Nguồn tin: Tuổi Trẻ, 25/12/2021
Ngày cập nhật:
27/12/2021
Nguồn lợi hải sản nước ta đang bị suy giảm với tốc độ nhanh trong 5 năm qua, thậm chí một số vùng biển, sự suy giảm đã đến mức báo động. Do đó, cần phải bảo tồn để khai thác bền vững.
Ngư dân đánh bắt thủy sản tại khu vực cảng Đề Gi (Bình Định) - Ảnh: NGUYỄN DŨNG
"Bức tranh nguồn lợi thủy sản 5 năm qua đang suy giảm nhanh về trữ lượng, nguồn lợi, đặc biệt là cá tầng đáy. Nếu không triển khai các giải pháp phục hồi, tái tạo, bảo vệ, bảo tồn nguồn lợi để khai thác bền vững thì tương lai không xa thủy, hải sản sẽ cạn kiệt, khi đó sẽ không đủ nguồn lực, kinh phí để phục hồi".
Ông Lê Trần Nguyên Hùng, phó vụ trưởng phụ trách Vụ Bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thủy sản), chia sẻ như vậy với Tuổi Trẻ Online khi nói về Chương trình quốc gia Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030 mà Bộ NN&PTNT vừa trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt.
Suy giảm báo động
Theo ông Hùng, các kết quả điều tra, nghiên cứu trong những năm gần đây cho thấy nguồn lợi thủy sản, hệ sinh thái thủy sinh, môi trường sống của các loài thủy sản biển đang có xu hướng suy giảm trên phạm vi cả nước, đặc biệt là vùng ven bờ, một số nơi suy giảm đã đến mức báo động như vùng cửa sông Hàn (thành phố Đà Nẵng), một số khu vực thuộc vùng biển Cô Tô và Đảo Trần (tỉnh Quảng Ninh), một số khu vực ven đảo thuộc vịnh Nha Trang...
Theo kết quả điều tra, đánh giá của Viện Nghiên cứu hải sản chỉ ra rằng tổng trữ lượng nguồn lợi hải sản ở biển Việt Nam giai đoạn 2016-2020 khoảng 3,95 triệu tấn, tiếp tục suy giảm đáng kể so với giai đoạn 2000-2005 (giảm 22,1%) và giai đoạn 2011-2015 (giảm 9,5%). Mặc dù vậy, sản lượng khai thác hải sản lại có xu hướng tăng.
"Trữ lượng các nhóm nguồn lợi chủ yếu cũng đang có xu hướng suy giảm, đặc biệt là trữ lượng cá tầng đáy giảm 18,4%, đây là chỉ số quan trọng cho thấy sự suy giảm nguồn lợi hải sản. Do đó, chúng ta phải hành động để phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế biển bền vững và đảm bảo sinh kế cho người dân là rất cần thiết", ông Hùng nói.
Đứng trước nguy cơ cạn kiệt, ông Hùng cho rằng "chúng ta không còn con đường nào khác" là phải có một chương trình quốc gia về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản mang tính chất tổng thể, bao trùm tất cả các thủy vật từ vùng biển, ven bờ, hải đảo cho đến nước lợ, đầm phá, nội đồng… cần được bảo vệ nguồn lợi, hệ sinh thái nhằm lưu giữ giống, nguồn gene, hiệu ứng tràn cho khai thác và mục đích cho y tế, giáo dục, du lịch…
Nghề lưới kéo và tàu nhỏ khai thác ven bờ sẽ giảm trong giai đoạn tới - Ảnh: NAM TRẦN
Giảm khai thác ven bờ và lưới kéo
Theo dự thảo Chương trình quốc gia Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030, ngành thủy sản đặt mục tiêu sẽ phục hồi, tăng trữ lượng nguồn lợi thủy sản khoảng 5% so với giai đoạn 2016-2020, đồng thời phục hồi 70% diện tích hệ sinh thái biển bị suy thoái trong các khu bảo tồn biển, diện tích vùng biển được bảo tồn lên trên 0,5% diện tích vùng biển Việt Nam.
Ông Hùng cho hay, trên cơ sở quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản, tới đây ngành thủy sản sẽ phân bố lại các không gian bảo tồn, bảo vệ, vùng cấm, khai thác phục hồi hệ sinh thái và không gian nào cho khai thác bền vững phù hợp với cơ cấu nghề nghiệp, đối tượng và năng lực để cho nghề cá phát triển bền vững.
"Chúng tôi tập trung vào mở rộng các khu bảo tồn, đầu tư phục hồi các rạn san hô, tảo biển, các loài nguy cấp, quý hiếm… bằng cách thả rạn để làm sao giữ được cái chúng ta đang còn", ông Hùng nói.
Về chuyển đổi nghề cá, nghề nghiệp sau khi quy hoạch, phân bố lại không gian bảo tồn, vùng cấm khai thác và giảm số tàu khai thác, ông Hùng cho hay Bộ NN&PTNT sẽ có một đề án chuyển đổi nghề nghiệp với các giải pháp để làm sao sau khi chuyển đổi người dân có cuộc sống, kinh phí, công việc trong thời gian cấm, hạn chế khai thác thì nguồn lợi thủy sản mới bền vững.
"Trước sự suy giảm nhanh về trữ lượng, đặc biệt là cá tầng đáy, nhiều giải pháp được đưa ra nhưng chúng tôi sẽ tập trung vào giảm cường lực khai thác, trong đó sẽ giảm các tàu khai thác ven bờ, đặc biệt sẽ giảm số lượng rất lớn khai thác lưới kéo và chuyển đổi các nghề thân thiện với môi trường, không hủy diệt", ông Hùng nói thêm.
CHÍ TUỆ
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.