Nguồn tin: Báo Cần Thơ, 08/02/2021
Ngày cập nhật:
8/2/2021
Giống là yếu tố hàng đầu trong nuôi tôm, góp phần đem lại hiệu quả nuôi trồng, sản lượng thu hoạch. Do đó, cơ sở nuôi tôm nước lợ ĐBSCL cũng như trong cả nước đều trông chờ vào chất lượng con giống an toàn, sạch bệnh. Tuy nhiên, tình trạng mua bán, vận chuyển tôm giống kém chất lượng còn xảy ra, cần được quản lý, kiểm soát chặt hơn nữa từ ngành chức năng...
Hiệu quả sản xuất
Mô hình sản xuất, nuôi tôm nước lợ đạt hiệu quả cao ở tỉnh Sóc Trăng.
Theo Tổng cục Thủy sản, trong năm 2020 diện tích nuôi tôm nước lợ cả nước đạt 738.000ha, nhu cầu giống khoảng 130 tỉ con, trong đó 100 tỉ giống tôm thẻ chân trắng và 30 tỉ giống tôm sú. Số lượng tôm bố mẹ cần để sản xuất tôm giống là 250.000 con. Nguồn tôm bố mẹ cung cấp cho sản xuất tôm giống từ tự nhiên, nhập khẩu và chọn tạo trong nước. Đồng thời, cả nước hiện có trên 2.200 cơ sở sản xuất tôm giống được 130 tỉ con giống, đáp ứng nhu cầu nuôi tôm trong nước. Tại ĐBSCL, vùng nuôi tôm nước lợ tập trung tại các tỉnh ven biển, với diện tích trên 680.000ha, chiếm 92% diện tích nuôi tôm nước lợ cả nước. Ông Trần Đình Luân, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết: mặc dù ĐBSCL là khu vực có diện tích nuôi tôm nước lợ lớn nhất cả nước, nhưng khu vực sản xuất tôm giống trọng điểm của nước ta là các tỉnh Nam Trung Bộ, gồm Bình Thuận, Ninh Thuận. Hằng năm, tôm giống từ khu vực này được sản xuất, cung cấp khoảng 56% số lượng tôm giống nước lợ cho nhu cầu nuôi cả nước. Số còn lại được sản xuất từ các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ninh và những năm gần đây phát triển sản xuất tôm giống ở các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang và Sóc Trăng…
Hiện nay, hầu hết các cơ sở sản xuất tôm giống ở các tỉnh Nam Trung Bộ vận chuyển Nauplius hoặc Postlava cỡ nhỏ đưa về một số vùng nuôi để ương thành tôm giống giúp giảm giá thành, thích nghi với môi trường, sức khỏe tôm giống tốt hơn. Tuy nhiên, đáng lo ngại nhất là vào mùa cao điểm thả giống tại các tỉnh nuôi tôm thương phẩm, đặc biệt ở vùng ĐBSCL, vẫn còn số lượng lớn tôm giống được vận chuyển từ các tỉnh Nam Trung Bộ không có nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch. Một số cơ sở chưa được kiểm tra cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản theo quy định của Luật Thủy sản... Đó là một trong những nguyên nhân con giống kém chất lượng xâm nhập vùng ĐBSCL, gây guy cơ lây lan dịch bệnh.
Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2020, đoàn kiểm tra liên ngành thuộc Tổng cục đã thanh tra đột xuất giống thủy sản tại một số địa phương và phát hiện xử phạt hành chính 11 cơ sở sản xuất giống thủy sản chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, sử dụng tôm bố mẹ không có nguồn gốc; xử phạt 28 phương tiện vận chuyển và tiêu hủy số tôm giống về vùng nuôi không có giấy kiểm dịch... Ông Trần Đình Luân cho biết trong những năm gần đây, hệ thống quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương đang dần hoàn thiện và nâng cao hiệu quả quản lý. Đặc biệt, trong 2 năm 2018-2019 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức ký Quy chế phối hợp trong quản lý giống tôm nước lợ giữa các địa phương. Kết quả cho thấy việc cung cấp thông tin từ các địa phương sản xuất, cung ứng tôm giống đến các địa phương vùng tiêu thụ được kịp thời, góp phần giảm số lượng tôm giống không qua kiểm dịch, tôm giống kém chất lượng xâm nhập vào vùng nuôi ĐBSCL. Đồng thời, các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống tôm nước lợ tự nâng cao chất lượng để đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường, vùng nuôi.
Kiểm soát chất lượng tôm giống
Năm 2020, tổng sản lượng tôm nuôi cả nước vượt kế hoạch đề ra, đạt trên 900.000 tấn, trong đó tôm sú trên 267.000 tấn, tôm thẻ chân trắng trên 512.000 tấn. Theo dự báo năm 2021 nước ta tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới là tiền đề quan trọng để phát triển sản xuất nuôi trồng thủy sản, tôm nước lợ. Tuy nhiên, hiện nay ngành tôm nước lợ của nước ta, nhất là vùng ĐBSCL đối mặt với khó khăn do biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến phức tạp. Hạn hán, xâm nhập mặn có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động nuôi tôm, nhất là các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL. Để đảm bảo vụ nuôi tôm năm 2021 thành công, gần đây tại tỉnh Sóc Trăng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến chủ trì hội nghị “Quản lý giống tôm nước lợ và ký Quy chế phối hợp năm 2021”. Theo đó, năm 2021, cả nước có kế hoạch sản xuất tôm nước lợ trên 740.000ha, tập trung chủ yếu ở vùng ĐBSCL. Nhu cầu tôm giống cho nuôi trồng khoảng 130 tỉ con, nhu cầu tôm bố mẹ khoảng 250.000 con, sản lượng thu hoạch phấn đấu đạt trên 900.000 tấn. Cuối tháng 1-2021, đại diện UBND, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh sản xuất giống, nuôi tôm nước lợ cả nước ký quy chế phối hợp quản lý giống tôm nước lợ năm 2021. Công ty TNHH Thủy sản Dương Hùng tặng 30 triệu con tôm giống cho người dân nuôi tôm nước lợ miền Trung bị ảnh hưởng lũ lụt, thiên tai.
Để đạt mục tiêu 10 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu tôm đến năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các đơn vị liên quan từ bộ, ngành Trung ương đến các địa phương có vùng nuôi thủy sản cần chú trọng các giải pháp trọng tâm đối với quản lý chất lượng và sản xuất giống tôm nước lợ. Các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất giống phải tuân thủ các tiêu chí về tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất giống đảm bảo đạt chất lượng tốt nhất, sạch bệnh...
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: “Tổng cục Thủy sản phối hợp với thanh tra của Bộ và các ngành có liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra con giống đầu vào cũng như rà soát việc cấp giấy chứng nhận vùng nuôi, cơ sở nuôi theo đúng quy định. Đồng thời, công tác kiểm soát dịch bệnh trên con giống tôm xuất tỉnh phải chặt chẽ, đúng quy trình. Trong đó phải thực hiện một cách kiên quyết, xử lý nghiêm những sai phạm thì ngành nuôi trồng thủy sản tôm nước lợ mới có nguồn giống, cơ sở sản xuất giống tốt, đạt chất lượng theo yêu cầu, phát huy hiệu quả nuôi trồng ở vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung. Chúng ta kiên quyết không để con giống không đủ tiêu chuẩn đưa vào sản xuất, nuôi trồng; không để người nuôi trồng trở thành trắng tay sau một vụ nuôi vì con giống kém chất lượng...”.
Bài, ảnh: HÀ VĂN
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.