• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Lâm Đồng: Triển vọng nuôi bồ câu Pháp ở Đông Thanh

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng, 15/12/2020
Ngày cập nhật: 17/12/2020

Báo Lâm Đồng, 15/12/2020

Hai năm trở lại đây, mô hình nuôi chim bồ câu Pháp tại xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) đã và đang được người dân đưa vào sản xuất và nhân rộng trên địa bàn. Đây cũng là một trong những điều kiện cần và đủ để Đông Thanh dần trở thành địa chỉ tin cậy trong cung cấp con giống, hỗ trợ kĩ thuật, từ đó, giúp nông dân thoát nghèo và làm giàu trên chính mảnh đất của mình.

Nông dân xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà phấn khởi khi áp dụng và phát triển mô hình nuôi chim bồ câu Pháp có hiệu quả

Việc nuôi bồ câu Pháp nhốt chuồng thích hợp với địa hình, khí hậu tại Lâm Hà, một số hộ gia đình ở xã Đông Thanh đã mạnh dạn vay vốn và tận dụng diện tích đất trống của gia đình để mở rộng nuôi chim bồ câu.

Đến thăm mô hình của vợ chồng trẻ Trần Văn Cương (33 tuổi, tại thôn Tiền Lâm), được anh chia sẻ: “Trước khi nuôi chim bồ câu, tôi cũng đã từng nuôi heo, gà thương phẩm nhưng hiệu quả mang lại chưa cao. Giữa năm 2019, nhờ kết nối với một số bạn bè tại địa phương đang làm mô hình nuôi bồ câu Pháp nên tò mò tôi đến tham quan, tìm hiểu. Được tận tình chỉ dạy cách chăm sóc và hơn hết là biết đến giá trị kinh tế mang lại khá cao nên tôi quyết định hỏi mua giống về nuôi”. Với hơn 400 m2 diện tích chuồng trại trước đây nuôi heo và gà, vợ chồng anh bàn bạc, đầu tư số vốn “kha khá” để mua 70 cặp chim bồ câu bố mẹ. Bước đầu chăm sóc, bồ câu phát triển thuận lợi, anh Cương tiến hành ấp lò tại chỗ nhằm nhân rộng số lượng đàn. Đến nay, gia đình có hơn 1.000 cặp bồ câu Pháp, chưa kể bồ câu con được ấp ra mỗi ngày.

Theo anh Cương, nuôi chim bồ câu Pháp sinh sản không quá khó nhưng đòi hỏi người nuôi phải tỉ mỉ, nhất là việc thiết kế chuồng trại và đảm bảo chế độ ăn 2 bữa/ngày đầy đủ dinh dưỡng để chim sinh sản đều đặn. Loại chim này có sức đề kháng cao, tỷ lệ sống đạt từ 95-99% với trọng lượng chim thương phẩm đạt khá (khoảng 600g/con). Đặc biệt, giá bán ngoài thị trường cũng cao hơn so với giống thông thường từ 20.000-40.000 đồng/cặp.

Vì đáp ứng được nhu cầu thực tế, sản phẩm bồ câu Pháp dần cho đầu ra ổn định. Trung bình, mỗi ngày gia đình anh xuất ra thị trường khoảng 200 con thương phẩm, với giá bán dao động từ 120.000 - 130.000 đồng/cặp và cặp bố mẹ là 250.000 đồng/cặp. “Hàng đi mỗi ngày, đôi lúc phải từ chối khéo với khách hàng vì số lượng không đủ để cung ứng”, anh Cương phấn khởi nói.

Cũng giống như vợ chồng anh Cương, ông Trần Ngọc Huân (52 tuổi, tại thôn Thanh Trì) bắt đầu nuôi chim gần nửa năm nay. Với số lượng hơn 200 cặp, lứa đầu tiên ông cho xuất đi hơn 30 cặp với mức giá ổn định là 120.000 đồng/cặp thành phẩm.

Ông Huân cho biết, nuôi chim bồ câu Pháp trước hết cần phải chú ý tới việc thiết kế làm nơi ổ đẻ để chim sinh sản, ấp trứng và nuôi con. Bởi, đây là loại động vật vừa đẻ trứng vừa nuôi con nên cần thiết kế hai ổ khác nhau, ổ đặt trứng sẽ nằm ở tầng trên và ổ nuôi con nằm ở tầng dưới. Cả hai ổ đều phải sạch sẽ, được lót rơm, nệm êm và máng ăn phải lựa chọn máng nhựa, đảm bảo sạch sẽ. Và để nuôi chim bồ câu Pháp thực sự hiệu quả thì khâu chọn giống là quan trọng nhất. Do đó, phải chọn những con chim giống khỏe mạnh, lông mượt, hoạt động nhanh nhẹn và không có dị tật. Đối với chuồng trại cần phải lưu ý ánh sáng vừa đủ, luôn đảm bảo khô ráo và sạch sẽ. “Để đảm bảo điều kiện cho đàn chim sinh trưởng và phát triển tốt, ngoài việc chú trọng các đợt uống vắc xin phòng bệnh, tôi còn trang bị, sử dụng các loại men vi sinh trộn lẫn vào thức ăn, nước uống hoặc phun khử trùng tại khu chuồng trại để giảm mùi hôi thối, tăng sức đề kháng của vật nuôi” - ông Huân cho hay.

Ông Trần Văn Thọ - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Thanh cho biết: Mô hình nuôi bồ câu Pháp mới xuất hiện ở địa phương từ đầu tháng 5/2019. Tuy nhiên, để đánh giá về thu nhập và hiệu quả thì đây được xem là mô hình có nhiều tiềm năng để địa phương có thể phát triển kinh tế, tạo thu nhập ổn định cho bà con trong xã. Bởi, dựa trên các yếu tố chăn nuôi như điều kiện khí hậu, địa hình, địa thế xa khu dân cư, thông thoáng rất phù hợp cho việc nuôi bồ câu. Hơn nữa, thức ăn cũng không quá khó tìm và đắt đỏ, chủ yếu là bà con tự cung tự cấp được như thức ăn từ ngô, đậu, lúa. Hiện, trên địa bàn xã đã xuất hiện 3 hộ với tổng đàn là hơn 4.000 cặp và mong muốn trong thời gian tới, mô hình này sẽ được nhân rộng để bà con học tập và phát triển.

THÂN HIỀN

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang