Nguồn tin: Tổng cục thủy sản, 28/5/2021
Ngày cập nhật:
1/6/2021
Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch covid-19 tiếp tục xảy ra trên thế giới cũng như trong nước đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động thương mại cũng như sản xuất. Tuy nhiên, việc khống chế và các giải pháp kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam đang có hiệu quả cùng với điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi và giá cả các mặt hàng có xu hướng tăng nhẹ, trong 5 tháng đầu năm 2021 ngành thủy sản có những tăng trưởng khả quan. Tổng sản lượng thủy sản tháng 5 ước đạt 782,8 nghìn tấn, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2020, giá trị xuất khẩu thủy sản 5 tháng đầu năm 2021 đạt 3,24 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng sản lượng thủy sản tháng 5 ước đạt 782,8 nghìn tấn, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2020. Lũy kế 5 tháng đầu năm, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 3,27 triệu tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sản lượng nuôi trồng thủy sản tháng 5 ước đạt 417 nghìn tấn, tăng 6,7 % so với cùng kỳ năm trước, đưa sản lượng lũy kế ước đạt xấp xỉ 1,69 triệu tấn, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2020. Sản lượng khai thác thủy sản tháng 5 ước đạt 365,8 nghìn tấn, tăng 1,5 % so với cùng kỳ năm trước, đưa sản lượng lũy kế 5 tháng ước đạt trên 1,58 triệu tấn, tăng 1,4 % so với cùng kỳ năm 2020.
Sản lượng khai thác cá ngừ giảm 9% so với cùng kỳ năm 2020
Trong 5 tháng đầu năm 2021 mặc dù thời tiết trên biển tương đối thuận lợi, tuy nhiên sản lượng khai thác cá ngừ đại dương tại các điểm phương giảm nhẹ, cụ thể: (loại mắt to vây vàng từ 30kg/con trở lên) ước đạt 8.521,9 tấn, giảm 9% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó: tại Phú Yên đạt 1.819 tấn, giảm 4%; tại Bình Định ước đạt 5.493,9 tấn, giảm 5,8%; tại Khánh Hòa ước đạt 1.209 tấn, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2020. Nguyên nhân được cho là do từ đầu năm đến nay cá ngừ đại dương ít xuất hiện ở các ngư trường hơn so với những năm trước. Bên cạnh đó, do tác động của dịch bệnh Covid-19 nên giá cá ngừ đại dương giảm, trong khi đó nguyên liệu đầu vào phục vụ khai thác tăng nên không khuyến khích ngư dân tích cực ra khơi khai thác.
Sản lượng tôm nước lợ tăng khá
Sản lượng tôm nước lợ tháng 5 ước đạt 81 nghìn tấn, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước, đưa sản lượng lũy kế ước đạt 253,6 nghìn tấn, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, sản lượng tôm sú lũy kế 5 tháng ước đạt 85,8 nghìn tấn (tăng 1,6%); sản lượng tôm thẻ chân trắng ước đạt 167,8 nghìn tấn (tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2020) sản lượng nuôi tôm thẻ chân trắng tăng cao do chuyển dịch sang nuôi thâm canh và kiểm soát dịch bệnh tốt, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Bên cạnh đó, sản lượng thủy sản nuôi trồng tăng khá là do đây là thời điểm thu hoạch rộ cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến và nhu cầu của thị trường.
Đối với cá tra, sản lượng tháng 5 ước đạt 117,3 nghìn tấn, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước, đưa lũy kế 5 tháng đầu năm ước đạt 523,9 nghìn tấn, tăng 2,8 % so với cùng kỳ năm trước. Một số tỉnh có diện tích nuôi cá tra lớn trong 5 tháng đầu năm, sản lượng tăng khá như: Đồng Tháp đạt 120,6 nghìn tấn; An Giang đạt 196,9 nghìn tấn. Do nhu cầu nhập khẩu sản phẩm cá tra của Việt Nam tại một số thị trường lớn như Trung Quốc và các thị trường khu vực Nam Mỹ có xu hướng tăng nhẹ trong những tháng đầu năm kéo theo giá cá tra nguyên liệu từ đầu năm đến nay có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Đối với thị trường trong nước, giá cá tra nguyên liệu tại các tỉnh ĐBSCL tăng nhẹ 200đ/kg lên mức 21.500 - 21.700 đ/kg cho cá size 800g-1,1kg.
Trong tháng 5 năm 2021, giá trị xuất khẩu thủy sản ước đạt 750 triệu USD, đưa lũy kế giá trị xuất khẩu thủy sản 5 tháng đầu năm 2021 đạt 3,24 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc tiếp tục là 4 thị trường xuất khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2021, chiếm 56,1% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Trong 4 tháng đầu năm 2021, giá trị xuất khẩu thủy sản tăng tại hầu hết các thị trường ngoại trừ thị trường Nhật Bản ( giảm 1,2%). Trong đó thị trường có giá trị tăng mạnh nhất là Ý (tăng 80,3%).
Vũ Phượng
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.