• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Giá vật tư phục vụ nuôi tôm tăng cao: Nỗi ám ảnh của nông dân

Nguồn tin: Báo Bạc Liêu, 07/05/2021
Ngày cập nhật: 10/5/2021

Gần một tháng qua, giá cả vật tư đầu vào phục vụ ngành tôm liên tục tăng, trong khi giá tôm nguyên liệu có xu hướng giảm khiến nông dân gặp rất nhiều khó khăn khi bước vào vụ nuôi mới.

NGHỊCH LÝ CHUỖI CUNG ỨNG

Giá trị kinh tế của một chuỗi ngành hàng thường được phân chia lợi nhuận hợp lý cho tất cả các thành phần tham gia, từ người nuôi, nhà sản xuất, nhà xuất khẩu. Song, lĩnh vực nuôi tôm ở nước ta hiện nay vẫn duy trì tình trạng “thân ai nấy lo”. Chính vì vậy, khi giá nhập khẩu tăng, các nhà sản xuất thức ăn, trang thiết bị phục vụ ngành tôm như: ống nhựa, máy thổi ôxy, bạt, sắt thép… lập tức tăng giá. Ngược lại, nông dân lại không thể tùy tiện tăng giá tôm bán ra, vì giá đầu ra của tôm phải theo quy luật thị trường, dựa vào mặt bằng giá cả quốc tế trong thời điểm thu hoạch. Rốt cuộc, nông dân phải chịu rủi ro nhiều nhất.

Thực tế cho thấy, ngành sản xuất thức ăn tôm chủ yếu dựa vào các doanh nghiệp có vốn nước ngoài và hiện ngành này đang có sự cạnh tranh rất khốc liệt. Một số doanh nghiệp lớn đang dần chiếm lĩnh thị trường, trong khi các công ty nhỏ hơn bị “mắc kẹt” trong sản phẩm của họ, với sản lượng ít, khả năng sinh lời thấp. Một số doanh nghiệp thậm chí phá sản, việc mua bán, sáp nhập các doanh nghiệp nhỏ trong ngành đã và đang diễn ra. Kết quả của cạnh tranh khốc liệt đã không giúp giá thành sản xuất giảm mà ngược lại ngày một tăng. Đơn cử như, tại Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam, nhiều sản phẩm thức ăn chăn nuôi tăng 1.500 đồng/kg kể từ ngày 1/3/2021; Công ty TNHH Grobest Industrial Việt Nam từ ngày 1/4/2021 áp giá bán mới với tất cả các sản phẩm thức ăn tôm cao hơn 1.200 đồng/kg; Công ty TNHH Tongwei cũng đã tăng giá thức ăn tôm từ ngày 5/2/2021 với mức tăng từ 1.200 - 1.400 đồng/kg... Được biết, so với năm 2020, giá nguyên liệu đầu vào của ngành này tăng từ 16 - 51% và chủ yếu là các sản phẩm nhập khẩu.

Ông Trần Văn Tân (xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình) bộc bạch: “Thường thì cái gì mình mua nhiều, xài nhiều sẽ được khuyến mại, giảm giá, nhưng riêng lĩnh vực nuôi tôm thì mua càng nhiều lại càng phải chịu mức giá cao. Nghịch lý này hầu như bà con nuôi tôm nào cũng thấy, nhưng không mua, không lấy hàng của họ thì cũng chẳng biết chọn lựa ở đâu. Bởi vậy, bà con mình mấy năm gần đây dù có nuôi thành công thì lợi nhuận cuối vụ cũng chẳng đáng là bao so với vốn liếng, công sức đã bỏ ra”.

Nông dân TP. Bạc Liêu cải tạo ao đầm chuẩn bị vụ nuôi tôm mới. Ảnh: C.L

CẦN GIẢI BÀI TOÁN VỀ GIÁ CẢ

Qua tìm hiểu chuỗi cung ứng đầu vào ngành tôm, chúng tôi được biết: Nếu thức ăn nuôi tôm được đưa đến tận tay nông dân, giá thành giảm được 20% chi phí hoa hồng, thì giá thức ăn tôm sẽ thấp hơn và sản phẩm có tính cạnh tranh cao. Song, điều này khó thực hiện vì việc sản xuất theo chuỗi, liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân hiện tại rất yếu. Đại lý và “đầu nậu” vì thế có thể “làm mưa làm gió”, thậm chí công ty sản xuất cũng còn phải e ngại họ. Trong khi đó, những đại lý có doanh số trăm tỷ đồng mỗi năm được công ty sản xuất thưởng “nóng” vài trăm triệu đồng mỗi vụ là chuyện bình thường. Sở dĩ các đại lý cung ứng thức ăn, trang thiết bị đầu vào có “quyền hành” như trên là vì họ bán hàng trả chậm cho nông dân, trong khi các công ty sản xuất không làm được như vậy. Mặt khác, các đại lý có khả năng cho vay gối đầu, người nuôi tôm lại có “xu hướng” chuộng kiểu “ăn trước trả sau” nên lệ thuộc nhiều vào họ.

Ông Trần Thanh Quynh (xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu) hiến kế: “Vấn đề này chỉ giải quyết được nếu chuỗi liên kết có sự tham gia của Nhà nước, tức là ngân hàng đứng ra bảo lãnh cho công ty cung ứng có thể bán hàng trả chậm cho nông dân theo cách mà các đại lý đang làm hiện nay”. Nhiều trang trại đã giải quyết vấn đề giá thành bằng cách đơn giản nhất là đến trực tiếp các công ty sản xuất đề mua mà không qua đại lý, ngay lập tức họ giảm được 20% chi phí thức ăn. Nghe thì đơn giản, nhưng chỉ những hộ làm ăn thắng lợi, có vốn liếng mới thực hiện được điều này, vì phải thanh toán bằng tiền mặt ngay khi mua hàng.

Trong khi nông dân đang trong tình cảnh “tay không tấc sắt”, do không có vốn, phải mua thức ăn trả chậm, 70% giá thành nằm trong chi phí thức ăn, nên giá cả thức ăn cho tôm nói riêng và thức ăn thủy sản nói chung vẫn là nỗi ám ảnh lớn đối với nông dân. Giá thức ăn không giảm thì việc tăng sức cạnh tranh của con tôm Việt Nam trên thị trường vẫn còn là bài toán khó.

SONG NGUYÊN

Các tin mới

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang