• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Thừa Thiên Huế: Tái tạo, phục hồi thủy hải sản

Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế, 11/03/2021
Ngày cập nhật: 13/3/2021

Dự kiến trong năm nay, ngành nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với các đơn vị tiếp tục tổ chức thả khoảng 600 ngàn con giống tôm, cua và cá kình xuống đầm phá Tam Giang - Cầu Hai và biển nhằm bổ sung, tái tạo nguồn lợi thủy sản (NLTS).

Thả thủy sản giống xuống đầm phá Tam Giang

Theo ngư dân Trần Lực ở xã Lộc Trì (Phú Lộc), khi nhận ra NLTS cạn kiệt, ảnh hưởng đến đời sống, ngư dân bắt đầu ý thức hơn trong việc bảo tồn, tái tạo NLTS. Từ một trong số hộ chuyên khai thác thủy sản trái phép, ông Trần Lực cũng như nhiều hộ đã từ bỏ hẳn các nghề mang tính hủy diệt này.

Nhiều hộ còn tích cực tham gia cùng với chính quyền địa phương, ban ngành tổ chức tuần tra, xua đuổi, truy bắt các đối tượng vi phạm. Ngoài các biện pháp phòng chống nạn đánh bắt thủy sản trái phép, từ khi Khu Bảo vệ NLTS Hòn Voi Vũng Đèo, xã Lộc Trì thành lập, nhiều loài cá, tôm một thời gần như biến mất như chình, nâu, mú, bống thệ, tôm rảo, tôm đất… nay đã phục hồi, ngày càng sinh sôi.

Ngoài bảo tồn, bảo vệ, từ khi các hoạt động tái tạo NLTS được các cấp, ngành triển khai, góp phần rất lớn trong việc phục hồi NLTS, trong đó có nhiều loài có giá trị kinh tế. Hoạt động tái tạo NLTS còn mang tính tuyên truyền, giáo dục ngư dân ngày càng ý thức hơn trong việc bảo vệ nguồn lợi được ví như “bầu sữa” của họ.

Tiến sĩ Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh thông tin, cùng với thành lập, tái cơ cấu, bảo vệ an toàn các khu bảo vệ NLTS, việc thả giống thủy hải sản xuống biển, đầm phá nhằm tái tạo NLTS là hoạt động thường xuyên của ngành nông nghiệp. Hoạt động ý nghĩa này còn thu hút nhiều ngư dân, tổ chức chính trị, xã hội chung tay, đóng góp kinh phí mua giống thủy sản. Nguồn lợi thủy hải sản vùng lộng và đầm phá Tam Giang-Cầu Hai đang ngày càng phục hồi, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho ngư dân, một phần nhờ hoạt động thả giống, tái tạo nguồn tôm, cá trong thời gian qua.

Tính riêng năm vừa qua, Chi cục Thủy sản tỉnh phối hợp với các địa phương, ban ngành tổ chức thả giống thủy sản xuống Khu Bảo vệ NLTS Đá Miếu, Đá Dằm thuộc xã Lộc Điền; Khu Bảo vệ NLTS Hòn Voi Vũng Đèo, xã Lộc Trì và Nam Hòn Đèo, thị trấn Phú Lộc (huyện Phú Lộc) với số lượng 166 ngàn con tôm sú giống, 4.000 con cua giống. Trong đó, DA VIE/043 hỗ trợ 56 ngàn con tôm sú và 2.000 con cua, số còn lại do ngân sách Nhà nước hỗ trợ. Ngoài ra, một số cá nhân, tổ chức đã hỗ trợ kinh phí mua giống, cơ sở vật chất phục vụ thả tôm, cá vào các khu bảo vệ thủy sản. Chi hội Nghề cá Trung Hưng, xã Vinh Hưng (Phú Lộc) đã trích kinh phí từ nguồn quỹ của chi hội, mua 25 ngàn con tôm sú giống thả xuống khu bảo vệ thủy sản tại địa phương.

Đầu tháng 3 mới đây, Chi cục Thủy sản tỉnh cùng với các ban ngành, tổ chức chính trị, xã hội đã thả hơn 41 ngàn con cá giống (cá lóc, trê, trắm, cá mè...) xuống sông Hương nhằm tái tạo NLTS trên dòng sông này. Được biết, ngân sách Nhà nước hỗ trợ mua 16 ngàn con và gần 25 ngàn con giống từ nguồn kinh phí xã hội hóa của các tổ chức, doanh nghiệp, Giáo hội Phật giáo tỉnh…

Ông Nguyễn Văn Phương, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao hoạt động thả giống, tái tạo NLTS, góp phần quan trọng trong việc phục hồi hệ sinh thái, đa dạng sinh học, nguồn tôm, cá trên hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai và vùng biển lộng. Đây cũng là hoạt động được tỉnh luôn quan tâm, tạo điều kiện, hỗ trợ kinh phí cho ngành nông nghiệp mua giống thủy sản và triển khai bảo vệ bãi giống, bãi đẻ tạo môi trường sống thuận lợi, thích hợp cho các loài thủy sinh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, nguồn kinh phí phục vụ hoạt động tái tạo NLTS thời gian qua do tỉnh hỗ trợ không lớn so với nguồn lực huy động từ các tổ chức chính trị, xã hội. Lãnh đạo tỉnh mong muốn các tổ chức, cá nhân tiếp tục đồng hành, cùng chung tay với tỉnh triển khai có hiệu quả công tác bảo tồn, bảo vệ, tái tạo NLTS nhằm góp phần hình thành hệ sinh thái tự nhiên phong phú, làm sạch môi trường, mang lại lợi ích kinh tế, xã hội bền vững cho người dân.

Bài, ảnh: Hoàng Thế

Các tin mới

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang