Nguồn tin: Báo Ninh Thuận, 04/03/2021
Ngày cập nhật:
8/3/2021
Nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi, sản xuất tôm giống ở tỉnh Ninh Thuận phát triển mạnh, tạo nên uy tín và danh tiếng được cả nước biết đến. Từ lợi thế này, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025, xác định rõ một trong những nhiệm vụ trọng tâm về thủy sản là tiếp tục xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm sản xuất tôm giống có chất lượng cao của cả nước.
Tăng sản lượng giống thủy sản
Chúng tôi còn nhớ trong những tháng đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 đã làm hạn chế việc vận chuyển, lưu thông con giống đi các vùng miền cả nước, đặc biệt là các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, kết hợp nguồn tôm mẹ thẻ chân trắng khan hiếm (do các nước cung cấp có dịch), nên hoạt động sản xuất tôm giống trên địa bàn tỉnh cũng chững lại. Dù vậy, sau khi nới lỏng giãn cách xã hội, giá tôm thương phẩm có xu hướng tăng dần đã khuyến khích người dân thả nuôi, đặc biệt trong giai đoạn từ giữa tháng 4 và tháng 5-2020, nhu cầu con giống tăng cao dần cho đến cuối năm. Nếu cuối tháng 6, sản lượng tôm giống toàn tỉnh đạt 21,013 tỷ con (4,6 tỷ giống tôm sú và 16,413 tỷ giống tôm thẻ) thì kết thúc năm 2020, sản lượng tôm giống đã là 42,684 tỷ con, vượt 18,6% kế hoạch và tăng 23,8% so với năm 2019, trong đó có 8 tỷ giống tôm sú và 34,684 tỷ giống tôm thẻ.
Trung tâm giống thủy sản cấp I xã An Hải (Ninh Phước) nuôi hàu đạt chất lượng cao. Ảnh: V.Nỷ
Theo đồng chí Nguyễn Khắc Lâm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhờ chủ động về công nghệ và nguồn giống tôm bố mẹ nhập khẩu trước thời điểm đại dịch COVID-19 của các cơ sở sản xuất, kết hợp thương hiệu tôm giống Ninh Thuận, nên được các vùng nuôi tôm trong cả nước đặt hàng với lượng giống cao nhất từ trước đến nay. Không chỉ cung cấp cho ngoại tỉnh, sản lượng tôm giống tăng góp phần kích thích hoạt động nuôi tôm thương phẩm trong tỉnh, dù tôm nuôi giảm hơn năm ngoái nhưng lại vượt 37,7% diện tích và 1,1% sản lượng so với kế hoạch năm. Thành quả trên cho thấy sự chịu đựng và khả năng thích nghi kịp thời vượt qua trở ngại của các doanh nghiệp (DN) sản xuất tôm giống hàng đầu trong tỉnh. Điển hình Công ty CP Đầu tư S6, sau nới lỏng giãn cách xã hội, kể từ ngày 19-5 đã nhập về 1.004 con tôm bố mẹ từ Mỹ, khẩn trương khôi phục sản xuất và đã có đơn đặt hàng lại. Xác định COVID-19 còn kéo dài, Ban Giám đốc S6 đưa ra định hướng dùng công nghệ thông tin (điện thoại, laptop, internet…) để liên hệ khách hàng, nhận đơn đặt hàng và cung cấp con giống cho phù hợp.
Thu hút đầu tư sản xuất tôm giống
Theo Chi cục TS tỉnh, toàn tỉnh hiện có khoảng 450 cơ sở sản xuất tôm giống với tổng thể tích bể ương trên 140.000 m3, gồm 2 khu sản xuất giống thủy sản tập trung có diện tích 225 ha, trong đó tại xã An Hải (Ninh Phước) có 125 ha và xã Nhơn Hải (Ninh Hải) có 100 ha. Để phát huy thế mạnh về sản xuất giống TS, tỉnh ta đặt mục tiêu đến năm 2025, sản lượng sản xuất đạt 41 tỷ con tôm giống/năm. Tiềm lực là vậy, nhưng theo anh Lê Văn Quê (Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư S6), Chủ tịch Hiệp hội Giống TS tỉnh, lĩnh vực sản xuất giống TS ở tỉnh ta vẫn còn một số vấn đề đáng trăn trở, mà trước hết là việc quy hoạch 2 trung tâm sản xuất giống TS của tỉnh. Cụ thể như Trung tâm giống TS tập trung An Hải, vì hiện nay chỉ có kênh thu gom nước thải chưa xử lý, anh Quê đề xuất chỉnh trang lại hệ thống xử lý nước thải ở đây trước khi đưa ra biển. Đối với Trung tâm xuất tôm giống TS tập trung Nhơn Hải, anh kiến nghị tỉnh cần quan tâm đẩy mạnh quy hoạch xây dựng lại hạ tầng kỹ thuật như: điện, nước ngọt, đường nội bộ. Hiện tại do chưa có quy hoạch, các DN tự phát mua đất xây dựng trại manh mún, xả nước thải sản xuất gây ô nhiễm môi trường, thậm chí làm nhiễm mặn các vùng canh tác nông nghiệp lân cận.
Nông dân Ninh Hải đầu tư, mở rộng diện tích nuôi tôm, mang lại kinh tế cao. Ảnh: Văn Miên
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại An Hải (Ninh Phước) và Phước Dinh (Thuận Nam) năm qua có 2 DN là Công ty TNHH MOANA (sản xuất 10.400 cặp giống tôm sú bố mẹ), Công ty TNHH Việt Úc (sản xuất 7.000 cặp giống tôm thẻ bố mẹ) phục vụ ngành sản xuất tôm giống trong nước và xuất khẩu. Với việc đi đầu trong cả nước về nghiên cứu và sản xuất tôm giống bố mẹ, tỉnh ta đã được khẳng định là trung tâm sản xuất tôm giống của cả nước. Phát huy lợi thế của các DN có năng lực tài chính, áp dụng công nghệ cao trong điều hành sản xuất, năm 2021 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra chỉ tiêu sản xuất 37 tỷ con giống TS, bao gồm: 36,8 tỷ tôm giống (6,2 tỷ giống tôm sú và 30,6 tỷ giống tôm thẻ) và 200 triệu con giống TS khác.
Theo Hiệp hội Giống TS tỉnh, để tạo bứt phá mới cho sản xuất giống thủy sản, cần chú trọng thu hút thêm các tập đoàn, DN trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực công nghệ di truyền giống TS tại tỉnh ta. Bởi vì qua đầu tư phát triển đó, các DN sản xuất giống TS mới chủ động được nguồn tôm bố mẹ đầu vào, giảm rủi ro và xung đột pháp luật trong quá trình nhập khẩu từ các nước về; chủ động được kế hoạch sản xuất cũng như vụ nuôi tôm của người nuôi và bảo đảm vấn đề an ninh ngành hàng giống TS nói riêng và của ngành Nông nghiệp nói chung.
Bạch Thương
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.