Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Đồng Nai, 16/11/2020
Ngày cập nhật:
18/11/2020
Đến với nghề nuôi… ruồi lính đen được 2 năm, anh Nguyễn Thái Phong (xã Vĩnh Thanh, H.Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) đã tìm thấy cơ hội khởi nghiệp và quyết tâm đầu tư cho công việc này.
Anh Nguyễn Thái Phong và anh Nguyễn Văn Nhu thực hiện quy trình ủ trứng ruồi
Hiện nay, anh đã có trang trại nuôi ruồi với tổng diện tích 2 ngàn m2. Thương hiệu Larva Farm (trang trại ấu trùng) do anh và 2 người bạn cùng hợp tác tạo dựng cũng bắt đầu có tên tuổi trong thị trường còn khá mới mẻ này.
Khởi nghiệp với nghề lạ
Ấu trùng ruồi lính đen là loài ăn tạp. Chúng ăn mọi loài thức ăn thừa như: bã đậu nành, hèm bia, trái cây thừa… Đến quá trình thành ruồi thì ruồi sẽ không ăn thức ăn nữa mà chỉ hút nước và sinh sản. Người ta nuôi ruồi lính đen để lấy ấu trùng làm thức ăn chăn nuôi gia cầm, nuôi chim, cá…
Loại côn trùng phàm ăn nên có thể tận dụng để xử lý chất thải. Do vậy, việc nuôi ruồi lính đen phục vụ chăn nuôi nông nghiệp được xem là giải pháp tốt cho môi trường. Tuy vậy, nuôi ruồi lính đen còn là nghề khá xa lạ ở Việt Nam.
Năm 2017, sau hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, chàng trai Nguyễn Thái Phong đã tìm hiểu nghề nuôi ruồi lính đen. Đầu năm 2018, anh mua thử 10g trứng ruồi với giá 600 ngàn đồng về nuôi thử trên diện tích 2m2.
Khi đó, dù đã có nhiều người đến với nghề nuôi ruồi lính đen nhưng những tài liệu liên quan đến ruồi lính đen bằng tiếng Việt lại rất ít. Vì thế, Phong phải tìm kiếm thông tin trên các website bằng tiếng Anh và tự mày mò dịch tài liệu. Những lứa ấu trùng ruồi (thường gọi là sâu) đầu tiên, anh dùng để cho gà ăn. Nuôi gà bằng ấu trùng ruồi, anh không phải dùng đến cám công nghiệp nữa. Trong khi đó, ấu trùng ruồi chỉ sử dụng thức ăn thừa, nhờ đó, Phong tiết kiệm được chi phí trong chăn nuôi.
Thấy rõ hiệu quả của việc nuôi gà bằng ấu trùng ruồi, Phong làm các video clip chia sẻ lên mạng và được nhiều người quan tâm, hỏi mua giống ruồi. Thấy tiềm năng của thị trường cung cấp giống ruồi, Phong quyết định đầu tư nuôi ruồi lính đen nhằm cung cấp giống cho thị trường. Anh tận dụng chuồng heo cũ của gia đình đã bỏ hoang khoảng 10 năm để nuôi ruồi.
Thời điểm mới nuôi, 1kg trứng ruồi có giá bán 30 triệu đồng. Tuy nhiên, do chưa nắm kỹ thuật, thiếu kinh nghiệm nên mỗi ngày, Phong chỉ thu được 1 lạng trứng ruồi.
“Lúc mới nuôi, ruồi bị chết nhiều hoặc không đẻ trứng là do mình chưa biết cách canh nắng. Loài ruồi này nếu không có nắng thì không đẻ được. Nhưng nếu nắng nóng quá thì ruồi chết. Nhiệt độ thích hợp cho ruồi lính đen sống và sinh sản là từ 25-330C” - anh Phong chia sẻ.
Trong vòng 1 năm, anh vừa làm vừa rút kinh nghiệm để hoàn thiện kỹ thuật nuôi. Đến tháng 6-2019, anh mở rộng thêm 1 trại nuôi rộng 500m2. Thời điểm này, sản lượng thu hoạch trứng của anh đã đạt 1kg trứng/ngày. Tuy nhiên, giá bán trứng ruồi lúc này đã hạ xuống 7 triệu đồng/kg. Dù giá thấp hơn 4 lần so với trước nhưng lợi nhuận thu về vẫn nhiều hơn vì trọng lượng trứng thu hoạch mỗi ngày lúc này đã tăng gấp 10 lần.
“Hiện nay, giá bán trứng ruồi chỉ khoảng 5 triệu đồng/kg. Với tổng diện tích 2 ngàn m2, mỗi ngày, chúng tôi có thể thu được 2-3kg trứng ruồi. Chúng tôi có tổng cộng 6 người làm việc, trả lương 7 triệu đồng/tháng/người. Riêng các thành viên có cổ phần trong trang trại, chúng tôi còn được chia phần tiền lời sau khi đã trừ toàn bộ các chi phí” - anh Phong cho biết.
Tạo dựng thương hiệu
Nguyễn Thái Phong bên sản phẩm ấu trùng ruồi sấy khô
Quá trình nuôi ruồi, anh Phong thường xuyên làm video và chia sẻ kinh nghiệm cá nhân lên internet. Nhờ vậy, anh Phong có nhiều khách hàng thân thiết. Anh Nguyễn Văn Nhu quê ở Bến Tre và làm nhân viên kỹ thuật điện cho một công ty ở Bình Dương là một trong số đó. Tuy đã có việc làm ổn định nhưng anh Nhu vẫn băn khoăn tìm hướng đi mới cho mình. Anh biết đến nghề nuôi ruồi lính đen và quyết định nghỉ việc, về quê nội ở Tiền Giang để mở trang trại.
Quá trình trao đổi, mua bán, hai bên nhận thấy có cùng định hướng phát triển. Vì vậy, anh Nhu quyết định đóng cửa trang trại ở Tiền Giang, “khăn gói” lên Đồng Nai để làm việc chung với anh Phong. Ngoài anh Nhu, anh Phong còn hợp tác với anh Lâm Thành Lộc (TP.Biên Hòa). Nhóm bạn 3 người quyết định “hùn cổ phần” để phát triển rộng mô hình nuôi ruồi lính đen và xây dựng thương hiệu Larva Farm.
Từ khi 3 người hợp tác, công việc phát triển khá thuận lợi. Hiện nay, lượng khách hàng mà Larva Farm khai thác được đã tăng lên khoảng 3 lần so với trước, cung đang không đủ cầu.
Hiện nay, Larva Farm đang cung cấp các sản phẩm: trứng ruồi, ấu trùng ruồi tươi, ấu trùng ruồi sấy khô. Khách hàng là các hộ gia đình nuôi nhỏ lẻ hoặc các trại nuôi ruồi khác. Việc chuyên cung cấp giống giúp các hộ nuôi khác cắt giảm được 1 khâu trong quy trình nuôi ruồi. Từ trứng ruồi giống này, khách hàng nuôi thành con ấu trùng và dùng ấu trùng này làm thức ăn trong chăn nuôi.
Sắp tới, ngoài phát triển sâu sấy, nhóm bạn này còn dự kiến phát triển thêm các dòng sản phẩm: bột đạm từ ấu trùng ruồi, dầu từ quá trình ép bột đạm dùng để trộn trong phân bón hữu cơ; dịch thủy phân từ ấu trùng ruồi để làm phân bón lá (đặc biệt phù hợp cho các loại cây có múi)...
Hoàng Giang
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.