Nguồn tin: Báo Bắc Giang, 12/02/2020
Ngày cập nhật:
14/2/2020
Mới bước vào đầu xuân, thời tiết mưa nhiều, khí hậu ẩm ướt kết hợp với không khí lạnh là điều kiện thuận lợi để các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi phát triển. Hiện các cấp chính quyền cùng các chủ chăn nuôi trong tỉnh Bắc Giang đã có nhiều biện pháp để phòng ngừa dịch bệnh, bảo vệ đàn vật nuôi.
Chăn nuôi an toàn, hiệu quả cao
Năm 2019 đánh dấu bước thăng trầm của ngành chăn nuôi. Khi dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) bùng phát đã khiến gần 280 nghìn con lợn của Bắc Giang bị chết, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng, có thời điểm giá lợn xuống thấp làm chủ nuôi lỗ nặng.
Kiểm tra thân nhiệt phòng dịch bệnh trên đàn lợn tại trang trại của gia đình bà Hoàng Thị Thái, thôn Lộc Ninh, xã Ngọc Châu (Tân Yên).
Khi lượng thịt lợn thiếu hụt tác động tới tình hình chăn nuôi các loại vật nuôi khác. Đặc biệt là đàn gia cầm, thủy cầm phát triển khá mạnh. Do thịt lợn khan hiếm, đắt đỏ nên người tiêu dùng đã chuyển sang tiêu thụ thịt gà, vịt nhiều hơn, kéo theo giá gà tăng đột biến, cao hơn năm 2018 khoảng 20% và hiện vẫn giữ ổn định ở mức cao. Người nuôi gia cầm thu lãi từ 40 đến hơn 65 triệu đồng/1.000 con gà sau 4 tháng nuôi.
Trong đợt DTLCP vừa qua tại Tân Yên và Yên Thế, đa phần các chủ nuôi áp dụng hiệu quả phương pháp chăn nuôi an toàn dịch bệnh nên tỷ lệ lợn chết do mắc bệnh DTLCP thấp nhất tỉnh. Cùng đó, tổng đàn gia cầm cũng được duy trì ổn định. Thực tế cho thấy, những cơ sở chăn nuôi theo quy trình an toàn dịch bệnh đều thu lãi lớn bởi nhờ phương pháp này mà họ đã bảo vệ được đàn gia súc, gia cầm.
Nhiều cơ sở chăn nuôi hiệu quả như: Gia đình bà Hoàng Thị Thái, thôn Lộc Ninh, xã Ngọc Châu (Tân Yên) với hơn 10 nghìn con lợn; HTX Nông nghiệp hữu cơ Bình Minh (Hiệp Hòa) chuyên chăn nuôi, giết mổ và chế biến sản phẩm từ lợn; HTX Nông nghiệp xanh (Yên Thế) chuyên chăn nuôi, giết mổ, chế biến các sản phẩm từ gà... Các cơ sở này đều thu lãi từ vài tỷ đến hàng chục tỷ đồng trong năm 2019.
Đơn cử tại hộ bà Phạm Thị Bích, thôn Cầu Thầy, xã An Thượng (Yên Thế), bà Bích chia sẻ, để bảo vệ đàn lợn của gia đình, bà thực hiện nghiêm ngặt việc cách ly khu chăn nuôi với bên ngoài, luôn cho lợn ăn đủ khẩu phần và tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh.
Riêng năm 2019, bà đã chi gần 36 triệu đồng mua các loại thuốc khử trùng, vôi bột, xây bể sát trùng ngoài cổng để hạn chế người và phương tiện mang mầm bệnh vào khu chăn nuôi. Ngày nào bà Bích cũng phun thuốc khử trùng toàn bộ khu vực chuồng trại, vì thế đàn lợn luôn được bảo vệ tốt. Hiện gia đình bà có 25 lợn nái và 78 lợn con. Với giá lợn giống cao như hiện tại, gia đình tôi thu lãi hơn 1 triệu đồng/con giống.
Không chủ quan, lơ là
Thời điểm này, toàn tỉnh đã qua 30 ngày không phát sinh lợn bị ốm chết do mắc bệnh DTLCP nên Sở Nông nghiệp và PTNT đã yêu cầu Chi cục Chăn nuôi và Thú y tới các địa phương hướng dẫn, thẩm tra các điều kiện để công bố hết dịch. Tuy nhiên, theo thông báo từ Cục Thú y, năm 2019 bệnh Cúm gia cầm xảy ra tại 24 tỉnh, thành phố. Ngày 7-1 vừa qua xảy ra 1 ổ dịch cúm AH5N6 tại Quảng Ninh - tỉnh tiếp giáp với Bắc Giang, cùng với đó kết quả giám sát lưu hành vi rút cúm A tại 26 tỉnh, TP trong cả nước rất cao (37,72%).
Bắc Giang là tỉnh có tổng đàn gia cầm lớn khoảng 18 triệu con, trong khi đó tỷ lệ tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm tại một số địa phương trong tỉnh còn thấp, nhất là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Những nguyên nhân trên làm nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm trong thời gian tới là rất cao.
Năm 2020, Bắc Giang phấn đấu (trung bình năm) tổng đàn trâu đạt 40 nghìn con; đàn bò đạt 137,5 nghìn con; đàn lợn đạt 1 triệu con (năm 2019 là 800 nghìn con); đàn gia cầm đạt 18,4 triệu con. Thịt hơi các loại đạt 219 nghìn tấn.
Đặc biệt, gần đây, tại huyện Sơn Động đã có hàng chục gia súc bị mắc bệnh lở mồm long móng, trong đó xã Long Sơn là địa phương có nhiều nhất với 32 con trâu. Năm nay cũng xuất hiện loại dịch bệnh mới nguy hiểm, lây truyền từ động vật sang người đó là dịch nCoV, gây tác động xấu đến đời sống, kinh tế trong nước cũng như toàn cầu, trong đó có ngành chăn nuôi.
Để tránh nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên đàn vật nuôi, hạn chế thấp nhất thiệt hại, vừa qua, UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo UBND các huyện, TP, các sở, ngành, đơn vị liên quan tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm. Đến thời điểm này, 100% huyện, TP đã xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2020, kế hoạch tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm, phấn đấu tiêm phòng bảo đảm đạt 100% gia cầm thuộc diện phải tiêm.
Các địa phương cũng bắt đầu thực hiện tháng vệ sinh tiêu độc, khử trùng đợt 1 trong năm (từ ngày 10-2 đến ngày 10-3). Nhiều địa phương như Yên Thế, Lục Ngạn đã chủ động phun thuốc khử trùng phòng dịch bệnh nCoV kết hợp với phòng dịch cho gia súc, gia cầm từ ngày 7 và 9-2.
Ông Lê Văn Dương, Chi cục Phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, trong thời gian tới cơ quan chuyên môn sẽ tiếp tục tuyên truyền tới các địa phương, chủ trang trại, hộ chăn nuôi cần tăng cường vệ sinh phòng dịch, thông qua tiêu độc, khử trùng và tiêm các loại vắc xin phòng bệnh cho vật nuôi.
Ngành Nông nghiệp sẽ tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát và thực hiện công tác phòng, chống bệnh cúm gia cầm trên địa bàn. Các chủ nuôi cũng cần chung tay, không chủ quan lơ là, nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng dịch từ gia đình mình.
Thế Đại
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.