Nguồn tin: Báo Quảng Bình, 07/11/2020
Ngày cập nhật:
10/11/2020
Cơn lũ lịch sử vào giữa tháng 10 vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi tại nhiều địa phương của thị xã Ba Đồn (tỉnh Quảng Bình). Hiện nay, người chăn nuôi đang tìm cách vượt qua khó khăn, nỗ lực khôi phục chăn nuôi để kịp có sản phẩm cung ứng cho thị trường; đồng thời, tăng thu nhập, nâng cao đời sống gia đình.
Nước lũ đã rút hơn nửa tháng nay nhưng ông Nguyễn Trọng Luyến ở tổ dân phố 7, phường Quảng Phong, thị xã Ba Đồn, chủ trang trại chăn nuôi tổng hợp vẫn chưa hết bàng hoàng. Lũ lụt đã làm chết gần 1.000 con gà, vịt; 3 tấn cá; 7.000 trứng vịt lộn ấp dở và 3 lò ấp trứng bị ngập trong nước lũ; 3 tấn thức ăn chăn nuôi dự trữ đã bị ướt, lên mốc, tổng trị giá thiệt hại hơn 200 triệu đồng.
Sau khi nước rút, ông Luyến cùng gia đình tập trung tu sửa chuồng trại, phun thuốc xử lý môi trường, khôi phục chăn nuôi. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của ông hiện nay là thiếu vốn và lãi nợ ngân hàng vay khi làm trang trại.
Chuồng trại của gia đình ông Nguyễn Trọng Luyến, phường Quảng Phong bị hư hại nghiêm trọng sau trận lũ.
Ông Nguyễn Trọng Luyến cho biết: “Cơn lũ vừa qua khiến trang trại chăn nuôi của tôi thiệt hại nặng nề. Bao nhiêu vốn liếng, công sức gây dựng bấy lâu nay coi như mất trắng trong cơn lũ, không kịp trở tay. Hiện nay, tôi muốn tái đàn cũng khó vì thiếu vốn đầu tư, nguy cơ tái phát dịch bệnh trên vật nuôi lại khá cao. Đặc biệt là số nợ vay ngân hàng trước đây để làm trang trại có lãi khá cao. Nói vậy nhưng tôi cũng phải tìm đủ mọi cách để khôi phục chăn nuôi và cũng hy vọng sự hỗ trợ của nhà nước. Trước mắt, đề nghị các ngân hàng giảm lãi và khoanh lãi".
Xã Quảng Hải là một trong những địa phương của thị xã Ba Đồn chịu ảnh hưởng nặng nề trong đợt lũ vừa qua do địa hình thấp trũng, nước lũ lên rất nhanh. Tổng đàn gia súc của xã có gần 2.000 con, đàn gia cầm hơn 8.000 con, toàn xã có 6 gia trại chăn nuôi có hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, sau mưa lũ, tổng đàn gia súc, gia cầm giảm mạnh, có hơn 6.000 con gia súc, gia cầm bị chết. Các gia trại đều thiệt hại rất nặng, cần được hỗ trợ để tái đàn.
Thức ăn chăn nuôi gia súc gia cầm bị hư hại hoàn toàn.
Chị Phan Thị Hồng, thôn Tân Đông, xã Quảng Hải, thị xã Ba Đồn chia sẻ: “Mô hình gia trại chăn nuôi tổng hợp của gia đình tôi cũng có thu nhập ổn định hàng năm nhưng đợt lũ lịch sử vừa qua đã cuốn trôi nhiều lợn, gà, vịt. Các chuồng trại cũng bị ngập lụt và hư hỏng nặng. Gia đình đã dọn dẹp vệ sinh chuồng trại để tiếp tục mua giống gia súc, gia cầm về chăn nuôi tái đàn nhưng hiện nay, do thiếu vốn nên việc tái đàn gặp nhiều khó khăn. Đề nghị các cấp chính quyền quan tâm hỗ trợ cho gia đình tiếp tục được vay vốn để khôi phục lại gia trại nhằm tạo thu nhập cho gia đình”.
Theo ông Cao Xuân Ngọc, Chủ tịch UBND xã Quảng Hải, đợt lũ vừa qua, xã Quảng Hải chịu ảnh hưởng rất nặng nề, đặc biệt trong lĩnh vực chăn nuôi. Để giúp người dân sớm tái đàn, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình, xã sẽ tăng cường tuyên truyền người dân tiếp tục thực hiện chăn nuôi gia súc, gia cầm; tham mưu, đề xuất các hướng giúp sức cho các hộ chăn nuôi bị thiệt hại; đồng thời, hỗ trợ cho các hộ nuôi được vay vốn ngân hàng để tiếp tục tái sản xuất đàn vật nuôi của địa phương.
Sau đợt lũ vừa qua, toàn thị xã Ba Đồn có hơn 138.000 con gia súc, gia cầm bị chết và nước lũ cuốn trôi; nhiều chuồng trại chăn nuôi bị hư hỏng hoàn toàn. Để kịp thời khắc phục hậu quả, ngay sau khi nước rút, các địa phương và người dân thị xã đã triển khai nhiều biện pháp nhằm bảo đảm môi trường, an toàn dịch bệnh, cũng như từng bước khôi phục đàn gia súc, gia cầm sau lũ. Trung tâm dịch vụ nông nghiệp thị xã Ba Đồn đã kịp thời hướng dẫn các địa phương và hộ chăn nuôi tiến hành vệ sinh, thu gom, xử lý xác chết gia súc, gia cầm; tiêu độc khử trùng bằng hóa chất xung quanh chuồng trại... nhằm hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ xảy ra dịch bệnh cho vật nuôi sau lũ.
Trung tâm dịch vụ nông nghiệp TX. Ba Đồn hướng dẫn các hộ chăn nuôi tiêu độc khử trùng bằng hóa chất xung quanh chuồng trại.
Ông Đoàn Thanh Hùng, Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp thị xã Ba Đồn cho biết: “Đợt lũ vừa qua đã làm ảnh hưởng rất lớn đến chăn nuôi của bà con. Ngay sau đó, trung tâm đã có hướng dẫn gửi các địa phương về cách phun hóa chất tiêu độc khử trùng chuồng trại, gia trại chăn nuôi, xử lý dịch bệnh sau đợt mưa lũ. Đến thời điểm hiện tại, các địa phương cơ bản hoàn thành công tác xử lý chuồng trại sau lũ để phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm”.
Những thiệt hại về chăn nuôi của người dân trong cơn lũ lớn vừa qua khá nặng nề với ước tính thiệt hại toàn thị xã hơn 46 tỷ đồng. Việc khôi phục chăn nuôi sau lũ lụt là rất cấp thiết để bảo đảm nguồn cung ứng thực phẩm cho nhân dân vào dịp cuối năm. Hiện UBND thị xã đang chỉ đạo các địa phương có kế hoạch triển khai phương án khôi phục, tái đàn vật nuôi, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tiếp tục chăn nuôi gia súc, gia cầm nhằm giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân.
Lệ Hằng (Đài TT-TH Ba Đồn)
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.