Nguồn tin: Báo Ninh Bình, 08/01/2021
Ngày cập nhật:
10/1/2021
Năm 2020, ngành Thủy sản trên cả nước gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID - 19, thị trường tiêu thụ và lưu thông hàng hóa đã bị gián đoạn, giá các sản phẩm thủy sản phục vụ phân khúc cao tại các nhà hàng giảm sâu, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sản xuất của bà con. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của ngư dân, doanh nghiệp, thủy sản Ninh Bình tiếp tục là điểm sáng trong lĩnh vực nông nghiệp, với mức tăng trưởng đạt 7,5%.
Mô hình nuôi hàu giống tại xã Kim Trung (Kim Sơn). Ảnh: Anh Tuấn
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản, năm 2020, giá trị sản xuất thủy sản (giá so sánh năm 2010) đạt 1.898 tỷ đồng, tăng 7,5% so với năm 2019. Có được con số tăng trưởng ấn tượng này là do sự phát triển đồng đều trên các mặt, cả về nuôi trồng và khai thác, nước ngọt và nước mặn lợ.
Trong lĩnh vực khai thác, đầu năm, thời tiết ảnh hưởng của gió mùa đông bắc, đàn cá chiều hướng di cư từ vùng biển ven bờ ra vùng lộng và vùng khơi, sản lượng của các tàu đánh bắt ven bờ giảm. Tuy nhiên, vụ cá Nam (từ tháng 4 đến tháng 9), thời tiết ấm áp, xuất hiện các đàn cá di cư vào bờ, tạo ra trữ lượng nguồn lợi thủy sản dồi dào, tạo điều kiện cho số lượng lớn tàu thuyền tham gia hoạt động khai thác dài ngày trên biển. Bên cạnh đó, giá xăng dầu giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019, đã góp phần giảm chi phí cho mỗi chuyến đi biển, tạo động lực cho ngư dân tích cực sản xuất. Nhờ vậy, tính chung cả năm, sản lượng thủy sản khai thác vẫn đạt 6.590 tấn, tăng 2,2% so với năm 2019. Trong đó: Khai thác biển đạt 2.280 tấn, nội địa đạt 4.310 tấn.
Về nuôi trồng, việc mở rộng diện tích cũng như tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh đã góp phần tăng đáng kể sản lượng nuôi trồng. Cụ thể: ở vùng nước mặn lợ, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh và siêu thâm canh tiếp tục được mở rộng với nhiều hình thức nuôi mới như nuôi trong nhà bạt, nuôi công nghệ vi sinh, nuôi trong ao nổi đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi. Đặc biệt, diện tích nuôi siêu thâm canh trong nhà lưới ước đạt 38,5 ha, mở ra hướng đi mới trong phát triển lĩnh vực nuôi tôm của tỉnh, đẩy sản lượng tôm nuôi đạt 2.390 tấn, tăng 6,4% so với năm 2019. Diện tích nuôi ngao là 1.200 ha, ngao thương phẩm được xuất đi Trung Quốc và các tỉnh miền Nam như: An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre. Tính chung, sản lượng nuôi thủy sản mặn lợ năm 2020 ước đạt 23.729 tấn, tăng 8,8% so với năm 2019. Riêng vùng nước ngọt, sản lượng nuôi ước đạt 28.535 tấn (tăng 9,6% so với năm 2019). Nguyên nhân tăng là do người dân đã tích cực chuyển đổi từ nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến sang nuôi bán thâm canh, thâm canh, đồng thời đưa vào phát triển nuôi các đối tượng có giá trị và năng suất cao như cá trắm đen, cá trắm cỏ, cá chép lai. Đặc biệt, năm 2020 diện tích nuôi trên ao nổi, diện tích nuôi thâm canh, bán thâm canh được mở rộng và phát triển mạnh ở một số địa phương như huyện Gia Viễn, Nho Quan, Yên Mô đã góp phần vào việc nâng cao hiệu quả đầu tư, khai thác tối đa tiềm năng diện tích nuôi thủy sản vùng nước ngọt. Ngoài đối tượng chính là cá truyền thống thì các đối tượng nuôi mới, có giá trị kinh tế cao như chép lai, trắm đen, ếch, trai nước ngọt lấy ngọc, ốc nhồi... cũng được các hộ nuôi tiếp tục đầu tư phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao tại một số địa phương trong tỉnh.
Nói đến thủy sản Ninh Bình không thể không nhắc tới hoạt động sản xuất giống, đặc biệt là giống thủy sản mặn, lợ. Với lợi thế trời ban, vài năm trở lại đây, vùng ven biển huyện Kim Sơn đã phát triển trở thành "thủ phủ" sản xuất giống hàu, với chất lượng vượt trội. Hiện, toàn vùng có khoảng 60 cơ sở sản xuất giống ngao, hàu, thu nhập từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi năm. Năm 2020, toàn tỉnh đã sản xuất được 12.000 triệu con hàu giống (tăng gấp 5 lần so với năm 2019), 70.000 triệu con ngao giống (tăng gấp 2 lần so với năm 2019, riêng giống cua xanh là 3,5 triệu con, qua đó đáp ứng nhu cầu con giống thủy sản tại địa phương và xuất sang các tỉnh Nam Định, Thanh Hóa, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh.
Để tạo đà phát triển cho ngành Thủy sản trong năm 2021, lãnh đạo Chi cục Thủy sản cho biết, nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng vùng nuôi đáp ứng yêu cầu của sản xuất tập trung. Phát triển và mở rộng các vùng nuôi trồng thủy sản thâm canh, ứng dụng công nghệ cao, quy trình sản xuất tiên tiến. Tập trung cho các sản phẩm có lợi thế như: Tôm he chân trắng, ngao Bến Tre. Phát triển ngành tôm tỉnh Ninh Bình trở thành ngành sản xuất lớn, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái theo Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025 tại Quyết định số 79/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 43/KH-UBND ngày 23/4/2018 của UBND tỉnh. Trong lĩnh vực khai thác, tổ chức, sắp xếp lại tàu thuyền, phát triển mô hình tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ; tăng cường củng cố, phát triển sản xuất trên biển theo mô hình tổ đoàn kết gắn khai thác, bảo quản sản phẩm với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, phù hợp với từng nghề ở địa phương. Bên cạnh đó, tập trung phát triển chế biến sản phẩm có giá trị gia tăng từ nguyên liệu nuôi, khai thác thủy sản có lợi thế của tỉnh; khôi phục các làng nghề chế biến thủy sản truyền thống. Đẩy mạnh tìm kiếm thị trường mới; kiểm soát, quản lý chất lượng các sản phẩm chế biến thủy sản đáp ứng yêu cầu thị trường trong và ngoài nước.
Hà Phương
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.