Nguồn tin: Báo Phú Thọ, 03/01/2021
Ngày cập nhật:
4/1/2021
Hiện nay, trên lòng đập Suối Cái, xã Giáp Lai, huyện Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) có 9 hộ nuôi với tổng số trên 20 lồng, chủ yếu là cá lăng và cá chép giòn. PTĐT - Với lợi thế hệ thống ao, hồ, đập dày đặc và nơi hội tụ của 3 con sông lớn có chiều dài hàng trăm km, là điều kiện thuận lợi để tỉnh ta phát triển nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy sản. Nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng diện tích mặt nước, tỉnh đã khuyến khích người dân quy hoạch vùng sản xuất tập trung, lựa chọn đối tượng nuôi phù hợp với từng khu vực kết hợp ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, góp phần đưa ngành thủy sản phát triển bền vững. Khi mọi người tất bật hoàn tất công việc cuối năm, tại các vùng nuôi thủy sản trong tỉnh, người dân đang vui với những mẻ cá đầy vào mùa thu hoạch.
Vượt qua quãng đường làng quanh co dài hơn 2km từ trung tâm xã Giáp Lai, huyện Thanh Sơn, trước mắt chúng tôi là đập Suối Cái rộng mênh mông với dòng nước xanh ngắt bên những lồng cá làm bằng sắt vững chắc, nằm sát nhau theo từng cụm, đang là nguồn thu nhập của nhiều gia đình. Vốn là con đập chứa nước phục vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp, ba năm trở lại đây, người dân đã tận dụng vùng lòng đập để phát triển nghề nuôi cá lồng, cho thu nhập cao. Anh Phạm Trần Đông - một hộ nuôi cá lồng trên lòng đập cho biết: “Sở dĩ, chúng tôi chọn đập Suối Cái nuôi cá lồng, bởi đập có diện tích rộng, nguồn nước sạch. Mặc dù nuôi ở lòng đập dòng chảy nhỏ, cá chậm lớn hơn so với nuôi ngoài sông nhưng ngược lại trong quá trình nuôi rất an toàn không lo bị ảnh hưởng bởi thiên tai, việc đi lại, chăm sóc cũng thuận tiện. Với 5 lồng cá thu hoạch vào cuối năm cũng cho thu nhập vài chục triệu đồng”. Hiện nay, trên lòng đập có 9 hộ nuôi với tổng số trên 20 lồng cá, tập trung chủ yếu là nuôi cá lăng và cá chép giòn. Đây là các loại cá đặc sản, có giá trị kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng với giá bán dao động từ 80.000 - 150.000 đồng/kg, tùy vào từng loại và kích thước khác nhau.
Cuối năm, nhu cầu sử dụng thực phẩm của người dân tăng cao, người dân trên địa bàn tỉnh tập trung thu hoạch với hy vọng bán được giá cao.
Nghề nuôi cá lồng vốn phát triển mạnh trên các tuyến sông Đà, sông Lô và sông Bứa. Năm 2020, toàn tỉnh có trên 1.700 lồng cá với tổng sản ước đạt trên 4,9 nghìn tấn, chiếm 12,1% tổng sản lượng thủy sản toàn tỉnh. Tuy nhiên, vài năm gần đây, nhất là năm nay do sự biến đổi khí hậu đã gây ra hiện tượng lũ lụt vào mùa mưa và mực nước sông xuống thấp vào mùa khô khiến hoạt động nuôi cá lồng trên sông của người dân bị ảnh hưởng, thậm chí lao đao. Chính vì vậy, việc chuyển đổi môi trường và cách thức nuôi cá lồng, khai thác diện tích mặt nước trên các lòng hồ, đập là việc làm cần thiết nhằm góp phần tạo hướng đi bền vững cho nghề nuôi cá lồng.
Đến những địa phương ở vùng đất giữa, chúng tôi được biết, trước đây người dân thu nhập chủ yếu dựa vào cây lúa nhưng có năm mưa to, bão lớn, nước dâng cao thì lại mất trắng. Nhằm biến khó khăn thành lợi thế, từ nguồn nước dồi dào trên những cánh đồng chiêm trũng, những năm gần đây, người dân kết hợp sản xuất một vụ lúa, một vụ cá, nhiều hộ đã thoát nghèo, làm giàu từ hình thức sản xuất này.
Bắt đầu từ cuối tháng 11 dương lịch, người dân xã Sơn Thủy, huyện Thanh Thủy bận rộn chuẩn bị, xô, chậu, chài lười và tất bật liên hệ với các thương lái sẵn sàng cho vụ thu hoạch cá cuối năm. Ông Hoàng Minh Tiến - Trưởng làng nghề sản xuất và dịch vụ thủy sản Thủy Trạm cho biết: “Từ nhiều năm nay, thủy sản đã trở thành hướng phát triển kinh tế mũi nhọn ở xã, người dân chủ động đầu tư vốn, cơ sở hạ tầng để nuôi cá thương phẩm. Thay vì sử dụng phương pháp nuôi truyền thống, nhiều hộ đã chuyển sang nuôi thâm canh, bán thâm canh kết hợp sử dụng các thiết bị phụ trợ như máy bơm, quạt nước để tăng ôxy trong ao và sử dụng thức ăn công nghiệp góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế. Ở Sơn Thủy, toàn xã có gần 500 hộ vừa kết hợp sản xuất cá giống, vừa nuôi cá thương phẩm với tổng diện tích 150ha. Hộ ít thì 3 đến 4 sào, hộ nhiều lên đến cả chục mẫu, cho thu lãi từ chục triệu đến hàng trăm triệu đồng”.
Niềm vui của người nuôi thủy sản cũng là tín hiệu mừng cho sự phát triển của ngành thủy sản. Ông Nguyễn Thanh Tùng - Chi cục trưởng Chi cục thủy sản cho biết: “Thời gian tới, Chi cục sẽ tham mưu với Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo các huyện, thành, thị quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung; hướng dẫn người dân lựa chọn các đối tượng giống nuôi phù hợp, cho hiệu quả kinh tế cao; tiếp tục nhân rộng, phát triển mô hình nuôi ‘‘sông trong ao” và các mô hình nuôi cá ứng dụng công nghệ cao tại các địa phương; tích cực hướng dẫn người dân áp dụng các quy trình kỹ thuật thâm canh đảm bảo an toàn thực phẩm gắn với xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu sản phẩm để tăng sức cạnh tranh, hướng tới xây dựng thị trường tiêu thụ ổn định”.
Hà Nhung
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.