàn xã đã có 13 hộ chăn nuôi ở 3 thôn Khê Trung, Phong Lẫm Nam, Đông Xá có gia cầm ốm chết, với 2.258 con bị tiêu hủy.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, để chủ động, kịp thời ngăn chặn không để dịch lây lan ra diện rộng làm ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế của người dân, chính quyền xã đã phối hợp với ngành chức năng thống kê, tổng hợp tổng đàn gia cầm, tổ chức vệ sinh, tiêu độc khử trùng và triển khai tiêm phòng theo kế hoạch. 40 lít hóa chất, 6 tấn vôi bột đã được cấp phát xuống cho các hộ dân, gần 27.800 liều vắc xin cúm gia cầm cũng đã được tiêm bổ sung cho đàn gia cầm trên địa bàn.

Bên cạnh đó, xã còn tăng cường công tác tuyên truyền và hướng dẫn các cơ sở, hộ chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, kê khai gia cầm nuôi mới. Đồng thời yêu cầu các thôn chủ động giám sát dịch bệnh để kịp thời phát hiện, cảnh báo sớm và xử lý triệt để ổ dịch ngay từ khi mới phát hiện, không để lây lan ra diện rộng.

Hiện nay, điều kiện thời tiết giao mùa, nhiệt độ, độ ẩm thấp là điều kiện thuận lợi để virut cúm gia cầm phát triển. Trong khi đó, giá gia cầm đang ở mức thấp, người chăn nuôi dễ nảy sinh tâm lý lơ là trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng. Mặt khác, hiện đang là mùa thu hoạch lúa, rất nhiều nông dân vẫn giữ thói quen thả vịt chạy đồng để tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên, lúa rơi rụng.

Do vậy, nguy cơ lây lan dịch cúm gia cầm ra diện rộng ở Yên Đồng là rất cao. Nếu chính quyền không quyết liệt hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch và người dân vẫn còn tâm lý chủ quan, chăn nuôi không đảm bảo an toàn sinh học thì sẽ khó tránh khỏi những thiệt hại lớn về kinh tế do dịch bệnh gây ra.

Bài, ảnh: Nguyễn Lựu

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang