Nguồn tin: Báo Quảng Trị, 12/03/2021
Ngày cập nhật:
14/3/2021
Tôm thẻ chân trắng là đối tượng thủy sản nuôi tương đối khó, tiềm ẩn nhiều rủi ro, đòi hỏi khắt khe về kỹ thuật. Do đó, các hộ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Quảng Trị phải đối mặt với nhiều khó khăn, phức tạp vì thời tiết bất ổn, môi trường ao nuôi bị ô nhiễm, dịch bệnh dẫn đến bấp bênh trong nuôi tôm. Những năm gần đây, ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh đã chuyển giao nhiều biện pháp kỹ thuật mới giúp người nuôi tôm giảm tối đa rủi ro do dịch bệnh, tăng hiệu quả kinh tế, trong đó hiệu quả nhất là kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng 3 giai đoạn.
Nuôi tôm thẻ chân trắng ở Hải An, Hải Lăng - Ảnh: T.A.M
Tiếp nối những kết quả đạt được của việc thực hiện mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn, năm 2020, ngành Nông nghiệp và PTNT đã xây dựng mô hình thí điểm nuôi tôm 3 giai đoạn được triển khai ở thôn Tây Tân An, xã Hải An, huyện Hải Lăng. Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị là đơn vị trực tiếp chỉ đạo mô hình đã hỗ trợ cho hộ thực hiện 50% chi phí giống và 40% chi phí thức ăn công nghiệp cho tôm. Lượng giống thả vào ao ương 400.000 tôm thẻ post 12. Hệ thống ao nuôi mô hình tôm thẻ chân trắng thâm canh 3 giai đoạn theo công nghệ biofloc được thiết kế gồm có 1 ao lắng, 1 bể ương và 2 ao nuôi. Ao lắng diện tích 300 m2 đảm bảo đủ cấp nước cho bể ương và ao nuôi trong vụ. Bể ương được làm bằng vật liệu kim loại hình tròn bên trong lót bạt có thể tích hơn 120 m3 , phần trên có mái che kiên cố, có hệ thống thổi oxy. Đáy bể ương cao ngang mực nước cao nhất của ao nuôi. Ao nuôi tôm giai đoạn 3 có diện tích 2.000 m2 , hệ thống quạt nước và thổi oxy đảm bảo.
Sau 30 ngày ương, tôm đạt trọng lượng trung bình 900 con/kg thì tiến hành san xuống giai đoạn 2 thông qua ống xả. Tôm nuôi ở giai đoạn 2 được 45 ngày trọng lượng trung bình 145 con/kg tiến hành san sang giai đoạn 3 bằng cách kéo lưới và tôm được tiếp tục nuôi cho đến khi đạt kích cỡ thu hoạch. Trong suốt quá trình nuôi sử dụng men vi sinh để phân hủy hết các chất thải, chất hữu cơ làm cho nuôi trường trong ao nuôi sạch dẫn đến tôm không bị dịch bệnh. Từ đó giảm được nhiều chi phí đầu vào trong quá trình nuôi tôm.
Mô hình nuôi tôm 3 giai đoạn đã giúp cho môi trường ao nuôi sạch hơn và thuận tiện cho việc chăm sóc, quản lý, tôm sinh trưởng tốt, hạn chế dịch bệnh trên tôm. Ông Phan Thanh Tôn, thôn Tây Tân An, xã Hải An, huyện Hải Lăng cho biết: “Nhờ áp dụng kỹ thuật nuôi tôm 3 giai đoạn nên gia đình tôi đạt hiệu quả nuôi cao hơn nhiều so với nuôi tôm trước đây. Sau 4 tháng thả nuôi, gia đình tôi đã tiến hành thu hoạch, tỉ lệ tôm sống đạt khoảng 80%, trọng lượng tôm bình quân đạt 50 con/kg, sản lượng thu được trên 5,5 tấn, với giá bán 150.000 - 160.000 đồng/kg, gia đình tôi đã thu được 850 triệu đồng, trừ các khoản chi phí còn lại lợi nhuận trên 200 triệu đồng”.
Đến nay đã khẳng định được mô hình thí điểm nuôi tôm thẻ chân trắng 3 giai đoạn thành công tốt đẹp. Người nuôi tôm đã làm chủ được các quy trình kỹ thuật nuôi, quản lý, kiểm soát tốt nguồn nước, thức ăn, quá trình phát triển của tôm. Đặc biệt người nuôi tôm tiết kiệm được ngày công lao động, làm chủ được vụ nuôi, chuẩn bị tốt cho vụ nuôi tiếp theo. Mô hình đã tạo ra sản phẩm tôm nuôi đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Thông qua mô hình giúp các hộ dân khắp nơi trong tỉnh đến tham quan học tập để có thể nhân rộng, giúp nông dân chuyển đổi sản xuất nông nghiệp, phát triển mô hình nuôi tôm thâm canh theo hướng bền vững, giảm thiểu rủi ro và tăng hiệu quả kinh tế. Phó Chủ tịch UBND xã Hải An, huyện Hải Lăng Nguyễn Công Tuấn cho biết: “Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông về kinh phí cũng như kỹ thuật trong nuôi tôm thẻ chân trắng 3 giai đoạn, xã rất quan tâm phối hợp chỉ đạo thực hiện. Mô hình đã thành công tốt đẹp. Thời gian tới, xã tăng cường công tác tuyên truyền vận động những hộ trong xã có quỹ đất thực hiện nhân rộng mô hình để thúc đẩy nghề nuôi tôm trên địa bàn phát triển bền vững”.
Hiện toàn tỉnh có tổng diện tích nuôi tôm hơn 1.000 ha, trong đó diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng trên 650 ha. Với phương pháp nuôi tôm 3 giai đoạn giải quyết cơ bản tình trạng ô nhiễm nguồn nước nuôi, hạn chế đến mức thấp nhất dịch bệnh trên tôm là một lợi thế để nuôi tôm thẻ chân trắng mang lại hiệu quả cao. Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị Trần Cẩn cho biết: “Trung tâm thường xuyên xây dựng các mô hình thí điểm về ứng dụng các kỹ thuật mới vào nuôi trồng thủy sản, trong đó có tôm thẻ chân trắng nhằm tìm ra giải pháp kỹ thuật tối ưu để áp dụng nhân rộng trong sản xuất nuôi trồng thủy sản, giúp hạn chế tối đa dịch bệnh, bảo vệ môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng 3 giai đoạn đã khẳng định được tính hiệu quả cao, cần nhân ra diện rộng để phát triển mạnh hơn nuôi tôm trên cát, nâng cao giá trị sản xuất và khai thác tốt thế mạnh vùng cát ven biển của tỉnh”.
Trong chiến lược phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh từ nay đến năm 2025, con tôm là một trong hai đối tượng con nuôi được tỉnh quan tâm hỗ trợ đầu tư, ưu tiên phát triển. Vì vậy, việc ứng dụng các mô hình công nghệ cao nói chung và nuôi tôm thẻ chân trắng 3 giai đoạn theo công nghệ biofloc nói riêng sẽ tạo ra được giá trị sản xuất cao trong nuôi tôm nhờ quản lý tốt dịch bệnh, tiết kiệm chi phí, không gây ô nhiễm môi trường. Nhân rộng mô hình này giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên vùng cát có hiệu quả, góp phần tăng thu nhập và làm giàu cho hộ gia đình, thực hiện thành công mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới.
Trần Anh Minh
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.