• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Phú Yên: Sau bão lũ, thức ăn cho gia súc khan hiếm

Nguồn tin: Báo Phú Yên, 18/11/2020
Ngày cập nhật: 19/11/2020

Ruộng trồng cỏ ở thôn Phú Sơn, xã Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân) bị bồi lấp do mưa lũ. Ảnh: LÊ TRÂM

Bão số 12 vừa qua gây mưa lớn, nhiều vùng trũng thấp thuộc huyện Đồng Xuân, Tuy An (tỉnh Phú Yên) chìm trong nước, khiến hàng trăm héc ta chuối, hoa màu, cỏ trồng bị ngã đổ, vùi trong bùn đất, còn rơm khô dự trữ làm thức ăn cho bò ngâm trong nước lụt.

Đồng Xuân: Cỏ nhuộm bùn, rơm ướt mục

Tại các xã Xuân Sơn Nam, Xuân Sơn Bắc, Xuân Quang 2 và Xuân Quang 3, thị trấn La Hai (huyện Đồng Xuân), nhiều diện tích cỏ tây lai, cỏ voi trồng dọc sông Kỳ Lộ bị nước lũ đè ngã bẹp, bùn bám đen, bờ ruộng cũng muối bùn, rơm khô ngập nước nên nguồn thức ăn cho bò khan hiếm. Vợ chồng ông Thái Văn Minh ở khu phố Long Hà, thị trấn La Hai (huyện Đồng Xuân) đẩy xe cải tiến chất rơm ướt đem phơi, cho hay: Đợt lũ sau bão số 12, nhà tôi nước ngập lên nửa nhà (2m), rơm khô chất đống trước nhà bị ướt. Sau bão 5 ngày trời mới nắng, vợ chồng tôi lo đẩy rơm phơi làm thức ăn cho bò.

Ông Minh kể, nhà ông nuôi 4 con bò lai, đang tuổi lớn nên lượng thức ăn hàng ngày nhiều. Sau khi cắt lúa vụ hè thu vừa rồi, ông làm đám ruộng 1 giạ giống (1.000m2) để trữ rơm làm thức ăn cho bò. Thời gian từ vụ hè thu năm nay đến vụ đông xuân năm sau kéo dài nên ông mua thêm 500.000 đồng tiền rơm về chất đống để dành cho bò ăn, vậy mà mưa lũ làm rơm ngập ướt. Ông phải phơi rơm, tận dụng cho bò ăn.

Còn bà Bùi Thị Hằng ở xã Xuân Sơn Bắc, chia sẻ: Mưa lũ làm đống rơm ngã bẹp trước nhà. Sau mưa bão, trời nắng nhưng trong khuôn viên nhà không có chỗ phơi, tôi đành bỏ. Vùng này ngoài cỏ, rơm cho bò ăn, người dân còn trồng rau muống và nấu cháo cho bò ăn. Nhà tôi trồng rau muống nhưng đám rau cũng ngập trong nước lũ, bùn đất bám đen, mấy hôm nay phải mua rau ở chợ. Mấy ngày nay giá rau muống tăng cao, trước đây chỉ 5.000 đồng là mua đủ rau để nấu nồi cháo cho bò, nay 10.000 đồng tiền rau mà không đầy nồi.

Trước đây, hàng ngày nông dân các xã thuộc huyện miền núi Đồng Xuân chăn thả bò ngoài đồng để kiếm cỏ ăn, người nuôi chỉ trữ rơm cho ăn phụ vào buổi trưa, tối. Nay đồng ruộng sau lũ bùn đất bám đầy, bò không ăn. Cỏ trồng ven sông, suối cũng ngập, chết dần. “Đám cỏ voi nhà tôi trồng ven sông, lũ lụt vừa rồi ngã rạp. Nước rút, rác thải “đu” trên đám cỏ. Không rơm, không cỏ, tôi phải đi mót củ sắn về cho bò ăn”, ông Nguyễn Văn Hảo ở xã Xuân Quang 3 chia sẻ.

Ông Phạm Trung Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân cho biết, đợt lũ vừa qua, hơn 500ha lúa vụ mùa, sắn, mía, cỏ trồng nuôi bò… vùng trũng thấp ở các xã Xuân Phước, Xuân Quang 3, Xuân Quang 2, Xuân Sơn Nam, Xuân Sơn Bắc và thị trấn La Hai ngập sâu trong nước. Để bù lại nguồn thức ăn cho gia súc, UBND huyện chỉ đạo ngành Nông nghiệp vận động nông dân tận dụng lá mía, lá bắp làm thức ăn cho bò; đồng thời khôi phục hoạt động sản xuất sau mưa lũ.

Tuy An: Nông dân chạy ăn từng bữa cho bò

Từ xã An Định xuống xã An Dân (huyện Tuy An), những cánh đồng cỏ ven sông Kỳ Lộ, đợt lũ vừa qua nước cũng ngập nhiều ngày. Khi nước rút, cỏ chết rục. “Gần 1 sào cỏ tây tôi trồng gần bờ sông bị nước bạc ngâm, lá rũ. Nhà tôi có 5 con bò, mấy ngày nay hai vợ chồng lo chạy thức ăn cho chúng. Sáng, mỗi người một xe gắn máy, người thì lên xã An Nghiệp cắt cỏ mọc ở các bờ, bụi của ruộng sắn, mía; người thì lên xã An Xuân chặt thân cây chuối bị ngã đổ về băm nhỏ nấu cháo cho bò ăn”, bà Trần Thị Hiền ở xã An Định cho biết.

Sau mưa lũ, ông Phan Tấn ở xã An Dân phải lên nhà người quen ở xã miền núi An Xuân xin cỏ gốc về trồng, thế nhưng không được nhiều, vì ai cũng cần cỏ gốc để trồng.

Theo thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Tuy An, đợt mưa lũ vừa qua làm hơn 195ha lúa, 165ha rau màu các loại, 192ha cây sắn, mía, chuối… ngã đổ, ước thiệt hại khoảng 2,5 tỉ đồng… “Huyện chỉ đạo các xã khẩn trương khôi phục lại đồng cỏ, tăng cường dùng thức ăn tinh để đảm bảo sức khỏe đàn vật nuôi. Hiện nay khôi phục sản xuất đang là nhiệm vụ trọng tâm được các cấp chính quyền địa phương chú trọng”, ông Nguyễn Trọng Hùng, Trưởng Phòng NN-PTNT, Phó Trưởng ban trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn huyện Tuy An cho biết.

MẠNH LÊ TRÂM

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang