• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Lưu ý các bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi

Nguồn tin: Báo Bình Thuận, 27/05/2021
Ngày cập nhật: 29/5/2021

Những năm gần đây, dân nuôi tôm thẻ chân trắng ở Bình Thuận rất lo lắng khi nhiều vụ tôm liên tiếp thất bại vì bệnh đốm trắng, taura, hoại tử gan tụy cấp… hoành hành, gây thiệt hại lớn cho người nuôi. Dù đã xử lý nhiều cách, nhưng tỷ lệ người nuôi thành công cứ giảm dần và diện tích ao tôm theo đó cũng thu hẹp.

“Treo ao”

Về xã Vĩnh Hảo, Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong) những ngày giữa tháng 5, đây là thời điểm các hộ nuôi tôm ở đây bước vào vụ chính trong năm. Tuy nhiên, đi dọc theo khu vực nuôi tôm tập trung, chỉ còn lác đác vài hồ đang sục khí, còn lại đa số người nuôi “treo ao”. Hỏi lý do, ông Nguyễn Lội, 1 người nuôi tôm lâu năm ở xã Vĩnh Hảo cho biết: “Những năm gần đây, bệnh trên tôm xuất hiện nhiều, không đỏ thân thì đốm trắng khiến sản lượng các vụ tôm hầu hết đều không đạt, chỉ thả giống hơn tháng là phải xả hồ. Đã thế, từ năm ngoái đến nay, giá tôm lại xuống thấp kỷ lục, có lẽ do dịch Covid – 19, nên không còn kích thích người nuôi. Chỉ còn vài hộ thả nuôi cầm chừng với mật độ thấp, còn lại đành phơi hồ hoặc chuyển đổi nghề khác”. Không chỉ vậy, Tổng cục Thủy sản những năm gần đây cũng liên tục cảnh báo về nguy cơ bùng phát dịch bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp trên tôm nuôi. Theo đó, kết quả quan trắc môi trường nguồn nước cấp cho vùng nuôi tôm tại một số tỉnh trọng điểm phát hiện sự có mặt của tác nhân gây bệnh. Bên cạnh đó, diễn biến thời tiết phức tạp cũng là một tác nhân cao gây rủi ro cho người nuôi.

Đa số các hộ nuôi tôm thẻ trong tỉnh đang “treo ao” vì tôm nuôi liên tục bị sự cố

Không riêng gì tôm thẻ chân trắng, mà các loài thủy sản nuôi khác trong tỉnh cũng đang đối mặt với nhiều loại bệnh nguy hiểm, mới nổi như bệnh sữa trên tôm hùm, bệnh hoại tử thần kinh trên cá mú, cá chẻm, bệnh nhiễm khuẩn trên cá rô phi, diêu hồng… Để giảm thiểu thiệt hại đối với nuôi trồng thủy sản, chính quyền địa phương và người nuôi trồng thủy sản thời gian qua đã chủ động giám sát dịch bệnh, xử lý môi trường trước khi thả nuôi, sử dụng nguồn nước đảm bảo, sử dụng con giống xuất xứ rõ ràng, chất lượng, thả nuôi với mật độ hợp lý… Tuy nhiên, để ngăn chặn và khống chế kịp thời, hiệu quả các bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi, UBND tỉnh đã có kế hoạch cụ thể cho công tác này giai đoạn 2021 - 2030.

Chủ động giám sát

Theo đó, sẽ chủ động phòng ngừa, khống chế các bệnh nguy hiểm ở tôm nuôi nước lợ, đảm bảo diện tích bị bệnh thấp hơn 10% tổng diện tích nuôi. Đối với tôm hùm, đảm bảo số tôm hùm bị bệnh thấp hơn 15% tổng diện tích nuôi. Chủ động giám sát, phát hiện và khống chế kịp thời một số bệnh nguy hiểm trên đối tượng thủy sản nuôi khác, không để mầm bệnh lan rộng. Đặc biệt, cố gắng xây dựng một số cơ sở, chuỗi sản xuất thủy sản, trước hết là các doanh nghiệp sản xuất tôm giống, nuôi tôm thương phẩm quy mô lớn đối với một số bệnh nguy hiểm theo quy định của Tổ chức Thú y Thế giới và quy định của Bộ Nông nghiệp & PTNT để phục vụ tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu tôm.

Sở Nông nghiệp & PTNT sẽ phối hợp với các sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố chú ý giám sát các quy định về điều kiện cơ sở nuôi, xử lý nước thải, chất thải; mùa vụ thả giống, chất lượng con giống; quá trình nuôi phải thực hiện đúng các quy trình kỹ thuật, quản lý chăm sóc ao nuôi và phải áp dụng các biện pháp hỗ trợ nâng cao sức đề kháng cho thủy sản nhằm giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh. Thực hiện nghiêm việc kiểm dịch nhập khẩu thủy sản, tổ chức lấy mẫu giám sát, xét nghiệm các tác nhân gây bệnh nguy hiểm trên thủy sản theo quy định. Bên cạnh đó, theo dõi tình hình dịch bệnh trên thủy sản được sử dụng làm giống sau nhập khẩu và nuôi tại các vùng nuôi trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, làm tốt hoạt động quan trắc tại các khu vực nuôi thủy sản trọng điểm của tỉnh, trong đó tập trung vào các đối tượng chủ lực, các đối tượng có giá trị kinh tế cao. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về quản lý và bảo vệ môi trường vùng nuôi trồng thủy sản, tính chất nguy hiểm của dịch bệnh thủy sản, các biện pháp phòng chống dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản, chuỗi sản xuất thủy sản an toàn dịch bệnh…

M.Vân

Các tin mới

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang