Nguồn tin: Báo Bình Định, 23/12/2020
Ngày cập nhật:
26/12/2020
Nhiều dịch bệnh nguy hiểm như dịch tả heo châu Phi, lở mồm long móng, bệnh viêm da nổi cục trên đàn gia súc đang diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành. Không chủ quan, lơ là, ngành chức năng, chính quyền địa phương và người chăn nuôi trong tỉnh đã thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ an toàn đàn gia súc.
Đàn heo tại trang trại chăn nuôi heo của ông Nguyễn Công Huy (xã Ân Tường Đông, huyện Hoài Ân) được chăm sóc chu đáo.
Phòng ngừa dịch bệnh từ xa
Là một trong những hộ dân thu nhập cao từ chăn nuôi bò thịt chất lượng cao, ông Nguyễn Thành Hiếu (xã Nhơn Khánh, TX An Nhơn, tỉnh Bình Định), chia sẻ: Từ năm 2016 đến nay, tôi luôn duy trì 7 - 10 con bò thịt giống Red Angus, Blanc Bleu Belge, thu nhập bình quân 70 - 90 triệu đồng/năm. Ông duy trì thường xuyên phun thuốc, rắc vôi, khử độc sát trùng chuồng trại; tiêm vắc xin phòng, chống dịch lở mồm long móng định kỳ và bổ sung thức ăn nhiều dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho vật nuôi. “Thông tin bệnh viêm da đang xảy ra trên đàn bò ở một số tỉnh, thành - dịch bệnh này mới xuất hiện ở Việt Nam và rất nguy hiểm, tôi chủ động tìm hiểu các triệu chứng, cách phòng chống cho đàn bò của mình. Đàn bò là tài sản lớn, nên phải chăm sóc, bảo vệ rất chu đáo!”, ông Hiếu nói.
Trang trại chăn nuôi hơn 1.000 con heo của ông Nguyễn Công Huy (xã Ân Tường Đông, huyện Hoài Ân) được bảo vệ tường rào kiên cố, ngay cổng ra vào trang trại có phòng khử độc, sát trùng. Hiểu rõ tác hại của các loại dịch bệnh với vật nuôi, việc chăm sóc bảo vệ đàn heo được thực hiện nghiêm ngặt, do 2 bác sĩ thú y và công nhân kỹ thuật đảm nhiệm. Ông Huy cho biết: “Toàn bộ hoạt động trong và xung quanh trang trại đều được giám sát bằng hệ thống camera. Trang trại luôn phải sạch, người lạ không được vào để đảm bảo tuyệt đối an toàn dịch bệnh”.
Theo ông Nguyễn Xuân Phong, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hoài Ân, người chăn nuôi ở địa phương không ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước như trước đây mà đã chủ động mua thuốc thú y để tiêm phòng và phun thuốc khử độc sát trùng, điều chỉnh thức ăn phù hợp theo từng giai đoạn sinh trưởng của vật nuôi. Lực lượng Thú y ở cơ sở thường xuyên kiểm tra, giám sát, tư vấn, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện và UBND các xã, thị trấn cũng kiểm soát chặt chẽ hoạt động mua bán, vận chuyển heo; yêu cầu tất cả tổ chức, cá nhân mua bán, vận chuyển heo đều phải khai báo chính quyền địa phương và thú y cơ sở.
Công tác kiểm tra, giám sát hoạt động mua bán, vận chuyển gia súc, gia cầm ra vào tỉnh cũng được ngành chức năng siết chặt. Sở NN&PTNT đã điều động thêm lực lượng thú y cho Trạm Kiểm dịch động vật Cù Mông và Trạm Kiểm dịch Bình Đê trên tuyến QL 1A. Ông Nguyễn Thanh Bình, cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, phụ trách 2 trạm kiểm dịch này, cho hay: Chúng tôi túc trực 24/24 giờ tại các trạm để kiểm tra, kiểm soát và xử lý những vi phạm vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không có nguồn gốc xuất xứ ra vào tỉnh. Bên cạnh đó, phun thuốc khử trùng, tiêu độc phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật đi qua chốt kiểm dịch; yêu cầu các chủ phương tiện vận chuyển thực hiện nghiêm Pháp lệnh Thú y và xử lý trường hợp vi phạm.
Cán bộ Thú y huyện Phù Cát hỗ trợ người chăn nuôi tiêm vắc xin phòng, chống dịch bệnh cho đàn bò.
Tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát
Công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc dù đã thực hiện khá tốt, nhưng bối cảnh nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm diễn biến phức tạp, có nguy cơ lây lan vào tỉnh rất cao, đòi hỏi ngành chức năng, chính quyền địa phương và người chăn nuôi phải luôn cảnh giác, thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Ngày 23.12, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh, cho biết: UBND tỉnh đã yêu cầu Sở NN&PTNT và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu đúng, không quá hoang mang, lo lắng dẫn đến những phản ứng phòng vệ không phù hợp có thể gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động tiêu dùng, chăn nuôi. Bên cạnh đó, vận động người dân phun thuốc khử độc sát trùng chuồng trại chăn nuôi, tiêm vắc xin phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm cho đàn gia súc, gia cầm; kiểm soát chặt chẽ hoạt động mua bán, giết mổ, vận chuyển ra vào tỉnh.
Ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho hay: Hiện, ngành Nông nghiệp tỉnh đang phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền về sự nguy hại của các loại dịch bệnh trên đàn gia súc trong thời điểm mưa, gió lạnh, để người dân chủ động cùng chung tay phòng dịch; đồng thời, hỗ trợ thêm thuốc thú y cho các địa phương phục vụ phòng, chống dịch bệnh. Cùng với đó, chúng tôi tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động mua bán, giết mổ và vận chuyển gia súc gia cầm ra vào tỉnh; thường xuyên lấy mẫu huyết thanh để xét nghiệm, nhằm phát hiện và chủ động xử lý kịp thời dịch bệnh phát sinh. Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y duy trì đường dây nóng để tiếp nhận thông tin dịch bệnh trên đàn gia súc gia cầm; phối hợp và hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương xây dựng cơ sở giết mổ gia súc tập trung, đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, góp phần ngăn ngừa dịch bệnh phát sinh.
Bài, ảnh: PHẠM TIẾN SỸ
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.