Nguồn tin: Báo Vĩnh Long, 13/12/2020
Ngày cập nhật:
15/12/2020
“Vua rắn” Phan Thanh Bình.
Trong khi nhiều nông dân đang loay hoay trước việc lựa chọn nuôi động vật nào để mang lại hiệu quả kinh tế cao, đầu ra ổn định, không phải rơi vào tình trạng “dội chợ”, “rớt giá” thì ở xã Mỹ Tú (huyện Mỹ Tú- Sóc Trăng) có một thanh niên chọn mô hình nuôi rắn hổ mang với quy mô lớn đã và đang thu về mỗi năm trên 1 tỷ đồng tiền lãi. Cách làm ăn này được nhiều người đến tham quan, học tập, làm theo và mang lại kết quả rất khả quan.
Có gan làm giàu
Sau khi chúng tôi cam kết phải hết sức cẩn thận và tuân thủ theo hướng dẫn khi tham quan “vương quốc” rắn hổ mang, anh Phan Thanh Bình (35 tuổi) đưa chúng tôi “mục sở thị” trang trại rắn được xem là lớn nhất ĐBSCL đến thời điểm hiện nay.
Vừa đi anh vừa kể cơ duyên đến với mô hình độc lạ này: “Trước đây, tôi chuyên mua bán và nuôi các loại động vật như: ba ba, cua đinh, rắn, cá các loại nhưng không thành công.
Năm 2015, thấy địa phương mình còn rất nhiều rắn hổ mang, tôi nghĩ sao mình không thử nuôi, nhân giống loại động vật hoang dã này. Ban đầu, nhiều người can ngăn vì lo sợ loại rắn có chất độc khá nguy hiểm này nhưng tôi quyết định thực hiện, bởi tôi thấy một số tỉnh phía Bắc họ rất thành công khi nuôi rắn thì cớ sao mình không làm được”.
Ban đầu, anh Bình đã đến tìm hiểu tập quán sống, cách sinh trưởng, nhân giống, chăm sóc, phòng bệnh lẫn các biện pháp bảo vệ an toàn khi nuôi rắn hổ mang ở nhiều địa phương như: Tiền Giang, Sóc Trăng, Hà Nội, Bình Dương… Cùng với đó, anh tự tìm hiểu thông qua các trang mạng chăn nuôi, các tư liệu trong và ngoài nước. Sau đó, anh bắt đầu thả nuôi 70 con rắn bố mẹ đầu tiên.
Tuy nhiên, do chưa có nhiều kinh nghiệm nên lượng hao hụt ban đầu lên trên 60%. Không nản chí, anh Bình tiếp tục tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến thất bại của mình và dần dà khắc phục được các yếu điểm.
Một con rắn bố mẹ trong chuồng.
Anh Bình chia sẻ kinh nghiệm: mang tiếng là rắn độc nhưng nếu biết thuần dưỡng và không chọc phá, đánh động, đuổi bắt quyết liệt thì chúng lại rất hiền lành. Cạnh đó, chế độ chăm sóc, cho ăn phải hết sức chu đáo, đúng giờ, đúng ngày (5 ngày cho ăn một lần), thức ăn thường là gà, vịt con được nhổ lông thật sạch hoặc cá rô phi nguyên con (không xay nhuyễn).
Mỗi con bố mẹ được nuôi riêng mỗi chuồng với diện tích 4m2. Sau khi phối giống, rắn bố mẹ được thả về chuồng riêng của mình, trong đó không cần ánh sáng, được trang bị ít đất để làm mát cho rắn. Thường sau khi phủ giống 30- 40 ngày, rắn mẹ sẽ sinh ra trứng.
Trứng này được ủ dưới 2 lớp cát khoảng 60 ngày sẽ nở thành rắn con. Đây chính là bí quyết khá độc đáo và thành công của chàng thanh niên đất Mỹ Tú để sở hữu trang trại rắn “khủng” của mình.
Thành công ngoài mong đợi
Đến thời điểm hiện nay, vua rắn hổ mang Phan Thanh Bình đang sở hữu trên 2.000 con rắn bố mẹ. Mỗi năm anh xuất bán trên 20.000 con rắn giống với giá 120.000- 150.000 đ/con ( mỗi con có trọng lượng 150- 180g).
Riêng rắn thành phẩm bán với giá 650.000- 700.000 đ/kg. Thị trường tiêu thụ lớn nhất rắn giống lẫn rắn thương phẩm là TP Hồ Chí Minh và các tỉnh ở ĐBSCL.
Rắn hổ mang con.
Điều đáng nói là anh Bình luôn tuân thủ các quy định về việc chăn nuôi động vật hoang dã của Nhà nước như đăng ký trang trại, ghi chép, báo cáo số lượng phát triển với các cơ quan chức năng. Toàn bộ trang trại đều được rào chắn rất an toàn, biệt lập, xa nơi đông dân.
Cùng với đó, anh Bình còn bao tiêu toàn bộ sản phẩm rắn hổ mang thương phẩm cho người nuôi khi mua con giống từ cơ sở Thanh Bình.
Đó là chưa kể đến việc anh sẵn sàng tư vấn rất cụ thể cách làm chuồng, chăm sóc và các vấn đề có liên quan khác qua hệ thống điện thoại thông minh rất nhanh chóng, tiện lợi. Nhiều nông dân gặp khó khăn đã được anh “bán chịu” con giống với giá rẻ hay “cho không” để thoát nghèo.
Anh Nguyễn Hoàng Thái (xã Mỹ Tú) kể: “Ban đầu, nghe chuyện nuôi rắn độc của anh Bình, ai cũng ngán ngại nhưng khi đến tham quan thực tế, được anh tư vấn, hướng dẫn thì tôi và nhiều người rất an tâm. Bản thân tôi được anh “bán chịu” 20 con giống, sau khi thu hoạch tôi lời 20 triệu đồng mà có phải vất vả gì đâu, lại không mất nhiều diện tích làm chuồng trại”.
Anh Bình nói thêm: Đây là mô hình mang nhiều ưu điểm như: ít cần đất bởi có thể thiết kế chuồng nuôi nhiều tầng; số lần cho rắn ăn rất ít; được thương trường ưa chuộng; giá bán cao so với các loại động vật hoang dã khác; không “dội chợ”; bình quân mỗi con rắn từ khi nở đến khi bán thành phẩm sẽ cho lời 1- 1,2 triệu đồng.
Bài, ảnh: SONG ANH
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.