• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Vẫn nỗi lo về giá

Nguồn tin: Báo Sóc Trăng, 21/06/2021
Ngày cập nhật: 23/6/2021

Năm nay người nuôi tôm rất hăm hở, tự tin khi bước vào vụ tôm nước lợ năm 2021 nhờ giá tôm tăng cao và thời tiết, môi trường… khá thuận lợi. Tuy nhiên, khi vụ tôm bắt đầu bước vào thả nuôi rộ cũng là lúc giá tôm quay đầu giảm, còn giá thức ăn tôm cùng các vật tư đầu vào phục vụ nghề nuôi khác thì lại tăng, khiến người nuôi không khỏi băn khoăn, lo lắng.

Theo khảo sát của người viết, mỗi ký thức ăn tôm tăng bình quân từ 1.600 – 2.600 đồng/kg, cá biệt, thức ăn cao cấp dành cho tôm giai đoạn ương tăng đến 10.000 đồng/kg. Không chỉ có giá thức ăn, giá một số loại vật tư, nguyên liệu đầu vào khác, như: bạt nhựa, thuốc tím, chlorin, chế phẩm sinh học… cũng đều tăng giá so với năm ngoái. Theo tính toán của người nuôi, với mức tăng của nguyên liệu, vật tư đầu vào trên, nếu nuôi đạt năng suất, giá thành mỗi ký tôm cũng đã tăng thêm khoảng 4.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá tôm có giữ ổn định ở mức cao hay không mới là điều làm người nuôi đặc biệt quan tâm ở vụ tôm này. Ảnh: XUÂN TRƯỜNG

Anh Châu Minh Tâm, một hộ nuôi tôm ở huyện Long Phú (tỉnh Sóc Trăng) cho biết: “Thật ra, ngay từ đầu năm 2021, giá thức ăn tôm cùng nhiều loại chi phí đầu vào khác đã bắt đầu có dấu hiệu tăng, nhưng do lúc này giá tôm còn rất cao nên ít ai quan tâm. Tuy nhiên, sau khi giá tôm bắt đầu giảm, nhiều người mới giật mình nhìn lại bảng giá vật tư đầu vào và bắt đầu lo lắng”.

Có đôi chút bất ngờ là dù chi phí cho mỗi ký tôm lúc thu hoạch đã tăng thêm khoảng 4.000 đồng/kg, nhưng nỗi lo của đa phần người nuôi lại tập trung vào giá tôm, bởi theo họ, chỉ cần giá tôm đừng giảm thêm thì lợi nhuận vẫn sẽ cao hơn so với cùng kỳ nếu nuôi đạt năng suất. Ông Ngô Công Luận – Giám đốc Hợp tác xã Nông ngư 14/10, xã Hòa Tú 2 (Mỹ Xuyên) phân tích: “Ở vụ nuôi năm ngoái, dù chi phí đầu vào không tăng, nhưng có những thời điểm người nuôi vẫn phải bị lỗ vì giá tôm quá thấp. Đơn cử như giá tôm thẻ loại 100 con/kg năm ngoái có lúc xuống chỉ còn 65.000 đồng/kg, nên khéo lắm thì cũng chỉ hòa vốn, còn đa số thì phải lỗ. Do đó, dù hiện tại, giá thức ăn và một số chi phí đầu vào đã tăng, nhưng nếu nuôi đạt năng suất thì người nuôi vẫn có lợi nhuận khá, kể cả tôm cỡ vừa và nhỏ, còn nếu nuôi được về cỡ lớn thì lợi nhuận vẫn rất cao”.

Còn theo ông Võ Văn Phục – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam, đúng là nguyên liệu, vật tư đầu vào năm nay có tăng so với năm ngoái, nhưng chỉ mới tăng mạnh thời gian gần đây thôi và mức tăng cũng chưa thể nói là quá cao. Ông Phục chia sẻ: “Một số yếu tố đầu vào tăng mạnh có thể kể đến như: clorin, thuốc tím, bạt đáy… nhưng số này chỉ chiếm một phần nhỏ trong giá thành con tôm, còn thức ăn tôm mức giá tăng cũng chỉ khoảng 5%”. Như vậy, nếu tính chung, giá thành tôm nuôi chỉ tăng khoảng 4 - 5% so với cùng kỳ, trong khi giá tôm năm nay lại cao hơn so cùng kỳ đến vài chục phần trăm, nên chỉ cần nuôi đạt năng suất thì người nuôi vẫn có lợi nhuận khá.

Việc người nuôi tôm lo giá tôm giảm nhiều hơn chi phí đầu vào tăng là hoàn toàn có cơ sở, bởi theo nhận định của đa số người nuôi, thời tiết, môi trường từ đầu năm đến nay là khá thuận lợi, dịch bệnh ít xảy ra và hầu hết những diện tích tôm thu hoạch đều đạt năng suất khá cao. Đơn cử như tại trang trại của Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam, ở vụ thả sớm do trời lạnh, nên đến 55 ngày tôm chỉ đạt cỡ 200 con/kg, còn ở vụ mới này, cũng 55 ngày, mật độ nuôi 250 con/m2 nhưng tôm đã về cỡ 80 con/kg. Do đó, theo ông Phục, nếu người nuôi tập trung đầu tư, chăm sóc tôm nuôi tốt để đạt năng suất cao thì mức lợi nhuận vẫn không giảm, đặc biệt là khi nuôi tôm về kích cỡ lớn từ 20 - 25 con/kg. Còn theo báo cáo của Chi cục Thủy sản Sóc Trăng, diện tích thả nuôi đến ngày 11-6 trên 26.000ha, đạt 51,1% kế hoạch, nhưng thiệt hại chỉ chiếm 4,4% diện tích thả nuôi. Dù chỉ mới thu hoạch hơn 4.000ha nhưng sản lượng tôm đã hơn 34.000 tấn.

Hiện đang là thời điểm thả nuôi rộ và giá vật tư, nguyên liệu đầu vào vẫn đang ở mức cao hơn cùng kỳ, nhưng người nuôi cũng phần nào tạm quên đi nỗi lo tăng giá đầu vào vì giá tôm loại 30 - 70 con/kg thời gian gần đây đã tăng trở lại. Tuy nhiên, nói gì thì nói, chuyện giá thức ăn tôm liệu có tăng thêm hay không khi nhu cầu tăng cao trong thời gian tới và giá tôm lúc thu hoạch có được giữ vững ở mức cao hay không vẫn còn là ẩn số, nên đối với người nuôi tôm lúc này việc quan trọng cần làm là tập trung thả nuôi, chăm sóc tốt để đạt năng suất nhằm đảm bảo tốt lợi nhuận cho vụ nuôi.

XUÂN TRƯỜNG

Các tin mới

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang