Nguồn tin: Báo Cần Thơ, 04/06/2021
Ngày cập nhật:
7/6/2021
Muốn có sản phẩm chất lượng và bán được giá cao thì khâu chọn giống có tính quyết định rất lớn. Do vậy, để giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất, thời gian qua ngành Nông nghiệp Cần Thơ rất quan tâm đến việc hướng dẫn, hỗ trợ nông dân trong khâu chọn giống cả trong sản xuất trồng trọt, chăn nuôi gia súc và nuôi trồng thủy sản. Ðặc biệt, trong sản xuất lúa thì khâu chọn giống được quan tâm hàng đầu. Các quy trình kỹ thuật sản xuất lúa tiên tiến như “ 1 phải, 5 giảm” hay “ 1 phải, 6 giảm” đều đặt ra yêu cầu đầu tiên là phải chọn giống tốt, đạt cấp xác nhận trở lên. Ðối với nuôi trồng thủy sản, khâu chọn giống tốt cũng được ngành chức năng rất quan tâm và bước đầu cũng đã hỗ trợ nông dân xây dựng được những mô hình nuôi thủy sản đạt hiệu quả cao nhờ chọn giống tốt. Ðáng chú ý là mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực tại xã Thạnh Mỹ, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ. Mô hình này đã được Trung tâm dịch vụ nông nghiệp (trước đây là Trung tâm khuyến nông) thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ hỗ trợ người dân tại xã Thạnh Mỹ thực hiện từ năm 2016, với diện tích 20ha và đã được duy trì đến nay. Theo ông Mai Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Sở Nông nghiệpvà Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, Trung tâm đã tiến hành hỗ trợ nông dân tại huyện Vĩnh Thạnh xây dựng mô hình nuôi tôm toàn đực trên ruộng lúa bắt đầu từ năm 2016 và hỗ trợ liên tục 3 năm ( 2016, 2017 và 2018) và từ năm 2019 đến nay, từ nguồn lực Nhà nước hỗ trợ và vốn của người dân, người dân đã tự phát triển. Kết quả cho thấy, mô hình đã mang lại hiệu quả rất tốt, với bình quân mỗi năm ruộng tôm với diện tích 1ha cho lợi nhuận từ 70 triệu đồng đến 100 triệu đồng, mức lời này khá cao so với trồng lúa.
Mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực ở huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ.
Việc lựa chọn giống tôm toàn đực để thả nuôi không chỉ giúp nông dân nuôi tôm mau lớn, tiết kiệm chi phí mà còn bán được giá hơn nhờ tôm đạt chất lượng cao. Ông Nguyễn Lê Chủng ở ấp Lân Quới, xã Thạnh Mỹ đang có 1,5ha nuôi tôm càng xanh theo mô hình chọn giống tôm toàn đực, cho biết: “Tôm càng xanh đực và cái có sự khác biệt rõ rệt về tốc độ sinh trưởng, kích cỡ khi thu hoạch, vì thế chọn tôm càng xanh toàn đực để thả nuôi giúp tăng năng suất, tận dụng thức ăn tối đa. Ðồng thời, con tôm càng xanh đực hầu như luôn có giá bán cao gấp đôi so với tôm càng xanh cái. Ðược sự hướng dẫn và hỗ trợ nguồn con giống từ ngành chức năng, tôi đã áp dụng mô hình nuôi tôm toàn đực từ năm 2016 và đã duy trì tới nay vì thấy nó mang lại hiệu quả rõ nét so với cách nuôi truyền thống trước đây”.
Ðể giảm chi phí nuôi tôm và bán sản phẩm được giá cao, ngoài việc chọn giống tôm toàn đực để nuôi, nông dân tại các ấp thuộc xã Thạnh Mỹ và thị trấn Vĩnh Thạnh còn áp dụng giải pháp cho tôm ăn thức ăn công nghiệp kết hợp với cho ăn giặm thêm các loại củ quả sẵn có như: mì, bắp, dừa, chuối… Các loại cây được nông dân trồng quanh bờ bao ao nuôi tôm. Ðồng thời, thu hoạch tôm tỉa dần, chứ không thu hoạch một cách đồng loạt. Ông Lê Văn Phiêm, có 1ha nuôi tôm càng xanh toàn đực ở xã Thạnh Mỹ, cho biết: “Thường sau khoảng 6 tháng nuôi, người dân tuyển lựa những con tôm lớn để thu hoạch dần đến khi kết thúc vụ tôm, với thời gian kéo dài trong khoảng 10 tháng. Cách làm này không chỉ giúp nông dân có thể bán tôm giá cao mà còn tận dụng hiệu quả nguồn thức ăn trong ao nuôi, hạn chế tình trạng cạnh tranh về thức ăn giữa tôm lớn và tôm nhỏ. Ngoài ra, nông dân cũng thả thêm một số loại cá để tận dụng các loại thức ăn thừa từ tôm nhằm kiếm thêm thu nhập”. Theo hộ dân thực hiện mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực tại xã Thạnh Mỹ, với diện tích ao nuôi khoảng 1ha, người dân có thể thu hoạch đạt tổng sản lượng tôm từ 1-1,2 tấn. Trong các năm trước, nhờ tôm bán được giá cao lên đến 200.000-220.000 đồng/kg (loại 20 con/kg), mỗi héc-ta nuôi tôm càng xanh nông dân có thể đạt lợi nhuận trên 100 triệu đồng/vụ nuôi. Riêng năm nay giá tôm càng xanh có phần giảm thấp so với mọi năm do dịch COVID-19, với giá tôm loại 20 con/kg hiện chỉ còn ở mức khoảng 160.000 đồng/kg. Dù vậy, các hộ nuôi tôm cho biết, bán mỗi ký tôm thương phẩm, người nuôi vẫn còn lời khoảng 30.000-40.000 đồng/kg. Hiện mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực cũng đã được phát triển, nhân rộng tại một số địa bàn các ấp nằm giáp ranh với xã Vĩnh Thạnh, nhất là tại ấp Vĩnh Mỹ thuộc thị trấn Vĩnh Thạnh.
Thực tế từ mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực ở huyện Vĩnh Thạnh cho thấy, khâu chọn giống quyết định rất lớn đến hiệu quả sản xuất. Cùng với đó là sự năng động, sáng tạo của nông dân trong áp dụng các giải pháp và cách làm giúp giảm chi phí sản xuất, tạo thuận lợi về đầu ra sản phẩm, nhất là cách thu hoạch tôm tỉa dần đã giúp hạn chế được tình trạng “rộ mùa thu hoạch, giá rớt”. Ðây là những cách làm hiệu quả và thiết thực cần được nhân rộng thời gian tới.
Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.