Nguồn tin: Báo Nam Định, 07/01/2021
Ngày cập nhật:
11/1/2021
Năm 2020, tổng sản lượng thủy sản toàn tỉnh Nam Định ước đạt 170.480 tấn, bằng 104,92% kế hoạch năm và tăng 10.658 tấn so với năm trước, trong đó sản lượng nuôi trồng đạt 114.264 tấn, bằng 102,48% kế hoạch năm và tăng 8,22% so với năm trước. Tổng giá trị sản xuất thủy sản ước đạt là 9.900 tỷ đồng (giá hiện hành) và 4.900 tỷ đồng (giá so sánh 2010), chiếm khoảng 33% cơ cấu ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản. Những kết quả đó đang tiếp tục khẳng định hướng đi đúng đắn của ngành và mở ra cơ hội mới cho người nuôi thủy sản của các địa phương.
Người dân xã Hải Trung (Hải Hậu) đầu tư hệ thống quạt sục khí tạo môi trường nuôi ổn định cho tôm thẻ chân trắng phát triển đạt năng suất cao.
Vượt qua thách thức!
Qua 6 năm xây dựng và phát triển đến nay HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nuôi trồng thủy sản Xuân Hòa, xã Xuân Hòa (Xuân Trường) đã có 25 thành viên, quản lý vùng nuôi thủy sản tổng diện tích 25ha. Năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19, thời tiết, dịch bệnh động vật diễn biến phức tạp nhưng được sự quan tâm của các cấp, ngành, cấp ủy Ðảng, chính quyền địa phương, HTX đã nỗ lực khắc phục, tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ao nuôi, hệ thống đường giao thông, thủy lợi khu vực đầm nuôi bảo đảm đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP và được Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Sở NN và PTNT) cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ngoài ra, HTX đã huy động các thành viên đóng góp vốn xây dựng nhà máy chế biến thức ăn; liên kết với Công ty TNHH Biển Ðông cung cấp bột cá, Nhà máy thức ăn Chăn nuôi HTC Nam Ðịnh cung cấp đậu, ngô hạt, bột huyết… để sản xuất các loại thức ăn thủy sản nhằm kiểm soát chặt chẽ các khâu sản xuất. Nhờ đó, các đối tượng nuôi của HTX, gồm cá lăng, trắm đen, trắm cỏ, chép, tôm thẻ chân trắng đều phát triển khỏe mạnh, năng suất cao. Ðồng chí Lê Văn Bản, Chủ tịch HÐQT HTX cho biết: Toàn bộ cá, tôm thương phẩm được HTX liên kết với một số doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh thủy sản tươi sống ở các tỉnh: Hải Dương, Thái Bình, Hải Phòng và thành phố Hà Nội bao tiêu với giá bán hợp lý đảm bảo hiệu quả cao cho các thành viên. Dự kiến năm nay bình quân lợi nhuận của HTX đạt khoảng 200 triệu đồng/ha, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 20 lao động địa phương. HTX đang tích cực đầu tư trên 1 tỷ đồng xây dựng xưởng sản xuất, lắp đặt hệ thống máy cấp đông, máy sấy để sơ chế cá lăng cắt khúc, tiến tới xây dựng sản phẩm OCOP, đáp ứng nhu cầu của thị trường, mở hướng phát triển mới nhằm thu hút thêm thành viên mới tham gia HTX.
Ông Cao Văn Trình là một trong những hộ có diện tích nuôi thủy sản lớn của xã Giao Phong (Giao Thủy), với tổng diện tích khoảng 2,3ha; trong đó có 1,4ha nuôi tôm thẻ chân trắng và 0,9ha nuôi ngao. Theo ông Trình, con ngao rất phù hợp với môi trường nơi đây nên việc nuôi ngao trên địa bàn xã luôn đạt tỷ lệ sống cao. Ngao có vỏ trắng sáng, béo mẩy nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Những năm gần đây, nhiều hộ dân ở Giao Thủy đã nghiên cứu kỹ thuật sản xuất thành công ngao giống. Như vậy với việc chủ động nguồn giống, bề dày kinh nghiệm kỹ thuật chăm sóc và đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật vùng nuôi là những yếu tố quan trọng giúp đảm bảo chất lượng sản phẩm ngao nuôi thương phẩm. Ông Nguyễn Văn Quyết ở xóm Lâm Hà, xã Giao Phong nhấn mạnh, người nuôi ngao nên nhập ngao giống từ các cơ sở sản xuất tại huyện sẽ dễ dàng kiểm soát chất lượng, lựa chọn được con giống khỏe mạnh, sạch bệnh; khi thả ngao giống không mất thời gian “làm quen” với môi trường sống mới nên sinh trưởng tốt năng suất, chất lượng ngao thương phẩm cao.
Thu hoạch cá thương phẩm tại HTX Xuân Hòa (Xuân Trường).
Năm 2020, diện tích nuôi thủy sản của toàn tỉnh đạt trên 16.300ha; sản xuất giống thủy sản tiếp tục phát triển, các cơ sở sản xuất được gần 15 tỷ 585 triệu con giống các loại, trong đó con giống mặn lợ trên 12 tỷ 615 triệu con. Mặc dù kinh tế, dịch bệnh gây khó khăn cho hoạt động tiêu thụ sản phẩm, song người nuôi vẫn tranh thủ mọi sự hỗ trợ, đầu tư cho chăm sóc đối tượng nuôi bảo đảm giữ vững chất lượng thủy sản, bảo đảm uy tín chất lượng thương hiệu thủy sản Nam Ðịnh, chờ phục hồi kinh tế sau dịch để bứt phá.
“Thẻ thông hành” quan trọng để ngao trắng vươn xa…
Mới đây, thông tin con ngao trắng (tên khoa học là Meretrix Lyrata) của tỉnh được ASC (Aquaculture Stewardship Council - Hội đồng Quản lý Nuôi trồng thủy sản, là tổ chức độc lập, phi lợi nhuận, thành lập năm 2009 bởi Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) và Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững Hà Lan (IDH) trao Giấy chứng nhận ASC - Chứng nhận nuôi trồng thủy sản bền vững trên toàn thế giới. Như vậy, đây là lần đầu tiên sản phẩm ngao trắng của Việt Nam cũng là sản phẩm ngao đầu tiên của thế giới nhận được chứng chỉ này. Ðược biết, ASC xây dựng bộ tiêu chuẩn ASC dựa trên 4 nền tảng chính là môi trường, xã hội, an sinh động vật và an toàn thực phẩm; gồm 8 bộ tiêu chuẩn cho 12 loài thuỷ sản nuôi, trong đó có ngao. Tính đến thời điểm này trên thế giới có 700 cơ sở nuôi trồng thủy sản của trên 40 quốc gia đạt chứng nhận ASC cho các sản phẩm thủy sản nuôi. Chứng nhận ASC được ví như thẻ “VISA VIP” giúp con ngao trắng của Việt Nam trong đó có ngao trắng Nam Ðịnh vươn tới những thị trường xuất khẩu khó tính nhất trên thế giới, nhất là thị trường châu Âu. Việc cấp “Giấy thông hành” cho con ngao trắng càng trở nên ý nghĩa trong bối cảnh ngành nuôi ngao đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là các rào cản kỹ thuật, vấn đề kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm và những yêu cầu ngày càng cao của các nước nhập khẩu với hệ thống chứng nhận dày đặc.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã và đang tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do, mở ra nhiều cơ hội giao thương nhưng cũng không ít thách thức cho ngành thủy sản nói chung và con ngao nói riêng. Bối cảnh đó đặt ra yêu cầu phải phát triển bền vững, đạt các chứng nhận quốc tế, thúc đẩy các chương trình, dự án tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị. Ðứng trước yêu cầu đó, được sự hỗ trợ, tư vấn của Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng thủy sản bền vững (ICAFIS), Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Phát triển nông thôn (RECERD), thời gian qua, Sở NN và PTNT đã phối hợp với Công ty TNHH Thuỷ sản Lenger Việt Nam cùng các hộ nuôi ngao trong tỉnh triển khai Dự án “Liên kết chuỗi ngao theo ASC tỉnh Nam Ðịnh - Công ty TNHH Thuỷ sản Lenger Việt Nam”. Với sự hỗ trợ của nhiều bên liên quan, tháng 5-2020, “Vùng nuôi liên kết Lenger Farm” ở xã Nam Ðiền (Nghĩa Hưng) đã được triển khai tích cực với quy mô 500ha, sản lượng 10 nghìn tấn đã đạt chứng nhận ASC cho ngao Meretrix Lyrata. Ông Phạm Nhất Thống, xã Nam Ðiền - một hộ nuôi ngao trong vùng dự án cho biết: “Chúng tôi rất phấn khởi khi được nhận Chứng chỉ ASC đối với con ngao trắng. Nhờ đó, con ngao nuôi của chúng tôi có thể đi tới những thị trường “khó tính” trên thế giới. Nghề nuôi ngao đang vươn lên mạnh mẽ trở thành ngành kinh tế chủ lực của địa phương”.
Ðây là “cột mốc” quan trọng, góp phần định danh sản phẩm ngao trắng của tỉnh ta trên trường quốc tế với tấm “VISA VIP”. Sản phẩm ngao có cơ hội “vàng” vươn xa ra thế giới tạo động lực thúc đẩy nghề nuôi trồng thủy hải sản nói chung, nuôi ngao nói riêng của tỉnh ta phát triển lên một tầm cao mới./.
Bài và ảnh: Khôi Nguyên
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.