Nguồn tin: Báo Cần Thơ, 11/06/2021
Ngày cập nhật:
14/6/2021
TP Cần Thơ đã xuất hiện ngày càng nhiều các cơ sở sản xuất kinh doanh giống thủy sản. Với nhiều điều kiện thuận lợi về tự nhiên và nguồn nhân lực, Cần Thơ được đánh giá nhiều tiềm năng để phát triển sản xuất các loại giống thủy sản đáp ứng nhu cầu nuôi trồng thủy sản tại vùng ÐBSCL.
Sản xuất và kinh doanh tôm giống tại Công ty TNHH Giống thủy sản Hưng Phú ở TP Cần Thơ.
Đa dạng giống thủy sản
Dọc theo tuyến quốc lộ 91 đi qua địa bàn quận Ô Môn và Thốt Nốt có hàng chục cơ sở sản xuất kinh doanh cá giống. Các cơ sở này không chỉ tập trung sản xuất và kinh doanh con giống của đối tượng thủy sản đang được nuôi chủ lực tại ÐBSCL là con cá tra mà còn sản xuất, cung ứng ra thị trường rất nhiều loại giống thủy sản khác. Trong đó, tập trung nhiều vào các loại cá nuôi nước ngọt như: cá trê, cá lóc, cá rô, cá mè, cá chép, điêu hồng, cá chạch, thát lát, cá hô, tai tượng, sặc rằn, lươn, ếch…
Theo ông Nguyễn Ðình Bưởi, chủ cơ sở cá giống Hồng Nhung ở phường Thới Hòa, quận Ô Môn, nhiều loại cá giống được sản xuất ở Cần Thơ không chỉ đáp ứng nhu cầu tại chỗ mà tiêu thụ tại nhiều tỉnh vùng ÐBSCL, xuất khẩu sang Campuchia và một số nước.
Tại nhiều quận, huyện như: Cái Răng, Bình Thủy, Phong Ðiền, Thới Lai, Cờ Ðỏ… các cơ sở sản xuất và kinh doanh các loại giống thủy sản phát triển khá mạnh trong những năm gần đây. Bên cạnh sản xuất các loại giống cá nuôi nước ngọt, doanh nghiệp và cơ sở còn phát triển sản xuất các loại thủy sản phục vụ nuôi nước mặn và nước lợ như: tôm sú, tôm thẻ chân trắng. Ngoài ra, một số đơn vị, doanh nghiệp và hộ dân còn nghiên cứu, phát triển sản xuất các loại giống cá cảnh để đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường.
Theo ông Lê Thái Nguyên, chủ một cơ sở sản xuất kinh doanh cá giống tại huyện Thới Lai, nhờ đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng thủy sản và sản xuất con giống mà hiện nay hầu hết các loại thủy sản đặc hữu, có giá trị cao tại vùng ÐBSCL đã phát triển sản xuất con giống nhân tạo thành công, cung ứng ra thị trường ngày càng đa dạng các loại giống thủy sản. Bên cạnh đó, nước ta cũng đã nghiên cứu và nhân giống một số loại thủy sản có giá trị kinh tế cao được nhập khẩu từ nước ngoài để nuôi tại ÐBSCL.
TP Cần Thơ hiện có 121 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản. Trong đó, 90 cơ sở sản xuất, ương dưỡng cá giống và 31 cơ sở sản xuất tôm giống. Các cơ sở này sản xuất rất nhiều loại giống thủy sản, trong đó tập trung nhiều là các đối tượng như: tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh, cá tra, cá thát lát, cá rô đồng, trê lai, rô phi, cá chép, sặc rằn… Theo Chi cục Thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, qua 5 tháng đầu năm 2021, các cơ sở giống thủy sản đã sản xuất được hơn 70,6 triệu cá giống các loại và hơn 126,3 triệu con tôm giống.
Nhiều tiềm năng phát triển
Hiện nay, năng lực sản xuất các giống thủy sản tại nhiều đơn vị, doanh nghiệp TP Cần Thơ đã được nâng cao rất nhiều so với những năm trước đây. Tuy nhiên, do nhu cầu tiêu thụ có xu hướng tăng cao và nguồn cung còn hạn chế nên nguồn cung loại giống thủy sản như: con giống lươn, tôm càng xanh… vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu thị trường.
Ông Trần Tân Khoa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH giống thủy sản Hưng Phú, cho biết: “Hiện số lượng tôm giống được doanh nghiệp sản xuất và cung ứng ra thị trường đã tăng khoảng 20-30% so với các năm trước. Tuy nhiên, nguồn hàng làm ra vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu thị trường, nhất là giống tôm càng xanh. Sản phẩm tôm giống của công ty không chỉ tiêu thụ mạnh tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước mà những năm qua tôm giống càng xanh còn được xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc”.
Theo doanh nghiệp và cơ sở sản xuất tôm giống ở TP Cần Thơ, những năm gần đây, tôm càng xanh đã được người dân phát triển nuôi nên nhu cầu mua con giống tăng, đặc biệt là con giống tôm càng xanh toàn đực, do nuôi mau lớn, chất lượng thịt tốt và bán được giá cao so với nuôi giống tôm lẫn lộn giữa tôm đực và tôm cái.
Cần Thơ có nguồn nước ngọt quanh năm và thuận lợi về tự nhiên để phát triển nuôi trồng và sản xuất các loại giống thủy sản. Thực tế cũng đã hình thành được nhiều doanh nghiệp và cơ sở sản xuất giống thủy sản có uy tín chất lượng. Thành phố có nhiều viện, trường nên cũng thuận lợi về nguồn nhân lực và đội ngũ các chuyên gia thủy sản có trình độ cao để nghiên cứu, phát triển sản xuất các loại giống thủy sản. Ðồng thời, Cần Thơ nằm ở vị trí trung tâm của vùng ÐBSCL nên việc vận chuyển giống thủy sản đến các nơi cũng có nhiều thuận lợi. Từ thực tế đó, TP Cần Thơ được đánh giá có nhiều tiềm năng và điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh các loại giống thủy sản. Ðặc biệt là khi nhu cầu về các loại giống thủy sản đang gia tăng nhanh tại vùng ÐBSCL do nhiều địa phương đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất nông nghiệp “thuận thiên” theo Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17-11-2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ÐBSCL thích ứng với BÐKH. Trong đó, phát triển nuôi thủy sản được đặt lên hàng đầu, sau đó là cây ăn trái và lúa.
Ðể thúc đẩy phát triển sản xuất các loại giống thủy sản, ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ cũng đã và đang tiếp tục triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ và tạo điều kiện để các đơn vị, doanh nghiệp đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, quy trình, công nghệ mới. Qua đó, giúp giảm chi phí, giảm tỷ lệ hao hụt trong quá trình ương tạo giống, từ đó nâng cao được hiệu quả sản xuất.
Theo ông Phạm Trường Yên, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, thành phố đã quan tâm quy hoạch vùng sản xuất giống thủy sản tập trung. Trong sản xuất giống các vấn đề đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường luôn được ngành chức năng quan tâm. Các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất giống được tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn để xây dựng các trại giống đáp ứng an toàn vệ sinh và các tiêu chuẩn theo quy định. Đồng thời, ngành Nông nghiệp cùng các sở, ngành chức năng thành phố cũng liên kết các viện, trường và đơn vị có liên quan để đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, phát triển sản xuất các loại giống thủy sản đáp ứng yêu cầu thị trường và thích ứng biến đổi khí hậu.
Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.