• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Điêu đứng vì cá sấu rớt giá

Nguồn tin: Báo Cần Thơ, 13/01/2021
Ngày cập nhật: 15/1/2021

Từng là vật nuôi hứa hẹn mang lại thu nhập cao cho nông dân, nhưng gần đây giá xuống thấp lại không tiêu thụ được, cá sấu đang làm nhiều nông dân ở Cà Mau điêu đứng.

Hệ lụy khi chạy theo phong trào

Những ngày đầu năm 2021, chúng tôi về huyện U Minh, một trong những nơi có số hộ nuôi cá sấu nhiều trong tỉnh Cà Mau. Tại đây, từng có thời điểm nhiều hộ nuôi cá sấu “râm ran” bàn chuyện lập tổ, hội nghề nuôi để thuận tiện trong quản lý, đăng ký và mua bán sản phẩm. Ông Ðỗ Minh Chong, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn U Minh, cho biết: “Trước đây, khi cá sấu có giá, nhiều người xây chuồng nuôi, thị trấn cũng khuyến khích việc nuôi này do tận dụng được nguồn cá phi từ vuông tôm. Nào ngờ, cá sấu bây giờ làm người nuôi gặp rất nhiều khó khăn nên bà con bắt đầu hạn chế tái đàn và địa phương cũng không khuyến khích phát triển mô hình này”.

Cá sấu giảm giá lại không có người mua đang làm nông dân Cà Mau điêu đứng.

Bà Ðỗ Thị Thạch, ở ấp 17 xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, kể: “Trước đây, gia đình tôi nuôi tôm, trồng cây ăn trái, nuôi cá, gia súc… cuộc sống không đến nỗi nào. Khi thấy người ta nuôi cá sấu chi phí thấp mà lời nhiều nên tôi làm theo. Vụ đầu hơn 15 tháng, giá cá sấu thương phẩm mỗi ký hơn trăm ngàn đồng trong khi thương lái tìm mua liên tục nên tôi tăng số lượng nuôi cho vụ thứ 2 với suy tính mức lời hấp dẫn hơn nuôi gia súc, gia cầm. Thế nhưng, từ đầu năm 2020 đến nay, giá bán giảm mà tìm lái bán cũng khó khăn”.

Không chỉ có U Minh, huyện Thới Bình cũng là địa phương có tổng đàn cá sấu nuôi thương phẩm hơn 100.000 con và người nuôi cũng đang gặp tình trạng khó khăn trong tiêu thụ. Việc này cho thấy hậu quả của tình trạng tự phát trong định hướng cây trồng, vật nuôi, thiếu sự liên kết để ổn định đầu ra. Ðiển hình như trước đây, mô hình nuôi trăn cũng phát triển rầm rộ ở Cà Mau, lợi nhuận chỉ bước đầu nhưng khó khăn thì dai dẳng.

Càng kéo dài càng lỗ

Theo Chủ tịch UBND xã Nguyễn Phích - ông Lê Trung Kiên, trên địa bàn xã có 147 hộ nuôi cá sấu với tổng đàn trên 15.000 con, trong đó nuôi nhiều nhất là hộ bà Thạch với hơn 670 con. “Chưa bao giờ giá cá sấu thương phẩm giảm mạnh và kéo dài như năm qua. Ðầu năm 2020, giá bán khoảng 100.000 đồng/kg thì giờ chỉ còn khoảng 35.000 đồng/kg. Giá thấp lại không có thương lái thu mua nên người nuôi phải duy trì, lại tốn thêm chi phí thức ăn để dưỡng cá chờ tiêu thụ” - ông Kiên nói.

Theo bà con nông dân tại Cà Mau, cá sấu khoảng 4-5 ngày cho ăn 1 lần, cá càng lớn ăn càng nhiều, nếu hộ nuôi khoảng 70 con thì chi phí mỗi lần mua thức ăn cho cá khoảng 500.000 đồng. Vì vậy, nếu đến lứa không bán được, cứ kéo dài thời gian nuôi thì người nuôi coi như trắng tay. Một số nơi người nuôi đã rao bán mỗi con cá sấu trọng lượng từ 20-25kg với giá 600.000-700.000 đồng để tiêu thụ nội địa với hy vọng “gỡ” lại chi phí đầu tư chuồng trại, con giống, thức ăn… Tuy nhiên, cách làm này cũng gặp khó vì cá sấu không phải là loại thực phẩm phổ biến trong bữa ăn hằng ngày nên rất ít người mua. Bà Thạch chua chát nói: “Khi có lời nhiều cứ nghĩ nó hơn gia súc, gia cầm nhưng bây giờ mới thấy nuôi heo tuy lo ngại dịch bệnh, giá thấp bấp bênh… nhưng cũng còn có người mua. Còn cá sấu, thương lái không mua là chịu, có làm thịt đãi khách cũng ít người ăn”.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau, hiện nay trên địa bàn tỉnh có trên 570 cơ sở, hộ gia đình tham gia gây nuôi động vật hoang dã với số lượng trên 64.000 cá thể. Trong đó có 185 cơ sở nuôi cá sấu nước ngọt đã được Chi cục Kiểm lâm cấp giấy chứng nhận đăng ký với 41.861 cá thể. Cá sấu có thời điểm là nguồn tăng thu nhập cho người dân địa phương bởi đây là loài vật dễ nuôi, ít dịch bệnh, có thể tận dụng thức ăn có sẵn trong vuông tôm nên lời cao hơn so với nuôi gia súc, gia cầm… Vì vậy, ngoài tổng đàn như trên, trong thực tế còn có không ít cá sấu được người dân nuôi tự phát, không đăng ký mà ngành chức năng chưa thống kê được.

Ông Ðỗ Minh Chong cho rằng, bài học từ việc nuôi động vật ngoại lai làm hại đồng ruộng đến nuôi trăn, cá sấu ồ ạt rồi bị bế tắc đầu ra như hiện nay một lần nữa cảnh tỉnh nhà nông. Nếu không có sự kiểm soát, quản lý và nhất là liên kết để ổn định thị trường tiêu thụ thì việc chạy theo phong trào sẽ khiến cho nông dân thêm điêu đứng.

Bài, ảnh: CHẤN PHONG

Các tin mới

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang