Nguồn tin: Báo Phú Yên, 14/11/2020
Ngày cập nhật:
15/11/2020
Người chăn nuôi bổ sung dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho vật nuôi. ẢNH: NGUYỄN CHƯƠNG
Bên cạnh việc bảo đảm an toàn tính mạng, người dân các vùng nông thôn cũng thực hiện nhiều phương án bảo vệ vật nuôi an toàn trong bão lũ, đồng thời chủ động phòng ngừa dịch bệnh cho gia súc, gia cầm trong điều kiện thời tiết không thuận lợi như hiện nay.
Thiệt hại vì bão lũ
Bão lũ xảy ra liên tiếp trong những ngày qua khiến nhiều vùng nông thôn bị ảnh hưởng, gây thiệt hại đàn vật nuôi của bà con. Ông Nguyễn Ngọc Thành ở phường Lệ Uyên Đông, phường Xuân Yên (TX Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) cho biết: “Trong đợt bão số 12 vừa qua, trụ điện bên đường ngã đổ vào chuồng heo của gia đình, làm sập chuồng, đè chết 4/10 con. Đây là số heo thịt gia đình tôi nuôi để chuẩn bị bán dịp Tết sắp tới. Lo sợ gió bão, gia đình đã chằng chống mái nhưng không ngờ heo vẫn bị chết”.
Tương tự, gia đình ông Trương Văn Tâm ở xã Hòa Kiến (TP Tuy Hòa) cũng bị chết mấy trăm con gia cầm qua 2 đợt bão số 9 và số 12. Theo ông Tâm, trại chăn nuôi của gia đình ông ở trên núi, gió bão làm tốc mái khiến đàn gia cầm bị mưa ướt, lạnh nên chết 600 con gà và vịt, thiệt hại mấy chục triệu đồng. Còn ông Nguyễn Gian Phúc ở xã An Chấn (huyện Tuy An) cho hay: “Sau đợt bão số 9, đàn gà kiến khoảng 100 con của gia đình tôi bị chết sạch vì lạnh”.
Trong khi đó, vừa qua tại huyện Đồng Xuân, nước lũ dâng cao và nhanh, hầu hết các hộ chăn nuôi đều chưa kịp di dời vật nuôi nên bị thiệt hại khá lớn. Ông Phạm Trung Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, cho hay: Thống kê ban đầu, tổng số gia cầm trôi chết khoảng 5.600 con, chết 19 con heo và 5 con bò, ước tính tổng thiệt hại khoảng 1 tỉ đồng.
Thời tiết vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp, có thể xảy ra những đợt bão lũ mới. Để hạn chế thiệt hại do bão lũ gây ra, người chăn nuôi đang chủ động thực hiện nhiều biện pháp để đảm bảo an toàn. Theo ông Lê Văn Hổ ở xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa), vừa qua, nghe tin bão vào tôi đã nhanh chóng đưa đàn vịt 1.300 con từ trại tạm ngoài đồng về nuôi nhốt sau vườn nhà, đợi khi nào hết bão, lũ rút thì mới đưa ra ăn đồng lại.
Còn bà Lê Thị Lài ở xã Hòa Thắng cho hay: Hiện nay gia đình tôi đã đưa hết đàn bò và heo rừng đang nuôi nhốt ở bãi bồi giữa lòng sông Ba vào nhà để nuôi, chờ qua hết mùa mưa bão tôi mới đưa trở lại trại. Cũng theo bà Lài, trong đợt bão số 12 vừa qua, may mà gia đình chủ động di dời đàn vật nuôi từ sớm chứ nếu chủ quan, nước dâng như mấy ngày qua thì mất trắng.
Ông Nguyễn Siêng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phú Hòa, cho biết: Để bảo đảm tài sản và tính mạng của người dân, trước khi bão đổ bộ, chính quyền địa phương đã yêu cầu bà con đang chăn nuôi ở khu vực bãi bồi giữa lòng sông Ba phải đưa toàn bộ đàn vật nuôi vào đất liền. Ngoài ra, các hộ có trại chăn nuôi ở vùng trũng thấp cũng đưa vật nuôi đến nơi cao ráo, an toàn hơn để tránh thiệt hại khi xảy ra lũ lụt.
Tăng cường giám sát dịch bệnh
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nguyễn Văn Lâm cho biết: Hiện nay, người chăn nuôi trong tỉnh tăng đàn khá nhiều để chuẩn bị cho vụ Tết nên lưu lượng vận chuyển, nhập đàn vật nuôi khá lớn. Cùng với đó, thời tiết bão lũ xảy ra liên tiếp khiến nhiều khu vực chăn nuôi ngập nước, sức khỏe vật nuôi suy giảm… là những bất lợi khiến mầm bệnh phát sinh, dễ bùng phát thành dịch trên đàn vật nuôi. Để hạn chế dịch bệnh phát sinh gây hại, người chăn nuôi cần đẩy mạnh biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Đặc biệt sau lũ, nhiều khu vực chăn nuôi ngập trong nước dễ phát sinh dịch bệnh liên quan đến đường ruột ở vật nuôi nên bà con phải chủ động xử lý sát trùng máng ăn, thường xuyên vệ sinh chuồng nuôi, phun thuốc tiêu độc sát trùng môi trường. Người chăn nuôi cũng cần chú ý kiểm soát chặt nguồn nước uống, thức ăn; tăng cường bổ sung khoáng chất và vitamin cho vật nuôi, chuồng trại cần được che chắn để tránh bớt gió lùa, mưa tạt, giữ nền chuồng khô ráo…
Đồng thời, hiện nay các cơ quan thú y ở các địa phương cũng đang chủ động theo dõi, giám sát để kịp thời phát hiện dịch bệnh, nhanh chóng xử lý, không để lây lan ra diện rộng. Ông Giáp Văn Thức, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Tuy An, cho hay: Lực lượng cán bộ của trạm đang chủ động phối hợp với lực lượng thú y các địa phương để rà soát, theo dõi sức khỏe toàn bộ đàn vật nuôi. Chúng tôi đặc biệt chú ý đến các vùng có mật độ chăn nuôi tập trung, các khu chợ mua bán động vật, những cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm và những điểm dịch cũ.
Còn theo ông Nguyễn Tiến Hùng, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Phú Hòa, sau lũ công việc đầu tiên địa phương quan tâm là vệ sinh khu vực chăn nuôi. Hiện nay, ở những vùng đã rút nước, người dân tổ chức dọn dẹp vệ sinh, xử lý vôi bột hoặc thuốc sát trùng. Để hạn chế bớt vi rút gây bệnh, trạm kiến nghị tỉnh cấp thuốc tiêu độc sát trùng để địa phương tổ chức phun sát trùng toàn bộ khu vực chăn nuôi.
Thống kê sơ bộ từ Sở NN-PTNT, ảnh hưởng bởi đợt bão lũ vừa qua, toàn tỉnh có 12 con bò, 92 con heo và khoảng 35.032 con gia cầm bị nước lũ cuốn trôi, chết, gây thiệt hại hàng tỉ đồng.
THỦY TIÊN
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.