• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Lâm Đồng: Ghi nhận từ mô hình nuôi lươn không bùn ở Cát Tiên

Nguồn tin: Báo Báo Lâm Đồng, 05/04/2021
Ngày cập nhật: 7/4/2021

Nuôi lươn không bùn nhanh cho thu hoạch, không chiếm nhiều diện tích, giúp người nuôi tiết kiệm chi phí thức ăn, thuốc thú y, phù hợp với nhu cầu tiêu thụ lươn sạch, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Hà Văn Lựu cho lươn ăn

Ông Hà Văn Lựu ở thôn Tân Xuân, xã Gia Viễn, huyện Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng) sau nhiều năm vất vả với nghề nuôi heo nhưng kinh tế gia đình không khấm khá hơn vì heo bị dịch bệnh và giá cả bấp bênh. Sau một thời gian tìm tòi học hỏi kinh nghiệm nghề nuôi lươn, năm 2020, ông Lựu quyết định đầu tư 200 triệu đồng xây dựng 14 bể và nuôi thử nghiệm 16.000 con giống lươn.

Ông Lựu cho biết: Nuôi lươn trong bể không cần bùn nên khá đơn giản. Bể nuôi có diện tích khoảng 60 m2, chiều cao từ 0,8-1m, đáy bể, thành bể phải láng và đáy nghiêng 300 về hướng cống để nước thoát ra dễ dàng; dưới đáy bể có ống thoát nước, trên có gắn đường nước vào để thuận lợi cho việc thay nước. Sau khi xây bể xong, cần vệ sinh bể sạch sẽ bằng cách bơm nước để ngâm 1 tuần, sau đó rửa sạch, xả hết nước và bơm nước mới vào. Để có chỗ trú ẩn và thả mồi cho lươn ăn, trong bể ông Lựu đặt các chùm dây nilon…

Thức ăn cho lươn là cám công nghiệp bằng viên trộn với trùn quế. Mỗi ngày cho lươn ăn hai lần, vào buổi sáng và chiều. Lươn vốn rất mẫn cảm với môi trường sống, nên phải thay nước trong bể hai lần/ngày sau khi ăn 2 - 3 giờ để giữ cho bể luôn sạch, thoáng. Ngoài ra, cũng cần thường xuyên quan tâm xử lý mầm bệnh và cung cấp thêm vitamin C, men tiêu hóa theo định kỳ 7 ngày/lần. Nước xả ra từ các bể nuôi lươn được cho xuống một cái hố ngầm để tránh gây ô nhiễm môi trường và có thể xử lý để tái sử dụng trong việc nuôi cá trê...

“Muốn lươn nhanh lớn và có tỷ lệ sống cao, khâu quan trọng nhất là phải bảo đảm nguồn con giống có xuất xứ rõ ràng, không xây xát, kích cỡ đồng đều. Tiếp đến, nguồn nước nuôi phải sạch, nếu nước bẩn lươn dễ bị mắc bệnh và kém phát triển”, ông Hà Văn Lựu chia sẻ kinh nghiệm nuôi lươn của mình.

Theo tính toán của ông Lựu, với 16.000 con giống, sau 10 tháng chăm sóc, nếu phát triển tốt, trọng lượng bình quân đạt 200 - 300 gram/con, sản lượng đạt hơn 4 tấn lươn thương phẩm; với giá bán khoảng 200.000 đồng/kg, tùy vào từng thời điểm thì sẽ đem lại thu nhập ổn định hơn so với nuôi heo như trước đây. Dù chưa xuất bán lứa nào nhưng các thương lái đã đến tận nơi đặt hàng và bao tiêu sản phẩm.

Để đảm bảo nguồn thức ăn cho lươn và có thêm thu nhập, ông đã tận dụng chuồng heo cũ với diện tích 250 m2 để nuôi trùn quế, mỗi tháng thu hoạch 2 lần, sản lượng đạt hơn 2 tấn; ngoài việc dùng trùn quế làm thức ăn cho lươn, số còn lại ông bán cho người dân trong vùng với giá mỗi kg 50.000 đồng. Bên cạnh đó, ông còn khai thác và bán phân trùn (hữu cơ) với sản lượng hàng năm gần 100 tấn, tổng giá trị thu về gần 300 triệu đồng.

Ông lựu cho biết, trong thời điểm này, ông còn nhập thêm 24.000 con lươn giống về thả nuôi để có thu hoạch gối đầu và tiếp tục nghiên cứu, đầu tư xây dựng các bể, mua con giống tiến hành nuôi cả lươn giống và lươn thương phẩm bằng mô hình nuôi lươn không bùn này.

“Nuôi lươn vốn đầu tư không cao, tận dụng tối ưu diện tích quanh vườn, nên thời gian tới gia đình tôi sẽ mở rộng quy mô lên thêm 12 bể nuôi và mong muốn nhân rộng mô hình, thành lập hợp tác xã để vươn xa ra thị trường ngoài tỉnh. Đoàn viên, thanh niên, người dân trong và ngoài xã có nhu cầu tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi lươn, tôi sẵn sàng hỗ trợ” - ông Lựu cho biết thêm.

Thành công của ông Hà Văn Lựu không những tạo nguồn thu nhập hiệu quả cho gia đình mà còn mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế, khích lệ tinh thần ham học hỏi đối với nhiều người dân, đoàn viên, thanh niên trong và ngoài xã Gia Viễn; qua đó, góp phần vào việc xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế ở địa phương.

THÚY NGÀ

Các tin mới

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang