• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Lào Cai: Hiệu quả mô hình nuôi vỗ béo gia súc ở Gia Phú

Nguồn tin: Báo Lào Cai, 09/02/2020
Ngày cập nhật: 11/2/2020

Những con trâu, bò gầy trơ xương chỉ sau vài tháng chăm sóc theo phương thức đặc biệt đã béo lên trông thấy. Đây là mô hình đang đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân xã Gia Phú (huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai).

Gia đình ông Nguyễn Ngọc Loãn (thôn Xuân Tư) làm nghề nuôi vỗ béo gia súc đã hơn chục năm nay. Ông Loãn đi khắp các địa phương trong tỉnh và các tỉnh lân cận tìm mua trâu khung, bò khung (tức trâu, bò gầy) về nuôi vỗ béo. Sau khi mua về, trâu, bò được chăm sóc đặc biệt, cho ăn cỏ, thức ăn tinh, cám tăng trọng, bã bia… và được tẩy giun, tiêm phòng, cho nghỉ ngơi, chăn thả để săn chắc. Thông thường, sau khoảng 2 đến 3 tháng là những con trâu, bò gầy bắt đầu béo lên, khỏe mạnh hơn, đảm bảo lượng thịt hoặc có sức khỏe để có thể xuất bán lấy thịt hoặc người dân mua về lấy sức kéo. Nhằm đảm bảo lượng thức ăn cho đàn gia súc, ông Loãn chủ động trồng cỏ voi, ngô dày, cây chuối kết hợp với chăn thả. Gia đình ông luôn duy trì đàn trâu, bò khoảng 40 - 50 con. Đây cũng như một điểm trung chuyển, mua và bán trâu, bò từ nhiều địa phương. Ông Loãn cho biết: Bình quân mỗi con trâu, bò sau khi vỗ béo, gia đình tôi lãi 6 triệu đồng. Trước đây, chưa có kinh nghiệm thì nuôi thả rông, bây giờ tôi chuyển sang nuôi bán công nghiệp nên hiệu quả kinh tế cao hơn.

Những con bò gầy trơ xương được ông Nguyễn Ngọc Loãn, thôn Xuân Tư chăm sóc đặc biệt.

Xã Gia Phú hiện có khoảng 20 hộ làm nghề nuôi vỗ béo gia súc, tập trung tại các thôn: An Thành, Khe Luộc, Xuân Tư, Tả Thàng. Khác với chăn nuôi thông thường, gia súc nuôi vỗ béo được cho ăn kết hợp thức ăn tinh và thức ăn xanh, một số hộ đầu tư mua thêm bã bia và tinh bột đã lên men, cám viên tăng trọng. Hiện việc nuôi trâu, bò để lấy sức kéo đã không còn nhiều, bởi việc cơ giới hóa nông nghiệp với sự thay thế của các loại máy hiện đại. Gia súc lớn như trâu, bò được nuôi chủ yếu lấy thịt. Xã Gia Phú gần thành phố Lào Cai nên thị trường tiêu thụ rộng, có nhiều đồi bãi tự nhiên dành cho việc chăn thả nên đây được coi là một trong những xã phù hợp cho việc phát triển chăn nuôi gia súc lớn của huyện Bảo Thắng. Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi ảnh hưởng lớn đến chăn nuôi lợn, nhiều hộ đã chủ động chuyển sang nuôi trâu, bò, đặc biệt là theo phương thức nuôi vỗ béo để phát triển kinh tế.

Gia đình anh Phạm Văn Hùng (thôn Hòa Lạc) vừa đầu tư hơn 500 triệu đồng mua trâu, bò và xây dựng chuồng nuôi vỗ béo gia súc. Ngoài ra, anh thuê thêm đất trồng cỏ, liên hệ với nhà máy sản xuất bia để mua bã bia. Anh Hùng cho biết: Mua trâu, bò cũng phải có nghề. Phải chọn được những con trâu, bò dù gầy nhưng vẫn khỏe mạnh, không bị bệnh, chịu ăn mới có thể vỗ béo được. Trước khi đầu tư mô hình này, tôi đã đi học hỏi ở nhiều nơi trong tỉnh và tham quan mô hình ở tỉnh Phú Thọ. Nhận thấy đây là mô hình triển vọng nên tôi mới mạnh dạn đầu tư.

Xã Gia Phú hiện có 2.700 con trâu, khoảng 800 con bò. Phát huy lợi thế về chăn nuôi gia súc lớn, xã Gia Phú được sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp khi tham gia các dự án như “Nâng cao tầm vóc đàn trâu”, “Nuôi vỗ béo và cải tạo đàn bò địa phương”. Khi tham gia dự án, người dân được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh, hỗ trợ thức ăn và con giống, qua đó nâng cao hiệu quả sản xuất, mang lại kinh tế cao cho người chăn nuôi.

Ông Lưu Hoàng Điểu, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Phú cho biết: Thực tế nuôi gia súc lớn, đặc biệt nuôi vỗ béo gia súc là chăn nuôi an toàn, ít rủi ro từ thị trường. Khó khăn khi nuôi vỗ béo gia súc là vốn đầu tư lớn, để có quy mô thì vốn có thể lên tới hàng trăm, thậm chí hàng tỷ đồng. Hiện nay, trâu, bò sau khi vỗ béo chủ yếu nội tiêu, rất dễ tiêu thụ do nguồn cung thiếu mà thị trường tiêu thụ lớn nhất là thành phố Lào Cai với giá thành rất ổn định, ít khi biến động. Thời gian tới, xã tiếp tục phát huy lợi thế về nuôi gia súc lớn, tăng tổng đàn, chủ yếu là đàn bò và khuyến khích người dân đầu tư chăn nuôi theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp để đạt hiệu quả kinh tế cao hơn.

THÚY PHƯỢNG

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang