• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Có còn cơ hội nào cho nuôi tôm thẻ ao đất?

Nguồn tin: Báo Sóc Trăng, 05/04/2021
Ngày cập nhật: 8/4/2021

Trong khi nuôi tôm thẻ bằng ao lót bạt đáy, ao tròn nổi theo mô hình siêu thâm canh, thâm canh ứng dụng công nghệ cao… đang ngày càng khẳng định tính hiệu quả và trở thành xu thế phát triển chung hiện nay, thì không ít người băn khoăn đặt ra câu hỏi: “Liệu với xu thế phát triển chung đó, nghề nuôi tôm thẻ bằng ao đất có còn cơ hội”?

Câu trả lời của thạc sĩ Huỳnh Hàn Châu (chủ trang trại nuôi tôm Huỳnh Hàn Châu ở huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) là vẫn có và người nuôi có thể duy trì được mô hình này với điều kiện đừng cố gắng nuôi về kích cỡ lớn mà chỉ nên tập trung cho phân khúc thị trường tôm cỡ nhỏ để việc tiêu thụ được dễ dàng. Riêng về vấn đề kỹ thuật, người nuôi cần căn cứ tình hình thực tế về ao nuôi, năng lực quản lý, vận hành khu nuôi của mình để đưa ra quyết định nuôi một cách đúng đắn và hiệu quả nhất.

Còn theo kinh nghiệm hơn 20 năm nuôi tôm của ông Nguyễn Văn Khởi – Phó Giám đốc Hợp tác xã Artemia Vĩnh Châu, để nuôi tôm thẻ ao đất thành công, điều quan trọng là phải nuôi thưa, nuôi 1 vụ; phải biết làm môi trường nước và đừng bao giờ quên vai trò của cá rô phi.

Mô hình nuôi tôm thẻ ao đất vẫn còn cơ hội thành công nếu người nuôi biết chọn mô hình và cách làm phù hợp. Ảnh: TÍCH CHU

“Tôi nuôi tôm thẻ ao đất 3 giai đoạn trúng liên tục 6 năm nay với một quy tắc chung là đến giai đoạn cuối, mật độ chỉ còn 30 con/m2. Riêng khách hàng của tôi năm ngoái thả 100.000 post của Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam (gọi tắt là C.P), nuôi về size 30 - 31 con/kg bán 802 triệu đồng trong khi chi phí thức ăn, chế phẩm… chỉ 300 triệu đồng” - ông Khởi mở đầu câu chuyện nuôi tôm thẻ ao đất với chúng tôi bằng một minh chứng hết sức thuyết phục. Tuy nhiên, theo ông Khởi, dù có đến 20 năm trong nghề nuôi tôm, nhưng 2 năm đầu chuyển qua nuôi thẻ ông đều thất bại mà nguyên nhân “thất bại khó tin” theo ông là do quá chú trọng đến kỹ thuật, công nghệ… nhưng lại quên đi điều kiện thực tế của mình. Ông Khởi giải thích về nguyên nhân “thất bại khó tin” của mình: “Nói chung là lúc đó mình quá đam mê, quá chú trọng kỹ thuật nên thấy cái gì mới là làm theo nhưng vẫn không thành công. Tuy nhiên, từ một sự tình cờ giúp tôi có được thành công và đúc kết thành kinh nghiệm, mô hình nuôi cho riêng mình”.

Nhắc đến sự tình cờ giúp ông thành công, ông Khởi kể: “Năm đó, hai ao nuôi tôm, một ao thả 150.000 post, ao kia thả 200.000 post. Sau 25 ngày, ao thả 200.000 post bị thiệt hại, ao kia thì vẫn còn. Tôi bèn diệt giáp xác ao thiệt hại xong cho cá rô phi vào nuôi, đến 2 tháng sau thì tôi san tôm từ ao 150.000 post qua ao đã thiệt hại, kết quả lúc thu hoạch tôi bán được hơn 1 tỉ đồng, nhờ tôm có giá. Trừ hết chi phí kể cả của ao nuôi thiệt hại tôi giật mình vì nó chưa tới 400 triệu đồng. Từ đó, tôi rút ra kinh nghiệm rằng, có cái dễ trước mắt tại sao mình không làm mà lại đi làm những mô hình công nghệ khác tốn kém nhưng lại không phù hợp. 3 năm trước đây, tôi đều thành công với con tôm thẻ nuôi ao đất dù kích cỡ tôm cao nhất cũng chỉ đạt 27 con/kg, còn lại chủ yếu từ 30 – 40 con/kg nhờ nuôi 3 giai đoạn. Đơn cử như ao cuối cùng của năm 2020, tôi thả 250.000 post của C.P có khuyến mãi 30%, nên 5 - 6 ao còn lại tôi không thả mà để dành san thưa từ ao đầu”.

Đến thời điểm này, ông Khởi vẫn khẳng định với người viết rằng tôm thẻ nuôi ao đất cũng không quá khó và kết quả gần nhất là ở vụ nuôi năm 2020, tất cả ao nuôi thả bằng giống Công ty C.P của ông đều không bị thiệt hại ao nào hết. Thậm chí có ao từ lúc nuôi tôm thẻ đến giờ qua 6 vụ liên tục chưa bao giờ bị thiệt hại. Theo ông Khởi, nuôi tôm thẻ ao đất cỡ tôm thu hoạch lớn nhất bình quân chỉ từ 40 - 50 con/kg, rất hiếm khi nuôi được về cỡ 30 con/kg. Kinh nghiệm của ông là phải chọn được con giống tốt, chỉ nuôi 1 vụ, cho đất nghỉ 8 tháng, nước chỉ lấy vào 1 lần duy nhất và nuôi nước từ 3 - 4 tháng với cá rô phi. “Tôi khẳng định, nếu không có cá rô phi sẽ không nuôi được tôm thẻ bằng ao đất. Với người khác thì tôi không biết, chứ với tôi bây giờ nuôi tôm thẻ ao đất còn dễ hơn là nuôi tôm sú nữa, vấn đề là môi trường nước và đáy ao nuôi phải phù hợp, phải biết làm môi trường thì mới nuôi thành công được” – ông Khởi chia sẻ thêm.

Tuy đã nuôi thành công tôm thẻ ao đất nhiều năm nay, nhưng ông Khởi vẫn còn không ít băn khoăn vì dù có kiến thức chuyên môn nhưng ông vẫn không thể giải thích được là ao nuôi nếu đụng đến lớp bùn đáy ao (cải tạo ao) là không thể nuôi được? Ông Khởi dẫn chứng: “Hiện tôi có ao nuôi 8 vụ vẫn còn để nguyên hiện trạng, lớp bùn đã dày lên nhưng nuôi vẫn tốt. Còn cỏ trên bờ tôi sử dụng máy cắt chứ không phun thuốc diệt cỏ. Tôi cũng đã có thử cải tạo đáy ao sạch sẽ nhưng sau đó nuôi không thành công, nên cứ để vậy nuôi cho đến khi nào có vụ bị hư thì mới tiến hành cải tạo ao. Hiện đáy ao nuôi của tôi nhìn như một quần đảo chứ không hề bằng phẳng như của người ta”.

Khi chúng tôi đặt vấn đề về vai trò của cá rô phi, ông Khởi nói chắc nịch: “Đến giờ này tôi vẫn khẳng định con cá rô phi là tuyệt vời nhất đối với nghề nuôi tôm, vì nó tạo hệ vi sinh vật có ích rất lớn đủ sức để cạnh tranh với những vi khuẩn có hại. Hay nói cách khác là dùng vi sinh để cạnh tranh vi sinh. Tôi chỉ sử dụng iodine để diệt giáp xác, còn lại chỉ sử dụng toàn bộ vi sinh chứ không sử dụng hóa chất gì hết, kể cả chlorin. Theo kinh nghiệm của tôi, điều quan trọng là quản lý tốt các khâu cho ăn, tảo, môi trường… Với cách nuôi này, năm ngoái tôi lời khoảng 2 tỉ đồng. Hiện tôi đang tìm thuê thêm 1 - 2 lô đất và tuyển thêm lao động để mở rộng diện tích nuôi”.

Như vậy có thể thấy, dù xu thế tiến lên mô hình nuôi ao bạt đáy hay ao tròn nổi 2 - 3 giai đoạn, nuôi ứng dụng công nghệ cao… tới đây sẽ là mô hình nuôi phổ biến, nhưng người nuôi tôm thẻ ao đất vẫn còn đó cơ hội cho riêng mình nếu biết chọn cách làm và mô hình phù hợp, mà ông Khởi là một trong những điển hình.

TÍCH CHU

Các tin mới

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang