Nguồn tin: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, 23/04/2021
Ngày cập nhật:
26/4/2021
Nuôi trồng thủy sản bền vững được xem là giải pháp để giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn nguyên liệu cho xuất khẩu và quan trọng hơn, tạo sinh kế bền vững cho người dân.
Nuôi tôm sú tại hộ ông Lê Trọng Nghĩa (ấp An Hải, xã Lộc An, huyện Đất Đỏ). Ảnh: Đông Hiếu
TĂNG CƯỜNG ÁP DỤNG KHCN
Với khoảng 6.300ha diện tích nuôi trồng thủy sản, thời gian qua, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành các chủ trương, chính sách phát triển nghề nuôi thủy sản, trong đó khuyến khích người dân chủ động ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất. Đến nay, diện tích nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao chiếm tỷ lệ khoảng 5,6% so với tổng quy mô nuôi trên địa bàn tỉnh.
Đối với nuôi thủy sản lồng bè, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 500 cơ sở với sản lượng hàng năm hơn 1.500 tấn, chủ yếu ở hai địa phương là TP. Vũng Tàu và TX. Phú Mỹ. Người nuôi cũng tăng cường áp dụng, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nuôi trồng như hệ thống cho ăn tự động, quan trắc môi trường tự động, đầu tư hệ thống lồng nuôi hiện đại theo công nghệ nuôi biển chịu được sóng to gió lớn, hệ thống sục khí oxy tự động… Một trong những nước mà người nuôi thủy sản lồng bè đang học tập là Na Uy, nơi có nghề nuôi biển phát triển vượt bậc với kinh nghiệm hàng chục năm. Đây là quốc gia sản xuất 1,3 triệu tấn cá hồi mỗi năm, chiếm hơn một nửa sản lượng của thế giới.
Thu hoạch tôm tại Liên Giang Farm, xã An Ngãi, huyện Long Điền.
Ông Phan Hoàng Sơn, chủ nuôi cá lồng bè trên sông Chà Và, xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu cho biết, ông áp dụng nuôi cá biển trong lồng tròn theo công nghệ của Na Uy hơn 3 năm nay. Ưu điểm của lồng nuôi theo công nghệ Na Uy là được sản xuất bằng chất liệu nhựa HDPE cực kỳ bền, có độ kín nước, kín hơi cao. Ngoài ra, lồng này có khả năng chống lại hóa chất cao và không bị ăn mòn, gỉ sét; đặc biệt có khả năng uốn dẻo nên dễ dàng định hình, không bị gãy khi gặp địa hình gồ ghề hay gấp khúc… Nhờ những đặc tính trên, hệ thống lồng nuôi này cho phép người nuôi đặt lồng ở những vùng biển xa bờ, nơi môi trường nước trong sạch, hạn chế được nguy cơ ô nhiễm, dịch bệnh, mang lại hiệu quả cao hơn khoảng 20% so với cách nuôi trong lồng truyền thống.
Tỉnh cũng chú trọng phát triển các vùng nuôi tôm công nghiệp ở các huyện Đất Đỏ, TP.Bà Rịa và nuôi lồng bè tại TP.Vũng Tàu, TX. Phú Mỹ. Hiện toàn tỉnh có khoảng 3.900ha mặt nước đang nuôi các loại tôm sú, tôm thẻ chân trắng. Thống kê từ Chi cục Thủy sản tỉnh cho thấy, đến nay toàn tỉnh có khoảng 18 cơ sở nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao với diện tích hơn 400ha/2.500 tấn/năm. Hình thức nuôi chủ yếu là nuôi trong ao đất lót bạt, hoặc các hồ tròn khung thép có lót bạt trong nhà màng; công nghệ nuôi tôm siêu thâm canh với mật độ nuôi 250-500 con/m2… Các cơ sở thường nuôi theo hình thức gối đầu, vì vậy một năm có thể nuôi được từ 3 đến 5 vụ. Mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đang được nhiều DN, HTX và người dân trên địa bàn tỉnh mạnh dạn đầu tư phát triển mở rộng diện tích. Tỷ lệ nuôi tôm thành công hơn 90% và hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với nuôi tôm trong ao đất.
Ông Bùi Thế Vương, xã An Ngãi, huyện Long Điền cho biết, hiện ông đang đầu tư nuôi tôm công nghệ cao trên diện tích 7ha; trong đó có 1,5ha ao nuôi chính, diện tích còn lại là ao lắng, lọc và xử lý nước thải. Theo ông Vương, với việc ứng dụng công nghệ cao, sẽ sản xuất được 3-5 vụ tôm mỗi năm, gấp đôi so với phương pháp nuôi thông thường, tỷ lệ hao hụt cũng giảm hẳn và quan trọng là hạn chế được dịch bệnh.
HƯỚNG ĐẾN PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Từ nhiều năm trước, tỉnh BR-VT đã ban hành các chủ trương, chính sách phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển, trong đó, đặc biệt chú trọng ở các vùng cửa biển và ngoài biển đảo. Những vùng này thích hợp cho việc phát triển các đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao bằng hình thức nuôi lồng bè với các đối tượng nuôi như: cá mú, cá hồng, cá bớp, cá chim, tôm hùm đá, hàu, nuôi trai lấy ngọc, sinh vật cảnh và nuôi bãi bồi nhuyễn thể hai mảnh vỏ hàu, sò huyết… UBND tỉnh BR-VT cũng đã có chủ trương cho xây dựng các trung tâm nghiên cứu, sản xuất giống thủy, hải sản nuôi biển trên địa bàn. Đồng thời tạo điều kiện để người dân đa dạng hóa đối tượng nuôi, phương thức nuôi với cơ cấu diện tích và sản lượng phù hợp, đẩy mạnh áp dụng thực hành nuôi trồng thủy sản có chứng nhận và truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm chủ lực như tôm sú, tôm thẻ chân trắng…
Hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 10 tổ chức cá nhân đã và đang triển khai sản xuất tôm giống sạch bệnh ứng dụng công nghệ cao với quy mô và quy trình hiện đại, trang trại được xây dựng và đầu tư bài bản, giống tôm bố mẹ được các chủ cơ sở nhập khẩu trực tiếp từ Singapore, Thái Lan và Mỹ về để cho sinh sản nhân tạo. Hàng năm cung cấp ra thị trương nuôi trong và ngoài tỉnh từ 4-5 tỷ con giống bảo đảm sạch bệnh.
Ông Nguyễn Hữu Thi, Trưởng phòng Nuôi trồng, Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết, phát triển ngành nuôi trồng thủy sản là định hướng chung. Tỉnh đã ban hành một số văn bản để phát triển nuôi trồng thủy sản, giảm thiểu khai thác trên biển. Ngành nuôi trồng thủy sản sẽ phát triển theo định hướng ứng dụng công nghệ cao, trước hết là ngành tôm, tiếp đó là nuôi thủy sản lồng bè ở các vùng cửa sông, nuôi hàu, tiến tới là phát triển chế biến sâu.
Việc đẩy mạnh nghề nuôi trồng tại BR-VT nhằm chủ động nguồn cung cho thị trường, cũng như nâng cao giá trị ngành thủy sản. Để đảm bảo cho mục tiêu phát triển bền vững, hiện tỉnh đang điều chỉnh quy hoạch phát triển thủy sản theo hướng siết chặt công tác quản lý, cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển; loại dần những địa điểm, vùng nuôi không đúng quy hoạch; khuyến khích các cơ sở, người nuôi sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, ứng dụng công nghệ cao để nâng cao giá trị sản phẩm, hướng đến phục vụ chế biến, xuất khẩu...
Phát triển thủy sản thành ngành kinh tế thương mại hiện đại
Ngày 11/3/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 339/QĐ-TTg, về việc phê duyệt chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản đạt từ 3,0 - 4,0%/năm; tổng sản lượng thủy sản sản xuất trong nước 9,8 triệu tấn; giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt từ 14 - 16 tỷ USD; tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và các quy chuẩn bảo vệ môi trường; tạo việc làm cho hơn 3,5 triệu lao động thủy sản, với thu nhập bình quân đầu người tương đương thu nhập bình quân chung lao động cả nước. Với tầm nhìn xa hơn, Quyết định 339/QĐ-TTg đưa ra mục tiêu đến năm 2045 phát triển thủy sản trở thành ngành kinh tế thương mại hiện đại, bền vững, có trình độ quản lý, khoa học - công nghệ tiên tiến, có vị trí quan trọng trong cơ cấu các ngành kinh tế nông nghiệp và kinh tế biển.
Có thể nói, Quyết định 339/QĐ-TTg đã tạo cơ hội mới cho ngành thủy sản phát triển bền vững, bởi định hướng trong thời gian tới là ngành thủy sản sẽ tập trung vào việc đầu tư tăng sản lượng nuôi trồng nhiều hơn, giảm sản lượng khai thác, nhằm bảo đảm khai thác phù hợp với trữ lượng nguồn lợi thủy sản, hạn chế rủi ro thiên tai và nhất là chấm dứt tình trạng đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định đang gây thiệt hại về kinh tế và uy tín của ngành thủy sản trong hơn ba năm qua. Do đó, mặc dù giảm tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản trung bình hằng năm xuống từ 2 - 3%/năm, nhưng lại tăng mạnh tổng sản lượng thủy sản sản xuất trong nước từ 1,5 - 1,6 triệu tấn, cũng như đẩy mạnh giá trị xuất khẩu thủy sản tăng từ 5 - 6 tỷ USD, so với những kết quả đã đạt được trong giai đoạn 2016 - 2020.
Để đạt, thậm chí là vượt mức các chỉ tiêu Quyết định 339/QĐ-TTg đề ra, Bộ NN-PTNT cần phối hợp ngành thủy sản và các tỉnh, thành phố ven biển rà soát, xây dựng kế hoạch, chủ động huy động các nguồn vốn từ ngân sách Trung ương và địa phương; ưu tiên kinh phí cho phát triển hạ tầng sản xuất thủy sản nhằm hoàn thành các dự án cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền đáp ứng năng lực kiểm tra, kiểm soát hàng qua cảng cá và công suất neo đậu tàu. Thành lập mới, mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu bảo tồn biển. Tổ chức quản lý, bảo vệ các khu vực thủy sản tập trung sinh sản, thủy sản còn non sinh sống và đường di cư của các giống loài thủy sản. Các địa phương chủ động xây dựng các làng cá ven đô, cửa sông, lòng hồ, bãi ngang ven biển, đảo thành các cộng đồng dân cư có cơ cấu nghề khai thác hợp lý, với số lượng lao động chuyên ngành, kiêm nghề phù hợp điều kiện tự nhiên, nguồn lợi thủy sản, đặc điểm kinh tế - xã hội từng vùng. Phát triển bảo tồn biển gắn với du lịch sinh thái và các ngành nghề khác, nhằm bảo đảm sinh kế cho cộng đồng ngư dân, hạn chế tiến tới chấm dứt tình trạng khai thác có tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản.
Đối với các DN sản xuất và chế biến thủy sản xuất khẩu, cần chú trọng đầu tư vào ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến để phục vụ việc nuôi trồng và chế biến, nhất là phát triển hệ thống sản xuất giống thủy sản chất lượng cao, các đối tượng nuôi chủ lực, giá trị kinh tế lớn và các loài mới có tiềm năng. Đưa nuôi trồng thủy sản trên biển thành một lĩnh vực sản xuất hàng hóa, quy mô công nghiệp, tạo khối lượng sản phẩm lớn phục vụ chế biến xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Từng bước xây dựng ngành chế biến thủy sản thành một ngành kinh tế mũi nhọn, sản xuất hàng hóa lớn, trung tâm chế biến sâu. Bên cạnh đó, chú trọng xây dựng thương hiệu quốc gia cho các sản phẩm thủy sản chủ lực, như tôm, cá ngừ, cá tra... Đồng thời bám sát các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP... kết hợp đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh, tạo đòn bẩy đưa xuất khẩu thủy sản Việt Nam vươn rộng ra thị trường quốc tế.
HOÀNG TRỌNG
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.