Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Tiền Giang, 24/03/2021
Ngày cập nhật:
28/3/2021
Cụ thể hóa mục tiêu tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, huyện Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) chú trọng khai thác tốt tiềm năng mặt nước đưa vào nuôi thủy sản nước ngọt, đa dạng hóa mô hình nuôi, đưa thêm nhiều giống thủy sản có giá trị vào nuôi đại trà, giúp nông dân tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống. Trong năm 2021, địa phương đưa 563 ha mặt nước vào nuôi thủy sản, sản lượng thu hoạch đạt trên 28.700 tấn phục vụ tiêu dùng và chế biến xuất khẩu.
Nằm trong vùng kiểm soát lũ phía Tây tỉnh Tiền Giang, huyện Cai Lậy có mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, nhiều cù lao, cồn bãi trên sông Tiền …là điều kiện thuận lợi để địa phương khuếch trương thế mạnh về nuôi thủy sản nước ngọt. Đặc biệt, hai xã cù lao nằm giữa sông Tiền là Tân Phong và Ngũ Hiệp còn có tiềm năng lớn về nuôi cá lồng bè, nuôi cá tra và cá da trơn bãi bồi phục vụ xuất khẩu. Thời gian qua, được sự khuyến khích và hỗ trợ của Nhà nước, nghề nuôi thủy sản nước ngọt phát triển khá mạnh ở huyện Cai Lậy. Qua đó, đã định hình những vùng nuôi thủy sản tập trung như: Ương dưỡng cá giống ở khu vực các xã ven Đồng Tháp Mười, nuôi cá tra và cá da trơn bãi bồi trên cù lao Tân Phong, nuôi cá lồng bè ở cù lao Ngũ Hiệp,…
Tại xã Tân Phong, diện tích bãi bồi đưa vào nuôi cá tra lên đến 55 ha, sản lượng hàng năm đạt hàng chục ngàn tấn cá nguyên liệu đáp ứng nhu cầu của ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu. Gần đây, nhiều đối tượng mới được đưa vào cơ cấu nuôi thủy sản như: Lươn, ếch, ba ba,… cũng giúp địa phương đa dạng hóa mô hình và cơ cấu giống thủy sản, giúp nâng cao thu nhập cho nông dân.
Điển hình như nghề nuôi lươn ở xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy. Tại đây, hộ dân nuôi lươn thịt và sản xuất lươn giống, áp dụng những tiến bộ kỹ thuật để đạt năng suất cao, chất lượng tốt đáp ứng nhu cầu thị trường. Người đi tiên phong nuôi lươn tại đây có ông Đặng Văn Hai cư ngụ tại ấp 9B, xã Mỹ Thành Nam. Ông nuôi lươn thịt và sản xuất, cung ứng lươn giống theo quy trình không bùn, an toàn và kết hợp lồng ghép trong mô hình VAC. Trung bình mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu lãi ròng từ 50 - 70 triệu đồng từ nuôi lươn không bùn an toàn.
Cũng tại xã Mỹ Thành Nam, nông dân Huỳnh Văn Mười, cư ngụ tại ấp 7 phát triển nuôi ếch kết hợp nuôi cá nước ngọt. Để thực hiện mô hình, ông Mười đầu tư làm hàng chục vèo nuôi ếch đặt trên mặt ao, dưới ao thả thêm các loại cá nước ngọt có giá trị như: Cá tra, cá rô phi dòng gift,…Thức ăn cho ếch rơi vãi cũng như nguồn phân ếch nuôi cá nước ngọt, góp phần giải quyết ô nhiễm môi trường. Với mô hình trên, mỗi năm ông Mười thu lãi ròng gần 200 triệu đồng. Nhờ mô hình nuôi ếch kết hợp cá nước ngọt, gia đình ông Mười khấm khá hẳn lên. Qua đó, góp thêm mô hình làm ăn hiệu quả, thúc đẩy nông dân phát huy các tiềm năng đất đai, lao động, ngành nghề để tạo dựng cơ nghiệp, ổn định cuộc sống và xây dựng nông thôn mới giàu đẹp.
Minh Trí
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.