• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Mã số cơ sở nuôi tôm – Cấp thiết nhưng vẫn chậm

Nguồn tin: Báo Sóc Trăng, 29/12/2021
Ngày cập nhật: 31/12/2021

Tại Hội nghị trực tuyến “Giải pháp phát triển nuôi tôm tháng cuối năm 2021 và kế hoạch triển khai năm 2022” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức vào ngày 10-12, Tổng cục Thủy sản cho biết, cả nước hiện mới có 1,38% được cấp mã số chứng nhận cơ sở nuôi tôm. Sóc Trăng là tỉnh làm tốt nhất công tác này cũng chỉ mới đạt 8,75%, tức khoảng 3.500/39.990 cơ sở thuộc diện cấp mã số.

Theo lãnh đạo Tổng cục Thủy sản, công tác đăng ký, cấp giấy chứng nhận mã số cơ sở nuôi tôm thời gian qua, gặp nhiều khó khăn, vướng mắc tại tất cả các địa phương trong cả nước. Một trong những khó khăn là do công tác tuyên truyền, hướng dẫn thủ tục đăng ký của chính quyền địa phương đến người dân còn chậm và chưa được quan tâm thực hiện. Số cơ sở nuôi nhỏ lẻ chiếm đa số, người dân chưa nhận thức và chưa hiểu rõ mục đích của việc đăng ký, cấp mã số. Một số địa phương có cơ sở nuôi ở địa bàn xa cơ quan tiếp nhận hồ sơ và cấp mã số (cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản cấp tỉnh) nên khó khăn khi thực hiện nộp hồ sơ.

Dù rất tích cực nhưng đến nay số cơ sở nuôi tôm được cấp mã số ở Sóc Trăng vẫn chưa đến 10%. Ảnh: TÍCH CHU

Phổ biến nhất theo Tổng cục Thủy sản là nhiều cơ sở nuôi tôm không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) hoặc hợp đồng giao, cho thuê đất, mặt nước để nuôi trồng thủy sản theo quy định hoặc do GCNQSDĐ không chính chủ hoặc GCNQSDĐ của các hộ dân nuôi trồng thủy sản là đất trồng lúa, đất rừng, trồng cây hàng năm, đất ven sông... nhưng chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng sang nuôi trồng thủy sản theo quy định của Luật Thủy sản 2017, nên người dân gặp khó khăn khi lập hồ sơ đăng ký nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, cũng còn nhiều cơ sở nuôi tôm đã dùng GCNQSDĐ để thế chấp cho ngân hàng vay vốn sản xuất nên gặp khó khăn trong việc thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất sang đất nuôi trồng thủy sản.

Tại Sóc Trăng, dù ngành chức năng và địa phương đã rất quyết liệt với công tác này, với nhiều giải pháp linh hoạt như: xuống tận địa bàn để hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ đăng ký… nhưng nhìn chung, kết quả cũng không đạt theo yêu cầu. Được đánh giá là địa phương làm khá tốt công tác này, nhưng Sóc Trăng cũng chỉ mới cấp mã số cơ sở nuôi cho 3.500 cơ sở trong tổng số 39.990 cơ sở thuộc diện cấp mã số cơ sở nuôi, trong khi đó, theo các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm, mã số cơ sở nuôi là một trong những điều kiện quan trọng để con tôm Việt Nam đủ điều kiện thâm nhập vào một số thị trường lớn như: Mỹ, Trung Quốc. Do đó, mã số cơ sở nuôi được ví như “giấy thông hành” cho con tôm, nhằm đáp ứng yêu cầu về khả năng truy xuất nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm… của quốc gia nhập khẩu.

Để xử lý các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ việc đăng ký, cấp mã số cơ sở nuôi tôm nước lợ, Tổng cục Thủy sản đã và đang nỗ lực triển khai một số nội dung như: tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các quy định về đăng ký, cấp giấy xác nhận mã số trên các phương tiện thông tin đại chúng để người nuôi nắm được các quy định và tự giác thực hiện. Giới thiệu các địa phương có mô hình hay, kinh nghiệm tốt như Sóc Trăng, Quảng Ninh... để các địa phương khác học tập, nhân rộng. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm trong đăng ký nuôi trồng thủy sản. Đối với các vướng mắc liên quan đến quy định về hồ sơ, GCNQSDĐ, Tổng cục Thủy sản đã rà soát, đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung quy định tại Nghị định số 26/2019/NĐ-CP cho phù hợp. Đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai nhanh việc cấp GCNQSDĐ, chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định đối với các vùng đã quy hoạch, lập kế hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản, xử lý các vướng mắc để tạo thuận lợi cho người nuôi trồng thủy sản thực hiện đăng ký.

Theo các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm trong tỉnh, hiện hầu hết các nước đều đẩy mạnh việc truy xuất nguồn gốc và an toàn vệ sinh thực phẩm, nên việc cấp mã số cho cơ sở nuôi là một trong những việc làm rất cấp thiết nhằm giúp con tôm Việt Nam xâm nhập ngày một sâu rộng vào thị trường thế giới, nhất là những thị trường khó tính. Bên cạnh cấp mã số cơ sở nuôi, các địa phương cũng cần vận động người nuôi nhỏ lẻ liên kết lại thành hợp tác xã để vừa thuận tiện cho việc cấp mã số, vừa có thể liên kết với doanh nghiệp nuôi tôm đạt các tiêu chuẩn quốc tế như: ASC, BAP…

TÍCH CHU

Các tin mới

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang