• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Ninh Bình: Nho Quan vào mùa thu hoạch cá ruộng

Nguồn tin: Báo Ninh Bình, 12/01/2021
Ngày cập nhật: 13/1/2021

Những ngày này, trên cánh đồng ở các xã vùng trũng huyện Nho Quan (tỉnh Ninh Bình) rộn ràng hẳn lên bởi người dân đang vào vụ thu hoạch cá ruộng. Năm nay, sản lượng và giá cá thương phẩm không như mong muốn nhưng từ lợi thế của đồng đất quê hương, bỏ thêm chút công, chút vốn mà có thêm một khoản thu nhập cũng đủ làm nông dân phấn khởi.

Nông dân xã Văn Phú, huyện Nho Quan thu hoạch cá ruộng.

Năm nào cũng vậy, thời điểm nông dân khắp nơi chuẩn bị vật tư, phân, giống cho vụ lúa Đông Xuân thì cũng là lúc bà con nuôi cá ruộng ở các xã vùng trũng của 2 huyện Nho Quan nhộn nhịp vào mùa thu hoạch. Hình ảnh phổ biến là những chiếc xe tải biển số ngoại tỉnh xếp hàng dài trên những con đường nội đồng phần lớn đã được bê tông hóa để thu mua cá. Trên cánh đồng, cứ khoảng vài trăm mét lại có một chiếc lều nho nhỏ do người dân dựng lên để trông coi cá. Bên đống lửa lớn được nhóm lên để sưởi ấm, thương lái, chủ đầm, nhân công sẵn sàng sổ sách, rổ, sọt, chỉ chờ cá đánh về là phân loại, cân, xuất bán ngay tại bờ. Dưới ruộng, hàng chục người quần áo bảo hộ đầy đủ ra sức kéo lưới.

Anh Hoàng Văn Minh, thôn Hiền Lương, xã Văn Phú chia sẻ: Địa hình trũng thấp, nên vùng này phần lớn không thể cấy được lúa mùa. Có cấy thì cũng chịu ảnh hưởng lớn của lũ lụt, sâu bệnh. Do vậy 5 năm trở lại đây, bà con chúng tôi chọn cách cấy một vụ lúa, thả một vụ cá. Lợi nhuận qua các vụ nuôi đều cho thấy hơn hẳn so với cấy lúa, trung bình đạt trên 10 triệu đồng/ha. Thêm vào đó, khi nuôi cá trên ruộng, bà con có thời gian nhàn rỗi để làm công việc khác kiếm thêm thu nhập. Vì hầu như cá trên ruộng không đòi hỏi nhiều công chăm sóc hay tốn kém chi phí thức ăn.

Thuê mướn của bà con trong xã hơn 10 ha ruộng, ông Chính (thôn Lão Cầu, xã Văn Phú) cùng hai người anh em khác cũng thả nuôi cá đồng. Ông Chính cho biết: Thời điểm này, bà con đồng loạt thu hoạch cá để sản xuất vụ đông xuân nên lượng cá đưa ra thị trường rất nhiều, giá tương đối thấp, thời điểm gần Tết thì hết cá, lúc đó con cá đồng mới có giá. Do vậy, anh em chúng tôi bảo nhau, chỉ bán khoảng 50% lượng cá, số còn lại đưa về thả dự trữ trong ao, đợi giá cao mới bán. Năm ngoái, nhờ cá đồng, gia đình thu lãi gần 30 triệu, năm nay mặc dù kém hơn nhưng cũng dưới 20 triệu đồng, cao hơn cấy lúa nhiều.

Được biết, thu hoạch lúa đông xuân xong, vào khoảng tháng sáu, khi có những trận mưa rào đầu mùa trút xuống, nguồn nước dồi dào là người dân bắt đầu thả cá ra đồng. Các giống cá được lựa chọn chủ yếu là: Chép, mè, trắm, rô phi, có khả năng thích nghi và phát triển tốt trên ruộng lúa, tận dụng được thức ăn tự nhiên có sẵn. Vì thời gian từ lúc thả đến lúc thu hoạch chỉ khoảng 4 tháng nên kích cỡ cá thả ruộng cũng phải lớn hơn so với cá nuôi trong ao, trung bình từ 5 lạng đến 1 kg/1con. Những hộ dân có điều kiện còn nuôi vỗ trong ao, mương trước khi thả ra ruộng để cá khỏe, đạt trọng lượng tương đối, có khả năng thích nghi với môi trường tốt hơn.

Theo những người nuôi cá ruộng ở Nho Quan, năm nay có nhiều trở ngại trong sản xuất khi tình hình thời tiết bất lợi, mưa muộn, lượng thức ăn tự nhiên cho cá ít. Tỷ lệ cá bị sốc môi trường, chết và hao hụt nhiều. Số còn lại chậm lớn và trọng lượng không bằng các năm trước. Lượng cá đồng sẵn có như cá rô đồng, cá trê, cá chuối, cá sộp cũng ít hơn. Dù vậy, năng suất trung bình theo ghi nhận từ những hộ thu hoạch vừa qua cũng đạt khoảng hơn 1 tấn/ha.

Về giá cá thương phẩm, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, hoạt động của các nhà hàng, khách sạn bị hạn chế. Hơn nữa, thời điểm này, các hộ đồng loạt thu hoạch để trả ruộng chuẩn bị sản xuất vụ đông xuân nên giá xuống thấp. Cụ thể: các loại cá trắm, cá chép cỡ lớn (từ 3 kg trở lên) là 40 nghìn đồng/1kg; còn các loại cá nhỏ hơn thì chỉ có 28-30 nghìn đồng/1kg. Bà con nhẩm tính, 1 ha chỉ thu được lợi nhuận khoảng 3-5 triệu đồng, tuy thấp nhưng có cũng còn hơn bỏ ruộng hoang mà không thu được gì.

Bài, ảnh: Hà Phương

Các tin mới

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang