Nguồn tin: Báo Bắc Ninh, 03/05/2021
Ngày cập nhật:
7/5/2021
Để khai thác hiệu quả hơn lợi thế, tiềm năng mặt nước sông Đuống trong nuôi trồng thủy sản, từ tháng 6-2019, Chi cục Thủy sản tỉnh Bắc Ninh triển khai đề tài: “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nuôi thâm canh cá tầm Siberi (Acipenser baerii) thương phẩm bằng lồng trên sông tại huyện Thuận Thành và Gia Bình”. Sau gần 2 năm triển khai, có thể khẳng định nuôi cá tầm bằng lồng trên sông Đuống là hướng đi mới giúp người nuôi trồng thủy sản nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế.
Mô hình nuôi cá tầm trên sông Đuống của gia đình ông Hoàng Huy Tập, thôn Đồng Đoài, xã Đại Đồng Thành (Thuận Thành).
Theo thống kê của ngành Nông nghiệp, với gần 5.300 ha mặt nước đủ điều kiện nuôi trồng thuỷ sản, toàn tỉnh hiện có hơn 2,000 lồng nuôi cá trên sông. Để khai thác tốt tiềm năng, những năm qua, ngành Nông nghiệp chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh xây dựng mô hình, đưa giống thuỷ sản mới cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao vào nuôi trồng như: cá lăng chấm, lăng đen, diêu hồng, chép giòn, nuôi cá rô phi đơn tính, nuôi lươn không bùn, nuôi ếch, ba ba…Tháng 6-2019, Chi cục Thủy sản tỉnh triển khai đề tài: “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nuôi thâm canh cá tầm Siberi (Acipenser baerii) thương phẩm bằng lồng trên sông tại huyện Thuận Thành và Gia Bình” tại 2 hộ, trong đó mỗi hộ nuôi 2 lồng, kích thước 6m x 12m x 3m, mật độ thả 30 con/m2 sàn đáy lồng. Chi cục Thủy sản tỉnh phối hợp Phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện khảo sát chọn hộ tham gia; địa điểm đặt lồng, môi trường nước; tập huấn kỹ thuật cho hộ dân xây dựng mô hình và cung ứng con giống, thức ăn theo mức hỗ trợ. Ông Hoàng Huy Tập, thôn Đồng Đoài, xã Đại Đồng Thành (Thuận Thành), một trong 2 hộ tham gia đề tài cho biết: “Trước đây, tôi phải lên tận huyện Sapa (Lào Cai) để thuê mặt nước nuôi cá tầm do đây là loài cá thích hợp với khi hậu lạnh. Tuy nhiên, khi được Chi cục Thủy sản hỗ trợ một phần kinh phí xây dựng lồng nuôi, thức ăn, con giống, được chuyển giao kỹ thuật, tôi mạnh dạn đăng ký tham gia đề tài. Với 2 lồng nuôi, quy mô hơn 2.000 con cá tầm/lồng. Thực tế nuôi cho thấy, cá tầm có thể sinh trưởng, phát triển tốt ở sông Đuống bởi nhiệt độ nước sông tại vị trí đặt lồng với độ sâu từ 3,5 m trở lên rất phù hợp cho cá tầm sinh trưởng (nhiệt độ từ 8 đến 250C). Nhờ tuân thủ đầy đủ hướng dẫn kỹ thuật trong các khâu nuôi và kinh nghiệm sẵn có, sau 12 tháng, cá nuôi của gia đình tôi đạt khoảng 1,8 - 2,5 kg/con”.
Lần đầu tiên nuôi cá tầm đã mang lại cho ông Đào Ích Thình ở thôn Chi Nhị, xã Song Giang (Gia Bình) những trải nghiệm từ lo lắng, hồi hộp đến vui mừng, hạnh phúc. Trao đổi với chúng tôi, ông Thình cho biết: “Nuôi cá tầm đòi hỏi khắt khe về kỹ thuật chăm sóc. Thức ăn, phương pháp nuôi cá tầm cũng không giống với các loại cá trước đây từng nuôi. Thời gian đầu, do cá được nhập từ nơi khác về, chưa quen với nguồn nước, điều kiện khí hậu nên cá sinh trưởng, phát triển chậm. Nhưng với sự hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ Trung tâm Nghiên cứu đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản (Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I), tôi đã điều chỉnh tăng độ sâu của lồng nuôi nhằm giảm nhiệt độ nước về mùa hè, giữ ấm về mùa đông, cho ăn, chăm sóc đúng kỹ thuật nên cá sinh trưởng, phát triển tốt. Những con cá tầm hiện có trọng lượng gần 3 kg, ăn khỏe, lớn nhanh và hứa hẹn cho thu nhập cao bởi giá cá hiện đạt 180.000-200.000 đồng/kg”.
Cùng với các mô hình nuôi thủy sản công nghệ cao trong ao đất, các mô hình nuôi thủy sản giống mới bằng lồng trên sông, kết quả khả quan của đề tài Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nuôi thâm canh cá tầm Siberi (Acipenser baerii) thương phẩm bằng lồng trên sông mở ra triển vọng đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi. Không chỉ mang lại nguồn thu nhập có giá trị, mô hình còn bổ sung cơ cấu giống thuỷ sản của tỉnh, hướng tới mục tiêu đa dạng nguồn hàng hoá thương phẩm, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân. Từ hiệu quả của mô hình thử nghiệm cần khuyến khích người dân đẩy mạnh khai thác mặt nước để nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là với các loại cá đặc sản như cá tầm, cá lăng, cá chiên… nhằm tăng thu nhập cho người chăn nuôi, đồng thời tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn. Đây cũng là nguồn tạo ra sản phẩm có ý nghĩa xã hội cao, nguồn thực phẩm đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng trong nước và có giá trị xuất khẩu cao. Tuy nhiên, nuôi cá tầm cần vốn đầu tư lớn cho con giống, thức ăn, thuốc, hóa chất… vì vậy, để nhân rộng mô hình, ngoài việc cung ứng con giống tốt, khỏe mạnh, tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăm sóc nuôi trồng, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ để người chăn nuôi dễ dàng tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi.
Nguyễn Tuấn
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.