Nguồn tin: Báo Bình Thuận, 15/06/2021
Ngày cập nhật:
17/6/2021
Mỗi tuần chi phí hơn 5 triệu đồng tiền cám cho cá ăn, nếu nhân với 4 tuần trong 1 tháng thì hơn 20 triệu đồng, những hộ thí điểm mô hình: “Nuôi cá thát lát cườm an toàn sinh học bằng thức ăn công nghiệp theo liên kết chuỗi” ở xã Thuận Hòa (Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận) như đang ngồi trên đống lửa vì không có người thu mua do dịch Covid-19.
Người dân lo lắng không bán được cá. (Ảnh tư liệu).
Từ mô hình hay
Xuất phát từ ý tưởng thấy cá thát lát trong môi trường tự nhiên cho thịt ngon và chắc, trong khi tại địa bàn xã có nhiều ao, hồ chứa nước tưới thanh long của người dân bỏ trống. Đầu năm 2020, Hội Nông dân xã Thuận Hòa, huyện Hàm Thuận Bắc liên hệ với các trung tâm khuyến nông của tỉnh và huyện đề nghị nhân mô hình “Nuôi cá thát lát cườm an toàn sinh học bằng thức ăn công nghiệp” từ huyện Đức Linh về xã để nuôi thí điểm, đồng thời bao tiêu sản phẩm.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Lê Văn Dũng cho biết: “Với điều kiện tự nhiên và nhiều ao, hồ như vậy thì mô hình phù hợp với loài cá này. Đầu tiên, nuôi thí điểm vài hộ trên địa bàn xã, nếu hiệu quả sẽ nhân rộng. Hiện có 2 hộ đã triển khai nuôi là ông Lê Đức Trình và bà Lê Thị Phụng ở thôn Dân Hòa. Khi đến kỳ xuất bán thì chỉ cần liên hệ với công ty bao tiêu ở Đức Linh họ sẽ cho xe xuống thu mua”.
Trong 3 tháng đầu nuôi, chăm sóc kỹ cá lớn nhanh, dự kiến tháng thứ 7 đạt kích cỡ thương phẩm sẽ xuất ao bán. Theo dự kiến, sau khi trừ chi phí, còn thu lợi hơn 77,8 triệu đồng tổng diện tích ao nuôi của 2 hộ là 2.500 m2.
Không gặp thời
Mô hình bắt đầu triển khai vào tháng 8/2020 với 20.000 con giống được thả của 2 hộ. Nếu không vướng dịch thì lứa cá đầu tiên đã được công ty bao tiêu ở Đức Linh đến thu mua như thỏa thuận ban đầu theo liên kết chuỗi.
Tuy nhiên, đến nay đã quá 8 tháng, vẫn chưa có người đến thu mua, mặc dù các hộ nuôi đã liên hệ nhiều địa chỉ. Ông Trình cho biết: “Tôi đang trông ngóng công ty bao tiêu đến thu mua. Nếu cứ tình hình này thì sẽ lỗ vốn vì thức ăn cho cá đắt đỏ, mỗi tuần chi hết 5 triệu đồng tiền cám, chưa kể chi phí khác. Hơn nữa, loài cá này đủ tháng, đủ trọng lượng người ta mới mua còn vượt quá trọng lượng sẽ bị chê”. Ông đã phải bán cặp bò đi lấy tiền mua thức ăn cho cá và làm hàng rào bảo vệ ao. Tương tự, hộ bà Phụng hiện đang cho cá ăn cầm chừng. Cụ thể bình thường 12 thau cám viên/ngày, nay còn 8 thau/ngày. Mặc dù đã nhiều lần liên hệ với công ty bao tiêu ở Đức Linh, thậm chí cả ở Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh nhưng chỉ nhận được câu trả lời: Vì tình hình dịch Covid-19 nên hạn chế đầu ra.
Cả 2 hộ đang trong tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”, bán lẻ ra các chợ thì giá cao không người mua. Ông Trình than thở: “Hàng tấn cá dưới ao mà đánh bắt vài chục kg đi bán lẻ thì phá vỡ cả ao cá, hơn nữa giá cao bán lẻ rất chậm...”.
Trước tình trạng trên, Hội Nông dân xã đã kiến nghị với Trung tâm Kỹ thuật và dịch vụ nông nghiệp huyện để tìm đầu ra cho các hộ. Trung tâm cho biết, họ cũng đã kiến nghị với Trung tâm Khuyến nông tỉnh xem xét giải pháp đầu ra của các mô hình trong tình hình dịch bệnh hiện nay, bao gồm mô hình cá thát lát ở Thuận Hòa. Tuy nhiên, cũng chưa nhận được kết quả mong đợi.
Ông Phạm Kim Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh giải thích, cá thát lát chủ yếu được các nhà hàng, quán ăn lớn tiêu thụ. Những năm trước không có dịch Covid-19 dễ tiêu thụ, nhưng năm nay tình hình dịch thế này rất khó. Chúng tôi cũng đã cung cấp một số địa chỉ cho các hộ, nhưng có lẽ do dịch bệnh nên họ chưa thu mua. Với tình trạng này, hộ nuôi nên tìm cách tự chế biến, nạo cá thành chả bán để khắc phục phần nào... Ngoài ra, chúng tôi cũng đang tiếp tục tìm cách gỡ khó giúp người dân.
N.CHINH
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.