• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Khai thác đi đôi với bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản

Nguồn tin: Báo Cần Thơ, 29/04/2021
Ngày cập nhật: 30/4/2021

Với hệ thống sông ngòi chằng chịt, nhiều giống loài thủy sản có giá trị, được thị trường ưa chuộng, TP Cần Thơ sớm phát huy các thế mạnh trong lĩnh vực khai thác, nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, việc khai thác quá mức, theo kiểu tận diệt đã làm nguồn lợi thủy sản bị đe dọa. Vấn đề bức thiết được ngành Nông nghiệp thành phố đặt ra lúc này là: khai thác, phát triển phải gắn liền với bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Hằng năm TP Cần Thơ đều tổ chức thả cá để tuyên truyền bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Nhiều tiềm năng…

Xác định thủy sản là một trong những thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, năm 2020, TP Cần Thơ phát triển diện tích nuôi thủy sản đạt 8.960ha, vượt 9,27% kế hoạch. Tổng sản lượng thủy sản 221.091 tấn, vượt 10% kế hoạch, gồm sản lượng khai thác 6.351 tấn, sản lượng nuôi trồng 214.740 tấn. Thành phố cũng triển khai xây dựng vùng nuôi thủy sản áp dụng các tiêu chuẩn; ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ vào quá trình nuôi nhằm giảm hao hụt khi thu hoạch, tạo ra đối tượng nuôi có màu sắc tự nhiên, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Ðến nay, thành phố có diện tích nuôi thủy sản an toàn thực phẩm theo các tiêu chuẩn đạt 339ha, bao gồm: 325,25ha theo tiêu chuẩn VietGAP và 13,75ha theo tiêu chuẩn BAP+ASC. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp cũng đang triển khai thực hiện hỗ trợ 11 điểm trình diễn với các mô hình nuôi cá chạch lấu thương phẩm theo chuỗi an toàn thực phẩm, nuôi lươn thương phẩm đạt an toàn thực phẩm theo hướng VietGAP và mô hình sinh sản bán nhân tạo lươn đồng.

Ðể tạo nguồn thủy sản sạch từ gốc, TP Cần Thơ củng cố, xây dựng hệ thống sản xuất các giống cá truyền thống có giá trị kinh tế, phát triển hệ thống nhân giống mới các loại thủy sản chính của vùng ÐBSCL. Thành phố cũng tập trung chuyển giao kỹ thuật sản xuất giống tôm càng xanh siêu đực bằng công nghệ Israel; sản xuất giống ứng dụng công nghệ tuần hoàn nước; công nghệ xử lý nước bằng ozone để hạn chế mầm bệnh, ổn định môi trường, nâng cao tỷ lệ sống và giảm chi phí sản xuất. Thành phố hiện có 117 cơ sở sản xuất và ương dưỡng giống thủy sản, cung cấp 145 triệu cá giống các loại; 202 triệu cá bột các loại và 632 triệu tôm post đáp ứng nhu cầu con giống cho địa phương và một phần bán sang các tỉnh lân cận.

Mặc dù có nhiều tiềm năng, lợi thế và mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, song nguồn lợi thủy sản đang bị đe dọa nghiêm trọng. Theo khảo sát vào năm 2011, tại Cần Thơ có 120 loài cá và 18 loài tôm nhưng hiện nay nguồn lợi này đang đang suy giảm về đa dạng sinh học cũng như số loài trong môi trường tự nhiên. Nguyên nhân là do tác động của nhiều yếu tố như biến đổi khí hậu, hạn hán, mưa trái mùa và cả tác động của con người (đánh bắt thủy sản vẫn còn hiện tượng khai thác bằng các phương pháp tận diệt như xung điện, chất độc, lưới mắt nhỏ).

Ông Nguyễn Văn Út Em, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Ðiền, cho biết: “Từ đầu năm đến nay, ngành Nông nghiệp huyện tập trung cho công tác thanh, kiểm tra bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Huyện đã triển khai 42 đợt tuần tra công tác bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản và vận động giao nộp 45 bộ xung điện, xử phạt hành chánh 6 trường hợp với tổng số tiền là 23,2 triệu đồng. Ðồng thời, cho viết 98 cam kết không sử dụng xung điện đánh bắt thủy sản”. Thực tế cho thấy, đa số người dân sử dụng xung điện đánh bắt thủy sản đều là hộ nghèo và cận nghèo, không đất sản xuất, không có nghề nghiệp để mưu sinh nên quá trình xử lý còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, do nguồn kinh phí hạn hẹp nên hoạt động thanh, kiểm tra tại các địa phương không được tiến hành thường xuyên.

Kết hợp nhiều giải pháp

Năm 2021, TP Cần Thơ duy trì diện tích nuôi thủy sản khoảng 8.200ha với sản lượng (nuôi và khai thác) đạt 202.000 tấn. Ðể hoàn thành mục tiêu trên, thành phố tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: công nghệ sản xuất giống thủy sản mới, kỹ thuật nuôi thủy sản hiện đại nhằm tiết kiệm nguồn tài nguyên nước và bảo vệ môi trường. Ðồng thời, đa dạng hóa đối tượng thủy sản nuôi, phát triển các mô hình nuôi thủy sản hiệu quả (nuôi cá sặc rằn, rô đồng trong ao, nuôi cá chạch lấu trong ao, cá tai tượng da beo…); xây dựng vùng nuôi các đối tượng thủy đặc sản tập trung thông qua việc hỗ trợ các mô hình trình diễn thuộc chương trình khuyến ngư địa phương. Ngành Nông nghiệp khuyến khích người dân, hộ nuôi tổ chức lại các hộ nuôi thủy sản theo hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã; nhân rộng các hình thức nuôi gia công, liên kết, nuôi theo hợp đồng…

Theo ông Phạm Trường Yên, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, để ngành Thủy sản phát triển ổn định, bền vững, việc phát triển vùng nuôi, duy trì sản lượng thủy sản phải gắn chặt với tái tạo, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Từ năm 2013, TP Cần Thơ đều tổ chức thả cá để tái tạo nguồn lợi thủy sản với số lượng cá giống thả từ 8-10 tấn. Thả cá giống về tự nhiên là hoạt động thiết thực giúp phục hồi và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là các loài cá có giá trị kinh tế cao. Qua đó, góp phần giáo dục, nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo tồn hệ sinh thái đang dần cạn kiệt. Năm 2021, thành phố tổ chức thả cá về tự nhiên tại 7 điểm ở các quận, huyện trên địa bàn với số lượng 150.000 con. Trong đó, ưu tiên thả các loại thủy sản bản địa, loài nguy cấp, quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng (cá rô, cá lóc, cá trê, cá hô, cá chạch...).

Ông Nguyễn Văn Út Em cho biết: Huyện tiếp tục khuyến khích người dân xây dựng và phát triển các mô hình nuôi thủy sản cộng đồng; tạo điều kiện để họ tiếp cận các giống thủy sản chất lượng, thị trường đang cần để tạo đầu ra ổn định… Ðồng thời, tăng cường tuyên truyền về công tác bảo tồn, bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản, cũng như sự nguy hại khi sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc, sử dụng kích thước mắt lưới nhỏ để khai thác thủy sản. Bên cạnh đó, huyện cũng phối hợp với các bên có liên quan thực hiện tuần tra kiểm soát và kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn. Với sự quyết liệt của ngành chức năng trong việc đưa ra các giải pháp đồng bộ từ khâu quy hoạch, kết nối sản xuất, chế biến đến công tác tái tạo, bảo vệ, tin rằng nguồn lợi thủy sản của Cần Thơ sẽ được duy trì và phát triển bền vững.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Các tin mới

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang