Nguồn tin: Báo Hậu Giang, 19/11/2020
Ngày cập nhật:
21/11/2020
Cùng với các loại nông sản khác, nguồn gia súc, gia cầm thường được người chăn nuôi chuẩn bị sớm để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán.
Người dân đang chăm sóc kỹ đàn vật nuôi để bán vào dịp tết.
Khoảng tháng 9, tháng 10 hàng năm, người chăn nuôi bắt đầu chuẩn bị nguồn gia súc, gia cầm phục vụ thị trường Tết Nguyên đán để góp phần cung ứng một lượng lớn thực phẩm trong đợt cao điểm tiêu thụ cuối năm. Đây cũng là thời điểm chăn nuôi chịu nhiều rủi ro do những tác động bất lợi của thời tiết.
Ông Võ Hoàng Nam, ở ấp Hòa Hưng, thị trấn Búng Tàu, huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang), cho biết thời điểm này gia đình ông đang tập trung tái đàn heo. “Sau đợt dịch tả heo châu Phi mãi đến mấy tháng gần đây gia đình tôi mới dám nuôi lại. Khác với không khí chăn nuôi đón tết nhộn nhịp cuối năm ở những năm trước, tết này tôi không có nguồn heo bán tết do mất nhiều thời gian tìm nguồn giống chất lượng. Thay vào việc tất bật đầu tư cho tết, tôi lại muốn chăm chút kỹ cho 4 con nái chửa trong chuồng. Hy vọng từ đây phục hồi dần lại đàn heo. Còn chuyện nuôi heo đón đầu thị trường tết, chắc phải chờ sang năm vậy!”.
Câu chuyện khan hiếm nguồn giống, giá heo cao khiến kế hoạch tái đàn của nhiều hộ bị trì hoãn, đa số là hộ nuôi nhỏ lẻ. Trong khi đó, hộ nuôi gia cầm đang tất bật chuẩn bị nguồn hàng phục vụ thị trường cuối năm. Thời điểm tái đàn đón đầu thị trường tết cũng là lúc thời tiết giao mùa. Đây cũng là lúc bà con hết sức cẩn thận với dịch bệnh. Những hộ chăn nuôi lâu năm đã sớm chủ động biện pháp bảo vệ đàn gia cầm trước những thay đổi của thời tiết.
Với kinh nghiệm chăn nuôi gia súc, gia cầm nhiều năm, ông Lê Văn Giả, ở xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, cho biết: “Dù nuôi con gì thì yếu tố giống đạt chất lượng là mối quan tâm đầu tiên. Kế đến, tiêm phòng bệnh và chăm sóc nuôi dưỡng kỹ là 2 khâu quyết định đến thành bại giữa thời điểm nhiều rủi ro dịch bệnh như hiện nay. Cuối mùa mưa, bão, chuyển sang thời tiết giao mùa, khô hanh, khí hậu lạnh, nhiệt độ giữa ngày và đêm chênh lệch nên tôi đã bổ sung dinh dưỡng vào thức ăn, tăng đề kháng cho đàn gà và heo”.
Chị Trần Thị Cẩm Giang, ở phường V, thành phố Vị Thanh, chăn nuôi giống gà nòi, mỗi đợt tái đàn nuôi mới gần 400 con. Với kinh nghiệm chăn nuôi nhiều năm, thấy trời trở gió, chị Giang dựng lại chuồng gà, che chắn kín đáo xung quanh. Thay vì mỗi ngày thả gà ra ngoài nắng như trước thì những ngày gần đây chị nuôi nhốt hẳn, tránh để không khí lạnh ảnh hưởng tới sức khỏe đàn gà. “Ở đây tôi nuôi luân phiên nhau từng đợt để thường có nguồn gà thịt bán cho khách. Năm nay đàn heo chưa khôi phục kịp nên chắc gà, vịt dịp cuối năm sẽ hút hàng. Từ đây đến tết, tôi sẽ mở rộng đàn, tăng gia sản xuất để bán tết. Gà nòi hút hàng hơn các giống gà khác, giá bán lẻ hiện nay cũng tầm 120.000 đồng/kg. Có lúc hút, người ta đặt không có hàng để giao. Tôi cố gắng chăn nuôi cẩn thận để có nguồn bán cuối năm”, chị Giang cho biết thêm.
Toàn tỉnh hiện không xảy ra các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên gia súc, gia cầm. Từ đầu năm đến nay, tổng số gia cầm được tiêm phòng trên 2,4 triệu con. Các bệnh dịch tả, lở mồm long móng trên heo cũng được người chăn nuôi quan tâm tiêm phòng. Ông Trịnh Hùng Cường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, khuyến cáo người chăn nuôi cần lưu ý thường xuyên trong khâu chăm sóc nuôi dưỡng gia súc, gia cầm. Chuồng trại, nơi nuôi nhốt gia súc, gia cầm cần được che chắn kín đáo, không để gió lùa, nhất là trong những ngày bắt đầu chuyển mùa, biên độ nhiệt giữa ngày và đêm chênh lệch cao.
Theo số liệu của Cục Thống kê Hậu Giang, tổng đàn heo toàn tỉnh có khoảng 86.000 con (không tính heo con chưa tách mẹ); tổng đàn gia cầm trên 4,5 triệu con. Nguồn cung heo hơi dịp cuối năm được các ngành chuyên môn dự báo vẫn đáp ứng phục vụ tốt cho thị trường nội tỉnh.
Bài, ảnh: KỲ ANH
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.