Nguồn tin: Báo Tuyên Quang, 8/2/2020
Ngày cập nhật:
11/2/2020
Năm 2019, phần lớn người chăn nuôi nhỏ lẻ phải gồng mình chống đỡ dịch tả lợn châu Phi, thì nhiều cơ sở, doanh nghiệp và trang trại áp dụng quy trình chăn nuôi VietGAP, an toàn sinh học, vững tin “vượt bão”, đạt hiệu quả kinh tế cao.
Trang trại chăn nuôi lợn của gia đình chị Nguyễn Thị Thịnh, thôn Cây Xy, xã Cấp Tiến (Sơn Dương) quy mô 500 con/lứa và 100 lợn nái đã được cấp chứng nhận VietGAP. Chị Nguyễn Thị Thịnh cho biết, khi chưa áp dụng đầy đủ quy trình phòng, chống dịch bệnh nên tỷ lệ hao hụt còn cao, tốc độ tăng trưởng của đàn vật nuôi chậm, hiệu quả chăn nuôi đạt thấp. Năm 2017, được sự tư vấn, hỗ trợ của Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh, gia đình chị bắt đầu áp dụng quy trình VietGAP. Sau 1 thời gian thực hiện, chị Thịnh đã thấy sự thay đổi tích cực so với cách nuôi theo phương thức cũ, đàn lợn sinh trưởng tốt, tỷ lệ lợn bị hao hụt thấp, lợi nhuận cao hơn. Từ tháng 8 - 2019 đến nay, trung bình mỗi tháng gia đình chị Thịnh xuất chuồng khoảng trên 20 tấn lợn thịt, doanh thu đạt khoảng trên 100 triệu đồng, cao hơn 20% so với khi chưa áp dụng VietGAP. Áp dụng quy trình vietGAP, đàn lợn sẽ tăng sức đề kháng chống chọi với dịch bệnh, trong đó có dịch tả lợn châu Phi.
Trang trại chăn nuôi lợn theo mô hình chuồng kín của ông Hoàng Văn Mão, thôn Yên Phú, xã Đại Phú (Sơn Dương) đã hạn chế được tối đa dịch bệnh xâm nhập.
HTX chăn nuôi lợn Tiến Dũng, thôn Cầu Trôi, xã Tứ Quận (Yên Sơn) áp dụng phương pháp chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học đã đi qua “cơn bão” một cách an toàn nhất. Ngoài tuân thủ quy trình chăm sóc, phòng bệnh cho lợn theo tiêu chuẩn an toàn sinh học, không chất tăng trưởng, không chất kháng sinh, HTX còn tổ chức thành công chuỗi khép kín từ sản xuất con giống, chăn nuôi đến giết thịt và phân phối sản phẩm. Chủ động từ đầu vào đến đầu ra của sản phẩm giúp HTX điều tiết sản xuất, hạn chế dịch bệnh xâm nhập trong quá trình nhập con giống và tiêu thụ lợn thịt đến kỳ xuất chuồng.
Chăn nuôi lợn áp dụng quy trình VietGAP, chăn nuôi an toàn sinh học đã mang lại nhiều lợi ích, dịch bệnh được kiểm soát, sản phẩm chất lượng, thuận lợi trong tiêu thụ, tăng thu nhập của người chăn nuôi; người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Tuy nhiên, số lượng trang trại chăn nuôi lợn áp dụng cũng như được cấp chứng nhận VietGAP, an toàn không nhiều. Theo tổng hợp của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, toàn tỉnh mới có 5 trang trại, HTX được cấp chứng nhận VietGAP, an toàn sinh học và khoảng 10 trang trại khác đang áp dụng theo hướng VietGAP, trong khi đó toàn tỉnh có gần 200 trang trại với tổng đàn lợn khoảng 500.000 con.
Ông Vũ Minh Thảo, Trưởng Phòng Quản lý dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho rằng, chăn nuôi lợn là ngành hàng chiếm tỷ trọng lớn trong sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, tận dụng, không đảm bảo các điều kiện vệ sinh thú y nên phải đối mặt với rất nhiều rủi ro. Bài học đắt giá nhất là dịch tả lợn châu Phi xâm nhập vào tỉnh đã làm thiệt hại nặng nề, với 4.000 hộ chăn nuôi bị tổn thất, số lợn nhiễm bệnh buộc phải tiêu hủy lên gần 29.000 con, tương đương với trên 1.400 tấn, thiệt hại lớn nhất trong ngành chăn nuôi từ trước đến nay. “Cơn bão” dịch tả lợn châu Phi đã lắng xuống, nhiều trang trại, gia trại, hộ gia đình tái đàn trở lại, vấn đề phải làm ngay lúc này là phải áp dụng chăn nuôi theo tiêu chuẩn, từ con giống, chăm sóc, công tác phòng, trừ bệnh. Người chăn nuôi cũng nên thay đổi tập quán chăn nuôi, nên đầu tư làm chuồng kín với đủ thiết bị làm mát về mùa hè, ấm về mùa đông sẽ hạn chế chuột, bọ xâm nhập làm lây lan dịch bệnh. Làm được điều này sẽ hạn chế dịch bệnh, giảm thiệt hại, bảo đảm ngành hàng chăn nuôi lợn phát triển bền vững.
Bài, ảnh: Đoàn Thư
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.