Nguồn tin: Báo Phú Yên, 31/10/2020
Ngày cập nhật:
4/11/2020
Người chăn nuôi vỗ béo bò đề chuẩn bị cho vụ Tết. Ảnh: TRUNG HIẾU
Hiện nay, người chăn nuôi các địa phương bắt đầu thả giống chuẩn bị cho vụ Tết sắp tới. Để đảm bảo an toàn, hạn chế rủi ro, các hộ chăn nuôi triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa dịch bệnh cho vật nuôi.
Người mạnh dạn, người ngần ngại
Từ đầu tháng 9 âm lịch, các hộ nuôi heo trên địa bàn tỉnh Phú Yên bắt đầu chuẩn bị cho vụ sản xuất Tết. Ông Lê Minh Trung ở xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa), cho biết: “Để kịp vào lứa heo Tết, từ 2 tháng trước tôi đã phải đặt cọc mua heo giống tại trại sản xuất giống ở Hòa Thắng, đồng thời tiến hành khử trùng chuồng trại, phơi vôi, khử khuẩn máng ăn… Đầu tháng 9 vừa qua, tôi nhập 10 con giống, đến nay heo đã đạt trọng lượng từ 20-25kg/con. Dự kiến lứa heo này sẽ đủ trọng lượng xuất chuồng vào khoảng tháng Chạp, cung ứng cho nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm”.
Hiện nay heo hơi có giá 73.000 đồng/kg nên người nuôi heo khá mạnh dạn tăng đàn cho vụ Tết. Theo bà Nguyễn Thị Hồng ở xã An Nghiệp (huyện Tuy An), từ sau đợt dịch tả heo châu Phi đến nay, giá heo hơi liên tục ở mức cao, khả năng trong mùa Tết sắp tới cũng sẽ duy trì mức giá này. Đồng thời, thị trường heo giống hiện đã bớt “căng”, giá cũng giảm còn 160.000 đồng/kg nên các hộ nuôi heo đều mạnh dạn tăng đàn. Vụ Tết này, nhà bà Hồng tăng đàn lên 15 con, gấp đôi so với bình thường.
Trong khi đó, những hộ chăn nuôi gà cũng đã bắt đầu vào lứa gà Tết từ 2 tuần trước và hầu hết các trại gà đều giảm đàn so với mọi năm. Ông Nguyễn Gian Phúc, chủ trại chăn nuôi gà thịt ở xã An Chấn (huyện Tuy An), cho biết: Cách đây 10 ngày, tôi đã cho nhập 700 con gà giống 1 ngày tuổi, đây là lứa gà chuẩn bị cho thị trường Tết năm nay, so với mọi năm thì giảm 300 con. Nguyên nhân tôi giảm đàn là vì từ đầu năm đến nay gà mất giá, chỉ khoảng 50.000 đồng/kg. Trong khi đó, dịch COVID-19 chưa hết hẳn; nếu dịch tái bùng phát, đám tiệc bị buộc dừng thì gà sẽ tiếp tục khó tiêu thụ. Vì vậy, không chỉ tôi mà các hộ nuôi gà đều chọn giảm đàn để an toàn.
Cũng như những người nuôi heo và gà, các hộ chăn nuôi bò cũng bắt đầu thực hiện nhiều phương pháp vỗ béo cho đàn bò thịt để đạt trọng lượng lý tưởng trước khi xuất chuồng vào dịp Tết sắp tới. Ông Lê Văn Phụng ở xã An Lĩnh (huyện Tuy An) cho hay: Nhờ được cán bộ khuyến nông hướng dẫn, tập huấn phương pháp nuôi bò vỗ béo hiệu quả nên nhiều năm nay, gia đình tôi chuyển từ nuôi bò sinh sản sang nuôi vỗ béo. Mỗi con bò thường được đưa vào vỗ béo trong khoảng 3 tháng trước khi xuất bán nên lúc này là thời điểm bắt đầu vỗ béo. Vụ này gia đình tôi nuôi vỗ béo 4 con để bán Tết. Để bò tăng trọng tốt, tôi đã tẩy ký sinh trùng và bắt đầu cho bò ăn theo khẩu phần riêng, gồm thức ăn hỗn hợp do gia đình tự phối trộn và các loại thức ăn thô xanh đã được ủ chua. Chăm theo phương pháp này, từ giờ đến khi xuất chuồng mỗi con bò sẽ tăng được 60-70kg, giá trị kinh tế cao hơn hẳn.
Đảm bảo an toàn vật nuôi
Song song với việc thả giống, người chăn nuôi chú trọng thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, nhất là trong lúc mưa bão đang diễn biến phức tạp. Ông Nguyễn Gian Phúc cho biết: “Để đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi, gia đình tôi đã dùng bạt nhựa che chắn khu chuồng nuôi úm gia cầm non để hạn chế bị gió lùa, mưa tạt; đồng thời cũng gia cố chằng chống mái chuồng, rong dọn cây trong trại để hạn chế ảnh hưởng bởi mưa bão”.
Trong khi đó, những hộ nuôi heo chú trọng đến việc phòng ngừa dịch bệnh, nhất là nguồn gốc giống. Ông Lê Văn Hòa ở xã Hòa Trị (huyện Phú Hòa) cho biết: Toàn bộ đàn heo giống đều được gia đình tôi mua ở trại heo giống trong Đông Hòa. Các con giống đã được kiểm dịch, tiêm phòng vắc xin đầy đủ, đảm bảo an toàn dịch bệnh trước khi đưa vào nuôi. Ngoài ra, gia đình còn chủ động tiêu độc môi trường hàng tuần để hạn chế mầm bệnh phát sinh. Còn theo những người nuôi bò thì mùa này bò rất dễ bị các bệnh nhiễm trùng như: lở mồm long móng, tụ huyết trùng… nên bà con đặc biệt chú trọng đến việc tiêm phòng vắc xin và bổ sung vitamin, khoáng chất để tăng sức đề kháng cho vật nuôi.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nguyễn Văn Lâm: Các hộ chăn nuôi đang bắt đầu tăng đàn cho vụ Tết, trong khi đó thời tiết giai đoạn này thường xuất hiện mưa bão nên ảnh hưởng đến việc chăn nuôi của bà con. Để đảm bảo an toàn trước thiên tai và dịch bệnh, người chăn nuôi cần chú trọng thực hiện các biện pháp phòng dịch, chủ động tích trữ thức ăn, che chắn chuồng nuôi và kịp thời di dời đàn vật nuôi đến nơi an toàn khi bão lụt…
THỦY TIÊN
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.