Nguồn tin: Báo Quảng Trị, 21/12/2020
Ngày cập nhật:
23/12/2020
Từ ngày 6/12/2020 đến nay, trên địa bàn huyện Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị) xuất hiện bệnh viêm da nổi cục trên đàn bò tại xã Vĩnh Tú và Trung Nam. Theo các cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y (CN&TY), đây là bệnh mới, lần đầu tiên xuất hiện và tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Do vậy, thời điểm này, Chi cục CN&TY và địa phương đang triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để ngăn chặn bệnh, hạn chế lây lan.
Rắc vôi bột tại khu vực chuồng trại nuôi bò để hạn chế dịch bệnh - Ảnh: T.Q
Trao đổi với chúng tôi khi đang chăm sóc 2 con bò còn lại trong đàn bò 3 con của mình, anh Trần Long Hưng ở tại thôn Huỳnh Công Tây, xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh cho biết, gia đình anh đã nuôi bò nhốt chuồng nhiều năm, luôn đảm bảo nguồn thức ăn, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, tiêm phòng các loại vắc xin theo định kỳ. Chuồng nuôi của gia đình nằm cách đường trục xóm hơn 20 m, cách đường liên xã 200 m và cách Quốc lộ khoảng 4 km. Gia đình không vận chuyển hay buôn bán trâu, bò. Tuy nhiên, cách đây khoảng 15 ngày, trong đàn bò 3 con của gia đình có 1 con bò 4 năm tuổi xuất hiện bệnh với có các biểu hiện toàn thân nổi cục, các cục nổi trên da sờ vào thấy cứng, có đường kính từ 5 - 22 mm; bò kém ăn, sốt nhẹ, chân yếu đi lại khó khăn, bò có biểu hiện khó nằm.
Sau khi tự điều trị không khỏi bệnh, ngày 10/12/2020 gia đình đã báo với thú y cơ sở và đến ngày 13/12/2020 có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút gây bệnh viêm da nổi cục. Theo anh Hưng, trong những năm qua gia đình anh luôn tuân thủ các quy định về thú y nên đàn bò phát triển tốt, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình. Bây giờ một con đã bị mắc bệnh không rõ nguyên nhân buộc phải tiêu hủy, gia đình rất mong cơ quan chức năng hỗ trợ kịp thời vắc xin tiêm phòng, hóa chất để phun khử trùng, thuốc diệt côn trùng… để khống chế dịch bệnh, tránh lây lan sang những con khác.
Trạm trưởng Trạm CN&TY huyện Vĩnh Linh Trần Văn Bình cho biết, sau khi nhận được tin báo bệnh xuất hiện tại xã Vĩnh Tú, Trạm CN&TY đã cùng với Chi cục CN&TY tiến hành kiểm tra, lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm. Đến ngày 13/12/2020 Chi cục Thú y vùng III đã có phiếu trả lời kết quả xét nghiệm kết luận phát hiện vi rút gây bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò trong mẫu bệnh phẩm lấy từ hộ anh Trần Long Hưng. Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm, bên cạnh tiêu hủy cá thể bò đã có kết quả dương tính, Chi cục CN&TY đã lấy mẫu giám sát bệnh đối với 2 cá thể bò còn lại và đã có kết quả âm tính. Tuy nhiên, ngày 16/12/2020, Trạm CN&TY tiếp tục nhận tin báo trên đàn bò của hộ bà Nguyễn Thị Khiếc ở tại thôn Thủy Trung, xã Trung Nam xuất hiện các dấu hiệu bệnh tương tự và đã tiến hành kiểm tra, lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm. Ngày 19/12/2020, Chi cục Thú y vùng III đã có phiếu trả lời kết quả xét nghiệm kết luận phát hiện vi rút gây bệnh viêm da nổi cục trong mẫu bệnh phẩm lấy từ hộ bà Nguyễn Thị Khiếc ở tại thôn Thủy Trung, xã Trung Nam.
Theo ông Bình, viêm da nổi cục trên trâu, bò là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây bởi vi rút, bệnh không có thuốc chữa trị, khi trâu bò bị bệnh bắt buộc phải tiêu hủy theo quy định, gây thiệt hại lớn đến kinh tế. Trước tình hình bệnh xảy ra trên địa bàn huyện và có nguy cơ lây lan ra diện rộng, Trạm CN&TY đã chỉ đạo lực lượng thú y cơ sở tăng cường bám địa bàn; tổ chức tuyên truyền cho các hộ chăn nuôi về bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò. Đồng thời chỉ đạo các xã chủ động triển khai phun tiêu độc khử trùng chuồng trại và môi trường chăn nuôi. Khuyến cáo các hộ phun thêm hóa chất diệt ruồi, muỗi, ve, mòng… để hạn chế vật trung gian truyền bệnh; tập trung chăm sóc, bổ sung thêm thức ăn để nâng cao sức đề kháng cho trâu, bò. Tuyên truyền, khuyến cáo các hộ chăn nuôi không thả rông trâu, bò; theo dõi sát sức khỏe đàn vật nuôi, nếu có biểu hiện khác thường báo ngay cho cán bộ thú y và chính quyền địa phương để kịp thời khoanh vùng, không để bệnh lây lan diện rộng.
Phó Chi cục trưởng Chi cục CN&TY Đào Văn An cho biết, viêm da nổi cục trên trâu, bò là loại bệnh mới, lần đầu tiên xuất hiện tại nước ta từ giữa tháng 10/2020. Đến nay, cả nước có 85 ổ dịch xảy ra tại 85 xã thuộc 33 huyện của 10 tỉnh, thành phố. Tại tỉnh ta, đã phát hiện 2 điểm có bò bị bệnh tại xã Vĩnh Tú và xã Trung Nam, huyện Vĩnh Linh. Ngay sau khi phát hiện bệnh, Chi cục CN&TY đã phối hợp với chính quyền địa phương nhanh chóng khoanh vùng, tập trung xử lý, tiến hành tiêu hủy các cá thể bò bị nhiễm bệnh. Triển khai các biện pháp chống như tổ chức tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng, thuốc diệt côn trùng, ruồi, muỗi, ve, mòng… liên tục trong vòng 3 tuần tại hộ chăn nuôi có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh; đồng thời tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng toàn bộ các vùng có nguy cơ cao, xung quanh hộ chăn nuôi có gia súc bị bệnh. Tổ chức rà soát, thống kê các hộ chăn nuôi và số lượng trâu, bò, dê trên địa bàn. Đề nghị người chăn nuôi trên địa bàn xã Vĩnh Tú và Trung Nam cam kết không bán chạy, không giết mổ, không vứt xác gia súc chết, gia súc bệnh ra môi trường. Tổ chức thông tin, hướng dẫn người dân chủ động giám sát gia súc có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh; kịp thời phát hiện, báo cáo chính quyền, cơ quan thú y và triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh; hằng ngày tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng hoặc sử dụng vôi bột để sát trùng khu vực nuôi.
Tuy nhiên, theo ông An, nguy cơ bệnh viêm da nổi cục tiếp tục lây lan nhanh, ở phạm vi rộng trên địa bàn tỉnh là rất cao do đây là bệnh mới lần đầu tiên xuất hiện và Việt Nam chưa có vắc xin phòng bệnh; mặc dù Cục Thú y đã có hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp nhập khẩu vắc xin khẩn cấp nhưng dự kiến phải sang đầu năm 2021 mới có vắc xin để đánh giá vô trùng, an toàn trước khi sử dụng rộng rãi. Bệnh lây lan nhanh còn do các véc tơ truyền bệnh là ruồi, muỗi, ve, mòng… hút máu, truyền bệnh; tình hình chăn thả trâu, bò trên các cánh đồng, bãi chăn thả chung còn phổ biến; nhu cầu vận chuyển, giết mổ trâu, bò các tháng cuối năm gia tăng mạnh; thời tiết thay đổi bất lợi; một số hộ chăn nuôi chưa áp dụng tốt các biện pháp phòng bệnh cho vật nuôi. Để khẩn trương kiểm soát, ngăn chặn bệnh phát tán và lây lan diện rộng, Chi cục CN&TY đã đề nghị UBND huyện Vĩnh Linh công bố dịch bệnh viêm da nổi cục tại các địa phương đã xuất hiện ổ dịch theo quy định. Chỉ đạo các địa phương có dịch tập trung các nguồn lực và áp dụng đồng bộ các giải pháp để kiểm soát, xử lý dứt điểm các ổ dịch; không để dịch bệnh lây lan và phát sinh các ổ dịch mới.
Đối với các địa phương chưa có dịch, địa phương có nguy cơ cao trên địa bàn huyện Vĩnh Linh nói riêng và toàn tỉnh nói chung cần tổ chức rà soát, thống kê các hộ chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn và hướng dẫn người chăn nuôi chủ động giám sát, kịp thời phát hiện các trường hợp gia súc có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh, báo cáo chính quyền địa phương và cơ quan thú y để triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Xử lý nghiêm các trường hợp giấu, không báo cáo dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng. Hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng nghiêm các biện pháp trong chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt; vệ sinh, sát trùng, diệt côn trùng, ruồi, muỗi, ve, mòng… tại khu vực chăn nuôi; bổ sung chất dinh dưỡng, khoáng chất để nâng cao sức đề kháng cho gia súc.
Thục Quyên
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.