Nguồn tin: Báo Cà Mau, 07/04/2021
Ngày cập nhật:
9/4/2021
Theo báo cáo mới nhất chiều ngày 7/4 của Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, về kết quả xét nghiệm trên mẫu cua chết từ kết quả khảo sát và thu mẫu phân tích mẫu cua bệnh tại các huyện trong tỉnh Cà Mau (Ngọc Hiển, Năm Căn, Phú Tân, Đầm Dơi), của Phòng thí nghiệm Phân viện Nghiên cứu Thuỷ sản Nam Sông Hậu, cua bị nhiễm giáp xác chân tơ với tỷ lệ rất cao (88,9%), cường độ nhiễm từ 1-8 ký sinh/cua. (8/9 mẫu có giáp xác chân tơ).
Cua bị nhiễm giáp xác chân tơ với tỷ lệ rất cao (88,9%), cường độ nhiễm từ 1 - 8 ký sinh/cua. Ảnh giáp xác chân tơ trưởng thành từ mẫu cua chết tại huyện Ngọc Hiển.
Những cá thể cua chưa có dấu hiệu đen mang và ốp thân thì cường độ nhiễm giáp xác chân tơ trưởng thành thấp (1 - 2 ký sinh/cua).
Đặc biệt ở những cá thể cua bệnh với màu sắc sẫm màu, các dấu hiệu rũ chân, ốp thân, đen mang, cường độ nhiễm ký sinh giáp xác chân tơ lên đến 8 ký sinh trưởng thành, có mang túi trứng và ấu trùng Cypris/cua.
Giáp xác chân tơ trưởng thành tìm thấy trong các mẫu khảo sát có kích thước dài nhất là 30 cm, con nhỏ nhất là 1,5 cm. Quan sát mật độ ấu trùng Cypris trong túi trứng của giáp xác chân tơ trưởng thành trong xoang thân của cua cho thấy có trung bình 424.000 ấu trùng/giáp xác chân tơ.
Theo kết quả ghi nhận từ Phòng thí nghiệm Phân Viện Nghiên cứu Thuỷ sản Nam Sông Hậu: Giáp xác chân tơ (Sacculina sp) cư trú trong xoang thân của cua. Trải qua quá trình trưởng thành và sinh sản, ký sinh mang trứng trong túi và trứng trải qua các giai đoạn phát triển trong túi trứng và biến thái đến giai đoạn ấu trùng cypris thì ấu trùng cypris có thể phân tán ra bên ngoài và tìm ký chủ mới xâm nhập.
Từ kết quả phân tích mẫu cua bệnh tại Cà Mau cũng như tham khảo kết quả được công bố từ những nghiên cứu trong và ngoài nước, bước đầu đã đánh giá được sự nguy hiểm cũng như mức độ ảnh hưởng của ký sinh giáp xác chân tơ đến sức khoẻ của cua nuôi tại các huyện trong tỉnh Cà Mau.
Kết quả khảo sát phân tích cho thấy ký sinh này nhiễm cao trong quần đàn cua nuôi (88,9%), chúng có thể phá huỷ quần đàn cua nuôi về số lượng cũng như chất lượng sản phẩm. Do vậy, hiện nay cần có nghiên cứu sâu trên đối tượng này để tìm giải pháp khắc phục kịp thời cho vùng nuôi cua trong tỉnh Cà Mau.
Hình ảnh giáp xác chân tơ trưởng thành gây hại trên cua tại các huyện.
Qua các đợt khảo sát, chưa phát hiện cá, ghẹ, ba khía, còng, chết trong vuông nuôi. Ghẹ, ba khía, còng cũng là giáp xác, sống cùng môi trường trong ao nuôi cua, vì thế cần tiếp tục mở rộng đối tượng thu mẫu trên các con này, để phân tích xét nghiệm và nghiên cứu thêm, nhằm đưa ra giải pháp hiệu quả phòng bệnh do ký sinh giáp xác chân tơ gây ra.
Về phân tích mẫu nước, qua 2 đợt thu mẫu nước của Phân viện Nghiên cứu Thuỷ sản Nam Sông Hậu và Trung tâm quan trắc cảnh báo môi trường thuộc Viện Nghiên cứu Thuỷ sản II (phối hợp với Chi cục Thuỷ sản Cà Mau), kết quả các yếu tố môi trường trong giới hạn cho phép, riêng chỉ có mật độ vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus tổng số tăng hơn giới hạn cho phép từ 1-3 lần ở đáy vuông nuôi.
Đối với mật độ vi khuẩn này cũng chưa phải là nguyên nhân chính gây hại cho động vật nuôi (có bảng kèm theo).
Về kết quả thu mẫu trên tôm nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến tại các huyện: Phú Tân, Năm Căn, Đầm Dơi và Ngọc Hiển; có 6/17 mẫu bị nhiễm bệnh đốm trắng, còn lại âm tính.
Qua kết quả này cho thấy mầm bệnh trên tôm nuôi còn tồn lưu trong môi trường vuông nuôi ở nhiều nơi, với tỷ lệ lưu hành tác nhân gây bệnh khác nhau ở từng nơi, từng thời điểm khác nhau.
Trước tình hình trên, Sở NN&PTNT khuyến cáo người dân cần phải thu hoạch ngay lượng cua còn lại trong vuông nuôi để hạn chế thiệt hại do dịch bệnh. Không nên thả thêm giống vào vuông nuôi để cắt vụ nuôi và cải tạo vuông nuôi.
Cải tạo lại vuông nuôi bằng cách xả cạn nước, phơi nắng từ 3 - 5 ngày và dùng vôi nóng xử lý nước, cải tạo vuông với số lượng vôi 400 - 500 kg/ ha.
Lưu ý, quan tâm đến nước trong kênh, mương để xử lý ký sinh trùng, giáp xác, vi khuẩn... diệt mầm bệnh. Những vuông nuôi có rừng cần vệ sinh rừng, thu gom lá cây đước còn tồn đọng ở kênh, mương, để lâu ngày chúng phân hủy sinh ra khí độc, tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển, ảnh hưởng đến đối tượng nuôi.
Những nơi lấy nước vào vuông nuôi bằng máy bơm cần có túi lọc để loại bỏ ấu trùng giáp xác gây hại cho động vật nuôi. Nếu có điều kiện thì xử lý, diệt mầm bệnh trong nguồn nước và gây màu nước trước khi thả giống.
Chọn con giống khoẻ mạnh được ương dưỡng có kích cỡ tương đối lớn hoặc xét nghiệm con giống sạch bệnh trước khi thả nuôi. Thả giống với mật độ vừa phải, không nên thả quá nhiều giống do không đủ thức ăn tự nhiên làm tôm, cua chậm lớn, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của đối tượng nuôi, đặc biệt làm tăng chi phí cho sản xuất; nuôi quảng canh kết hợp, tôm từ 1- 3 con/m2, cua từ 0,1- 0,2 con/m2.
Định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học cho vuông nuôi để tạo điều kiện cho hệ thức ăn tự nhiên, vi sinh vật có lợi phát triển làm thức ăn cho tôm, cua, ổn định môi trường nuôi.
Khi phát hiện tôm, cua chết, nên thu gom lên bờ chôn, xử lý bằng vôi nóng hoặc chlorine tránh để phát tán mầm bệnh lây lan cho khu vực xung quanh. Thường xuyên theo dõi, quan sát thuỷ sản nuôi, nếu phát hiện có dấu hiệu bất thường hoặc chết, cần báo ngay cho cơ quan quản lý nuôi trồng thuỷ sản hoặc thú y địa phương để phối hợp xử lý. Đồng thời tiếp tục thực hiện theo khuyến cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Báo cáo số 301/BC-SNN ngày 24/3/2021./.
Hoàng Diệu
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.