Nguồn tin: Báo Khánh Hòa, 31/05/2021
Ngày cập nhật:
3/6/2021
Thời gian gần đây, người nuôi tôm hùm ở nhiều địa phương trong tỉnh Khánh Hòa hết sức lo lắng khi tôm hùm trong giai đoạn 45 ngày đầu ương, dưỡng bị chết nhiều. Bên cạnh yếu tố về môi trường nước, thời tiết diễn biến phức tạp thì chất lượng tôm hùm giống cũng là nỗi lo của người nuôi tôm.
Tôm hùm “chết yểu”
Hơn 10 ngày qua, người nuôi tôm hùm xanh tại khu vực vịnh Cam Ranh đứng ngồi không yên khi tôm giống thả xuống trong 10 ngày đầu bị hao hụt rất nhiều, có hộ thả tôm giống xuống ương nuôi chưa đến 30 ngày đã bị hao hụt đến 50%. “Cách đây 30 ngày, gia đình tôi mua 15.000 con tôm hùm xanh giống với giá 43.000 đồng/con về ương nuôi trong 30 lồng tôm. Chỉ mới 3 ngày, số tôm giống chết yểu đã gần 1/4. Sau đó, hàng ngày vệ sinh lồng, cho ăn, tôi lại phát hiện tôm tiếp tục chết. Đến nay, sau 30 ngày ương nuôi, số tôm hao hụt khoảng 40%. Cứ đà này, sau 10 tháng nuôi, số lượng tôm còn lại trong lồng chẳng được mấy con. Nhiều hộ nuôi trong vùng vịnh Cam Ranh cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Hộ nuôi ít thì tỷ lệ hao hụt 30 - 40%, hộ nuôi nhiều lên đến hơn 50%”, ông Huỳnh Văn Long - người nuôi tôm hùm xanh ở phường Cam Linh, TP. Cam Ranh cho biết.
Tôm hùm xanh nuôi ở phường Cam Linh (TP. Cam Ranh) chết liên tục trong quá trình nuôi.
Tại vùng nuôi tôm hùm Vạn Ninh, tình trạng tôm giống chết yểu cũng xuất hiện trong thời gian gần đây. Theo thông tin từ Trạm Thủy sản Vạn Ninh, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 nên người dân rất thận trọng thả giống nuôi. Toàn huyện hiện có 11.300 lồng đang nuôi tôm hùm bông, tôm hùm xanh. Nhiều hộ mới thả giống ghi nhận tỷ lệ hao hụt rất lớn, có hộ lên đến 40%, trong khi mức trung bình tỷ lệ hao hụt các năm khoảng 25%.
Qua trao đổi với người nuôi tôm hùm ở các địa phương trong tỉnh, nguyên nhân khiến tôm hùm hao hụt lớn trong giai đoạn ương nuôi là do môi trường nuôi bị ô nhiễm. Bên cạnh đó, thời tiết gần đây diễn biến thất thường, trong khi đó tôm giống nhỏ sức đề kháng yếu, rất khó chống chọi nên dễ “chết yểu”. Ngoài ra, không loại trừ yếu tố chất lượng con giống không đảm bảo.
Phụ thuộc giống nhập ngoài tỉnh
Theo kế hoạch năm 2021, nông dân toàn tỉnh thả nuôi khoảng 52.700 lồng tôm hùm, trong đó chủ lực là tôm hùm xanh. Ông Võ Khắc Én - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, để phát triển bền vững nghề nuôi tôm hùm lồng, các cơ quan, viện nghiên cứu trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tập trung nghiên cứu sản xuất giống nhân tạo đối với đối tượng nuôi này nhưng vẫn chưa có kết quả khả quan. Nhiều năm nay, nghề nuôi tôm hùm lồng phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn giống tự nhiên. Trong khi đó, nguồn tôm hùm giống khai thác trong tỉnh đáp ứng chưa đến 30% nhu cầu nuôi của người dân. Hơn 70% nhu cầu giống còn lại phụ thuộc vào nguồn tôm giống nhập từ các nước: Philippines, Indonesia và một số địa phương lân cận.
Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã tăng cường kiểm soát chặt giống tôm hùm nhập về tỉnh; thực hiện kiểm dịch để đảm bảo chất lượng tôm giống cung cấp cho người nuôi. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng các đầu mối nhập tôm hùm giống tìm mọi cách để tránh sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng đối với chất lượng con giống, không tuân thủ các quy định về quản lý chất lượng con giống. Trong khi đó, tôm hùm giống khan hiếm, cung không đủ cầu; tôm giống nhập có giá thấp hơn rất nhiều so với khai thác trong tỉnh nên người dân vẫn chấp nhận mua để thả nuôi mà ít quan tâm đến các giấy tờ chứng minh nguồn gốc con giống, chứng nhận kiểm dịch và xét nghiệm bệnh… Do đó, rất khó để ngành chức năng kiểm soát được hoàn toàn số lượng tôm hùm giống nhập về tỉnh cũng như kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm quy định về kiểm dịch.
Chi cục Thủy sản khuyến cáo người nuôi nên mua con giống tại các cơ sở uy tín, có giấy chứng nhận kiểm định để hạn chế những rủi ro. Bên cạnh đó, với tình trạng khan hiếm tôm giống như hiện nay, các địa phương ven biển cần tuyên truyền, hướng dẫn người dân chuyển sang nuôi một số đối tượng khác có giá trị kinh tế cao.
HẢI LĂNG
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.