Nguồn tin: Vĩnh Phúc, 09/12/2020
Ngày cập nhật:
11/12/2020
Với sự kiên trì, chịu khó và quyết tâm "không cam chịu đói nghèo", chị Phạm Thị Thu, thôn 5, xã Hoàng Hoa, huyện Tam Dương (tỉnh Vĩnh Phúc) đã gây dựng thành công mô hình nuôi gà ta lai thả vườn. Từ mô hình, trung bình mỗi năm, gia đình chị Thu lãi gần 250 triệu đồng.
Mô hình nuôi gà thả vườn của chị Phạm Thị Thu cho thu nhập gần 250 triệu đồng/năm. Ảnh: Trà Hương
Năm 2005, sau khi học hết cấp 3, thay vì thi đại học như các bạn cùng trang lứa, chị Thu lựa chọn ở nhà đi làm để phụ giúp bố mẹ nuôi các em ăn học. Hơn 2 năm sau đó, cô gái trẻ theo chồng về làm dâu tại xã Hoàng Hoa.
Được gia đình nhà chồng cho gần 1.200 m2 đất để lập nghiệp, từ nguồn vốn tích lũy và vay mượn thêm, vợ chồng chị Thu đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi 1.000 con gà.
Ban đầu do chưa có kinh nghiệm, kiến thức thị trường hạn chế, nên đàn gà bị bệnh, chết mất 1/3; số gà còn sót lại bán với giá thấp nên lợi nhuận thu được chẳng là bao.
Nuôi 3 lứa gà liên tiếp thất bại, chị Thu chán nản xin đi làm công nhân ở một công ty sản xuất linh kiện điện tử ở Khu công nghiệp Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên.
Hơn 1 năm sau, chị sinh con đầu lòng. Công việc vất vả, lại phải làm đêm nên chị bàn với chồng nghỉ ở nhà để có thời gian chăm sóc con cái.
Thấy quỹ thời gian rảnh rỗi còn nhiều, chị Thu quyết định quay trở lại với công việc nuôi gà. Rút kinh nghiệm từ những lần thất bại trước, chị Thu dành nhiều thời gian hơn để tìm hiểu thị trường và trau dồi kỹ thuật chăn nuôi.
Sau gần 1 tháng cải tạo, vệ sinh chuồng trại, chị Thu bắt đầu nuôi lứa gà mới với hơn 1.000 con.
Nhờ khảo sát và nuôi theo nhu cầu của thị trường, đàn gà sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh, bán được giá.
Lứa gà đó, gia đình chị Thu thu lãi gần 18 triệu đồng. Đây là động lực để chị mua thêm gần 4.000 m2 đất và tiếp tục tăng đàn lên 2.000 con, 3.000 con, 5.000 con gà vào các lứa tiếp theo.
Từ năm 2018 đến nay, chị Thu duy trì tổng đàn từ 4 - 5 nghìn con gà/lứa.
Trung bình mỗi năm, gia đình chị Thu cung ứng ra thị trường hơn 20 tấn gà thương phẩm, sau khi trừ chi phí thu lãi gần 250 triệu đồng.
Mặc dù nắm khá chắc kỹ thuật nuôi và chăm sóc gà ta lai, song chị Thu vẫn tích cực tham gia các lớp tập huấn để học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi.
Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi gà ta lai thả vườn, chị Thu cho biết: "Yêu cầu đầu tiên là chọn giống gà chuẩn, sạch bệnh. Chuồng trại cần thông thoáng, mát vào mùa hè, khô ráo vào mùa mưa.
Để gà sinh trưởng tốt, ít mắc dịch bệnh, người nuôi cần tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho gà, tích cực kiểm tra để kịp thời loại bỏ, cách ly những con bị bệnh, tránh lây chéo trong đàn.
Đặc biệt, cần thường xuyên vệ sinh, phun khử trùng, tiêu độc chuồng trại và môi trường xung quanh; thực hiện nghiêm quy trình nhập gà giống và xuất bán cả đàn cùng lúc để thuận tiện cho việc phòng, chống dịch bệnh, tránh thiệt hại cho người nuôi".
Thời gian tới, chị Thu dự định sẽ mở rộng chuồng trại và tăng số lượng đàn gà lên 6 - 7 nghìn con/lứa; phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường
Thanh Huyền
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.