Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Tiền Giang, 14/04/2021
Ngày cập nhật:
15/4/2021
Tỉnh Tiền Giang chú trọng tận dụng lợi thế mặt nước đưa vào nuôi các loại thủy sản có giá trị tiêu dùng và xuất khẩu nhằm khai thác tốt tiềm năng kinh tế tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long có mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã thả nuôi gần 10.400 ha thủy sản, đạt 65,5% chỉ tiêu cả năm và tăng hơn 0,9% so cùng kỳ năm trước. Đến đầu tháng 4/2021, nông dân địa phương đã thu hoạch được gần 35.000 tấn tôm cá các loại, đạt gần 22% chỉ tiêu cả năm và tăng hơn 6% so cùng kỳ năm trước. Nhìn chung, trong các tháng đầu năm 2021, ngành nuôi thủy sản tiếp tục phát triển khá thuận lợi, các loại thủy sản nuôi chủ lực của tỉnh như: Tôm, nghêu, cá các loại có đầu ra ổn định, người nuôi có lời...
Bên cạnh đó, việc khai thác tiềm năng mặt nước đưa vào nuôi thủy sản được địa phương hết sức quan tâm và là một trong những nội dung quan trọng tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu. Tùy từng địa phương và tiểu vùng sinh thái mà lựa chọn những đối tượng thủy sản đưa vào nuôi phù hợp, mang lại hiệu quả cao. Trong đó, các huyện vùng ven biển như Gò Công Đông và Tân Phú Đông chú trọng nuôi tôm sú, tôm thẻ, nuôi nhuyễn thể hai mảnh vỏ trên hệ sinh thái mặn, lợ nhằm cung ứng ngành chế biến thủy sản xuất khẩu, giải quyết việc làm cho lao động tại địa bàn khó khăn, góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Các huyện, thị vùng kiểm soát lũ phía Tây của tỉnh, gồm: Huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành và thị xã Cai Lậy… cũng quan tâm mở rộng diện tích nuôi thủy sản nước ngọt với nhiều đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao như: Cá da trơn, tôm càng xanh, cá lóc, cá rô đồng,... cung ứng thị trường.
Để tận dụng lợi thế nuôi thủy sản, phù hợp đặc thù địa phương, tỉnh cũng đa dạng hóa các hình thức nuôi, ứng dụng khoa học, công nghệ để tăng năng suất, sản lượng và chất lượng nguồn nông sản hàng hóa thu hoạch được. Trong đó, phổ biến là nuôi trong ao đầm, nuôi lồng bè trên sông Tiền và nuôi nghêu, nhuyễn thể hai mảnh vỏ ven biển Tân Thành, Tân Điền (huyện Gò Công Đông) và Phú Tân (huyện Tân Phú Đông). Tỉnh cũng khuyến khích nông dân tại những địa bàn khó khăn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, trong đó nuôi thủy sản là một trong những định hướng quan trọng thông qua công tác chuyển giao kỹ thuật, trợ vốn ưu đãi, quy hoạch vùng sản xuất… với sự hỗ trợ của các ngành hữu quan: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân, Ngân hàng Chính sách xã hội… Nhờ vậy, đã định hình nghề ương dưỡng cá giống ở các xã vùng Đồng Tháp Mười, làng nuôi cá lồng bè ven sông Tiền, những vùng nuôi tôm xuất khẩu ở các huyện duyên hải phía Đông của tỉnh như: Gò Công Đông, Gò Công Tây, Tân Phú Đông…, thiết thực giúp nông dân phát huy tốt tiềm năng đất đai, lao động, tạo dựng cơ nghiệp vững vàng.
Huyện Gò Công Đông có diện tích hơn 20km bờ biển được xem là một trong những địa bàn trọng điểm nuôi thủy sản mặn, lợ tại tỉnh Tiền Giang. Toàn huyện có hơn 3.300 ha mặt nước đưa vào nuôi thủy sản, trong đó, có 880 ha tôm, 2.200 ha nghêu, còn lại nuôi cá các loại với sản lượng cả năm đạt gần 20.500 tấn. Huyện Gò Công Đông định hướng đa dạng hóa đối tượng và phương thức nuôi đáp ứng nhu cầu thị trường, giảm thiểu rủi ro. Ngoài các đối tượng chủ lực như nghêu, tôm còn có các đối tượng nuôi truyền thống như cá rô phi, cá tra giống… Kinh tế thủy sản nói chung, nuôi thủy sản mặn, lợ nói riêng đóng góp rất lớn vào phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân miền biển, giúp xây dựng nông thôn mới thành công. Trong năm 2020, huyện Gò Công Đông đã có 100% số xã đạt chuẩn và ra mắt xã nông thôn mới, đồng thời huyện cũng được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh.
Huyện Cai Lậy nằm trong vùng kiểm soát lũ phía Tây đa dạng hóa hình thức nuôi thủy sản ngọt với các đối tượng có giá trị kinh tế cao: Cá da trơn, cá điêu hồng, cá trê lai… Nhiều phương thức nuôi như: Nuôi trên ruộng lúa, trong ao mương, nuôi lồng bè trên sông Tiền,… Diện tích mặt nước nuôi thủy sản toàn huyện đạt gần 1.000 ha chưa kể hàng trăm lồng bè nuôi cá nước ngọt trên sông Tiền. Trung bình mỗi năm, huyện đạt sản lượng cá nuôi từ 28.000 - 30.000 tấn sản phẩm. Nhiều nông dân nhờ nuôi thủy sản làm giàu thông qua những mô hình sáng tạo, hiệu quả.
Điển hình như ông Nguyễn Văn Đực Nhỏ, sinh năm 1964, cư ngụ tại ấp Mỹ An, phường Nhị Mỹ, thị xã Cai Lậy với mô hình ương dưỡng cá giống phục vụ nhu cầu nuôi thủy sản trong nhân dân. Gia đình ông có 4.000m2 diện tích đất canh tác trước đây trồng lúa, thu nhập bấp bênh. Nhận thấy cơ hội chuyển đổi sản xuất, đồng thời được Trạm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp thị xã Cai Lậy tập huấn chuyển giao kỹ thuật nuôi thủy sản, ông đầu tư làm ao mương phục vụ mục đích ương dưỡng, cung ứng con giống cá trê vàng lai. Với mô hình sản xuất mới, mỗi năm ông Nhỏ xuất bán 03 đợt cá giống, thu 210 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi ròng 110 triệu đồng. Từ chỗ kinh tế khó khăn, ông đã được công nhận là nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi tiêu biểu của địa phương.
Hiện nay, nghề ương dưỡng cá giống đang thịnh hành ở các huyện vùng kiểm soát lũ phía Tây như: Cai Lậy, Cái Bè, Tân Phước chuyên cung ứng con giống chất lượng như: Cá tra, cá rô đồng, cá trê lai, cá mè, cá chép…, phục vụ cho nhu cầu nuôi thủy sản nước ngọt trong và ngoài tỉnh.
Mộng Tuyết
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.