• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nam Định: Hiệu quả mô hình nuôi tôm VietGAP tại xã Hải Lý

Nguồn tin: Báo Nam Định, 17/05/2021
Ngày cập nhật: 18/5/2021

Trong những năm gần đây, nghề nuôi tôm gặp nhiều khó khăn do tình trạng ô nhiễm môi trường và dịch bệnh xảy ra. Trước thực trạng đó, nhiều hộ nông dân trong tỉnh đã đầu tư thiết bị, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ nhằm giảm thiểu rủi ro, nâng cao sản lượng. Điển hình là mô hình nuôi tôm đạt tiêu chuẩn VietGAP của ông Nguyễn Văn Tiệm, xóm Quang Trung, xã Hải Lý (Hải Hậu, tỉnh Nam Định) đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình nuôi tôm đạt tiêu chuẩn VietGAP của ông Nguyễn Văn Tiệm, xã Hải Lý.

Sau hơn chục năm gắn bó với nghề nuôi tôm “thành công nhiều mà thất bại cũng không ít”, ông Tiệm đã rút ra kinh nghiệm rằng: Để phát triển nuôi tôm bền vững cần phải đầu tư công nghệ, chuyển đổi hình thức nuôi quảng canh, bán thâm canh sang thâm canh, công nghiệp. Toàn bộ khu vực nuôi được phân chia thành các khu riêng biệt như: kho thức ăn, kho thuốc thú y thủy sản, hệ thống ao nuôi, ao chứa lắng… Nhận thấy nuôi ở ao to khó kiểm soát dịch bệnh, môi trường nuôi, ông Tiệm đã quy hoạch 1,2ha thành 11 ao nhỏ có diện tích từ 900-2.000m2, bờ và đáy ao được kiên cố hóa bằng bê tông tránh rò rỉ, thất thoát nước. Hệ thống ao được đầu tư các đường cấp, thoát nước riêng biệt đảm bảo tính chủ động, an toàn cho tôm và hạn chế ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, mỗi ao nuôi được bố trí hệ thống quạt nước nhằm tăng hàm lượng, cung cấp đủ ô-xy giúp cho tôm nuôi ổn định thể chất và phát triển nhanh hơn. Trong suốt quá trình nuôi tôm VietGAP, các thông số về khối lượng thức ăn từng ao sẽ được ông Tiệm ghi chép cẩn thận “nhật ký ao nuôi”. Điểm khác biệt của mô hình này so với nuôi tôm truyền thống là tôm được sản xuất theo quy trình an toàn, hộ nuôi kiểm soát chặt chẽ các yếu tố đầu vào như nước, thức ăn, con giống nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo đảm yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt có truy xuất nguồn gốc sản phẩm nên được thị trường đón nhận. “Nhiều năm quan sát bệnh trên tôm, tôi nhận thấy tôm nuôi hay mắc các bệnh chủ yếu là đốm trắng, hoại tử gan tụy và đỏ thân. Bệnh đốm trắng là do giống, còn đỏ thân, hoại tử gan tụy là do thay đổi thời tiết và độc tố trong môi trường ao nuôi. Do vậy tôi lựa chọn vật tư nuôi thủy sản ở các hãng có uy tín như: giống tôm thẻ chân trắng, tôm sú của Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam, Công ty CP Thủy sản Việt Úc; thức ăn của Công ty TNHH De Heus… Ngoài kiểm soát con giống, thức ăn, việc xử lý, lắng lọc nguồn nước trước khi cấp vào ao nuôi cũng rất quan trọng. Quy trình này giúp ngăn ngừa các loại dịch bệnh có thể xảy ra ở tôm” - ông Tiệm chia sẻ. Để xử lý môi trường ao nuôi, ông Tiệm sử dụng chế phẩm sinh học, vừa kích thích tăng trưởng nguồn thức ăn tự nhiên của tôm trong môi trường nuôi (tảo, phù du, sinh vật nhỏ) vừa giảm chi phí thức ăn, giảm lượng thức ăn thừa tồn lưu trong ao, làm trong sạch môi trường, giảm dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho con tôm. Theo ông Tiệm, với mật độ nuôi cùng chế độ chăm sóc nuôi dưỡng hợp lý tuân thủ đúng quy trình vệ sinh phòng bệnh tôm sẽ phát triển tốt, hạn chế được dịch bệnh; sử dụng các loại thuốc thảo dược nằm trong danh mục được phép lưu hành thì tỷ lệ tôm sống đạt trên 90%, tôm sinh trưởng nhanh, cho thu hoạch sau 4-5 tháng với tôm thẻ chân trắng, 6 tháng với tôm sú; năng suất bình quân đạt 10 tấn tôm thẻ chân trắng/ha/vụ, 7 tấn tôm sú/ha/vụ. Nuôi theo quy trình VietGAP, hơn 5 năm qua khu vực nuôi tôm nhà ông Tiệm hoàn toàn không xảy ra dịch bệnh.

Từ thành công bước đầu, năm 2018 ông Tiệm tiếp tục đấu thầu 0,7ha đất công ích của xã để đầu tư xây hệ thống nuôi tôm trong nhà có mái che với 30 bể xi măng, diện tích mỗi bể 36m2. Với hệ thống này, ông Tiệm thực hiện công thức nuôi gối lứa, tăng từ 2 vụ nuôi lên 3 vụ. Vụ xuân hè, từ tháng 4 ông bắt đầu thả giống tôm thẻ chân trắng ở 6 ao, tôm sú ở 5 ao; đến tháng 7 thả giống tôm thẻ chân trắng trên bể xi măng. Tháng 8 khi thu hoạch toàn bộ tôm thẻ chân trắng, ông Tiệm thả tôm 1 tháng tuổi từ trên bể xi măng xuống ao nuôi vụ thu đông và thả giống tôm thẻ chân trắng gối lứa để 1 tháng sau khi thu hoạch tôm sú ông tiếp tục lứa tôm thẻ chân trắng mới. Từ tháng 9 trở đi, ông thả giống tôm thẻ chân trắng nuôi chuyên vụ đông chỉ trong bể xi măng với phương thức siêu thâm canh 3 giai đoạn. Với phương thức nuôi này, ông Tiệm ứng dụng công nghệ vi sinh Biofloc nhằm tạo ra chất hữu cơ từ chất thải của tôm để trở thành nguồn dinh dưỡng cho tôm sử dụng. Giai đoạn 1, tôm được nuôi với mật độ 2.000-3.000 con/m2; sau 1 tháng tôm lớn có kích cỡ lớn hơn được san ra các bể xi măng khác với mật độ 200 con/m2; 2 tháng sau khi thả, tôm được giãn mật độ còn 100 con/m2 cho đến khi thu hoạch. “Ứng dụng Biofloc nuôi tôm siêu thâm canh trong bể xi măng 3 giai đoạn ở vụ đông mặc dù năng suất không cao bằng nuôi tôm ở ao ngoài trời song đảm bảo được sự an toàn cho tôm khi thời tiết đột ngột thay đổi hoặc mưa lạnh, đặc biệt nuôi trái vụ tôm có giá trị kinh tế cao hơn hẳn. Thường tôm thẻ chân trắng chính vụ có giá 180 nghìn đồng/kg loại tôm 40 con/kg nhưng với ở vụ đông có thể lên tới 260-300 nghìn đồng/kg”. Ngoài ra, với giá bán tôm sú thường đạt trên 300 nghìn đồng/kg với loại 30 con/kg, mỗi năm doanh thu từ gần 2ha nuôi tôm của gia đình ông Tiệm đạt trên 2 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí cho thu lãi bình quân từ 500-700 triệu đồng/năm. Từ chỗ nợ “đầm đìa”, sau hơn 5 năm ông Tiệm đã trả hết nợ, mua nhà, mua xe ô tô và mở rộng thêm quy mô sản xuất. Cuối năm 2020, qua kiểm tra đánh giá các thông số, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã cấp giấy chứng nhận VietGAP cho cơ sở nuôi tôm của trang trại ông Nguyễn Văn Tiệm.

Đồng chí Nguyễn Minh Định, Chủ tịch UBND xã Hải Lý cho biết: Mô hình nuôi tôm VietGAP của ông Nguyễn Văn Tiệm đạt hiệu quả cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, có thể tăng thêm vụ sản xuất trong năm. Đồng thời giảm chi phí sản xuất, tạo ra sản phẩm tôm sạch, hạn chế rủi ro so với các mô hình nuôi tôm truyền thống. Hiện nay, xã đang nghiên cứu, tổ chức cho các hộ nuôi tôm tham quan, học tập phương pháp nuôi tôm này nhằm nhân rộng mô hình góp phần phát triển bền vững nghề nuôi tôm tại địa phương./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh

Các tin mới

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang